Những người bị "siêu cảm lạnh" có các triệu chứng như COVID-19 nhưng xét nghiệm COVID-19 lại âm tính - Ảnh: REUTERS
Virus được gọi là "siêu cảm lạnh" đã được ghi nhận lây lan nhanh tại Úc. Các triệu chứng tương tự khiến nhiều người ban đầu nghi mình mắc COVID-19, tuy nhiên các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.
Các triệu chứng được thông báo gồm đau rát họng, đau đầu và đau người, sổ mũi và mệt mỏi, đôi khi kéo dài nhiều tuần. Người mắc chứng "siêu cảm lạnh" điển hình không mất khứu giác và vị giác như ở người được chẩn đoán mắc COVID-19, nhưng tất cả những người nghi mắc bệnh vẫn được khuyến nghị tiến hành xét nghiệm.
Số ca mắc bệnh "siêu cảm lạnh" được ghi nhận cũng tăng mạnh tại Anh hồi cuối năm ngoái, khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ. Vào thời điểm đó, các chuyên gia cho rằng đây là hậu quả của hai năm phong tỏa và giãn cách xã hội.
Điều tương tự đang xảy ra tại Úc, khi mà đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và sát khuẩn tay đã bắt đầu bị xem nhẹ.
Theo các chuyên gia y tế, giai đoạn dài không bị phơi nhiễm với các loại virus đang tồn tại trong cộng đồng (do các biện pháp phong tỏa) đã khiến hệ hô hấp quen với điều này, gián tiếp dẫn tới tình trạng cơ thể dễ bị tổn thương khi các điều kiện trở lại bình thường. Hệ quả là làm tăng các ca nhiễm hệ hô hấp trên.
Bệnh cúm cũng có các triệu chứng tương tự COVID-19 như đau đầu, đau người, sốt… và có thể kéo dài từ 10-14 ngày mới hết. Việc mở cửa đón du khách nước ngoài đã khiến vấn đề trở nên đáng quan ngại hơn khi họ có thể mang các chủng hoặc biến thể mới đến Úc.
Tiến sĩ Ian Mackay, chuyên gia virus tại Đại học Queensland, nhận định thông thường mọi người nghĩ rằng bệnh về hô hấp do không khí lạnh gây ra nhưng điều này đã thay đổi sau dịch COVID-19. Hầu hết số ca mắc cúm và cảm lạnh tại Úc gần đây xảy ra trong những tháng mùa hè nóng ấm hơn, cho thấy vấn đề này liên quan đến hệ miễn dịch hơn là theo mùa.
Tiến sĩ Mackay khẳng định: "Rõ ràng đây không phải là bệnh theo mùa, mà liên quan nhiều hơn đến khả năng hệ miễn dịch của cơ thể… vì khi hệ miễn dịch kém, virus có thể tấn công bất kỳ lúc nào".
Theo tiến sĩ Philippa Kaye, mức độ phổ biến của bệnh "siêu cảm lạnh" hiện nay tương đương với mức được ghi nhận trong những tháng mùa đông trước khi bùng phát dịch COVID-19. Tuy nhiên, tiến sĩ Sally Shaw cho rằng mọi chuyện chưa đến mức đáng lo ngại.
Theo bà, những người trước đây thường tự điều trị cảm lạnh giờ đã đến bác sĩ thăm khám do lo ngại mình có thể mắc COVID-19, và vì vậy mà số ca thông báo có triệu chứng như COVID-19 nhưng có xét nghiệm âm tính tăng đáng kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận