Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp dự hội nghị quốc tế ngành Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam năm 2015 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 14-5 tại TP.HCM.
Theo bà Võ Ngân Giang, thuộc Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc, mặc dù Việt Nam đã có những mặt hàng có sản lượng xuất khẩu hàng đầu trên thế giới như gạo, cà phê nhưng hàng hóa chủ yếu mới ở dạng xuất khẩu thô nên giá trị xuất khẩu còn thấp.
Năng lực cạnh tranh của những mặt hàng này chưa thực sự xứng tầm với năng lực và khả năng sản xuất, cung cấp của Việt Nam do chưa có thương hiệu.
Trong khi đó, hơn 3.000 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản trên cả nước lại hoạt động phân tán, thiếu sự liên kết và chưa định vị thương hiệu rõ ràng nên chưa đạt được giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh để xây dựng thương hiệu sản phẩm xuất khẩu, Nhà nước cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng lấy thị trường làm cơ sở để điều chỉnh các ngành sản xuất, chế biến hàng hóa; tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết sản xuất nguyên liệu-chế biến-tiêu thụ để hình thành chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm; đa dạng hóa loại hình, quy mô chế biến nông nghiệp; hình thành các doanh nghiệp đầu tàu để tập trung sản phẩm mũi nhọn có thương hiệu và tạo ra sức cạnh tranh trên thị trường.
Về phía mình, các doanh nghiệp phải thấy rõ tính khắt khe của các quy định ở thị trường nhập khẩu lớn như EU, Mỹ, Nhật về chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh (CODEX), an toàn dịch bệnh (OIE), về truy xuất nguồn gốc để từ đó thực hiện đầu tư đúng mức nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu, ông Julian Lawson Hill (chuyên gia xây dựng thương hiệu của EU) cho rằng, trong quá trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam phải hướng tới việc làm cho người tiêu dùng trên thế giới nhận diện được sản phẩm thực phẩm của mình như một thương hiệu mạnh, có uy tín.
Các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu rõ vì sao thị trường này lại nhập khẩu hàng hóa của mình? Thế mạnh của hàng nông lâm thuỷ sản Việt Nam là gì? Khách hàng mong muốn chủng loại sản phẩm nào? Xu hướng của thị trường trong tương lai?...
Từ quá trình xây dựng thương hiệu của các sản phẩm ở New Zealand, ông Tony Martin, Tham tán thương mại kiêm Tổng lãnh sự New Zealand chia sẻ Chính phủ New Zealand đã thành lập 40 văn phòng trên thế giới để tìm hiểu thị trường, kết nối các doanh nghiệp tạo nên vòng tròn hỗ trợ có các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.
Đồng thời, các cơ quan này đã xây dựng được một chiến lược mang tầm quốc gia với nhiều mô hình mới tạo nhiều giá trị cho hàng hóa xuất khẩu.
Bên cạnh những giải pháp nêu trên, đối với những hàng hoá xuất khẩu của ngành thực phẩm thì bao bì có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình góp phần nâng cao giá trị.
Bao bì không chỉ giúp người tiêu dùng có được những thông số cụ thể, chính xác các loại sản phẩm định mua, mà còn giúp bảo quản chất lượng hàng hóa trong quá trình vận chuyển và tiêu dùng.
Đặc biệt, bao bì sẽ giúp tạo dựng thương hiệu, tính đặc thù riêng của từng loại hàng hóa, từng quốc gia. Vì vậy, cần đưa những hình ảnh mang tính văn hóa dân tộc, tính khoa học, tính tiện dụng một cách hài hoà để tạo sự thích thú cho người tiêu dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận