Xuân Lê trong tác phẩm Vòng lặp - Ảnh: NVCC
Sự gắn bó kỳ lạ của Xuân Lê với bộ môn trượt patin khiến anh nghĩ ra một loại hình nghệ thuật độc đáo khi kết hợp trượt patin với múa đương đại và xiếc.
Suốt 10 năm qua tôi lúc nào cũng trong tình trạng đi du lịch. Tôi phải cảm ơn những chuyến đi vì tôi được gặp gỡ rất nhiều con người ở các nền văn hóa khác nhau, giúp tôi hiểu mình, hiểu người. Các cuộc gặp gỡ là nguồn cảm hứng, và có ảnh hưởng rất lớn đến sáng tác của tôi, là triết lý sống tôi gửi gắm trong tác phẩm.
XUÂN LÊ
Từ lúc 3-4 tuổi Xuân Lê đã được cha là đạo diễn Lê Lâm cho đi trượt tuyết. Đạo diễn phim Công binh nhận ra con trai mình rất giỏi môn thể thao này.
6 tuổi, Xuân Lê đã tìm đến trượt patin vì anh rất thích cảm giác được trượt tuyết trong rừng. Xuân Lê lớn lên cùng đôi giày trượt, anh di chuyển khắp thành phố bằng đôi giày patin.
Người trượt patin ở Paris về đêm
"Trượt patin ban đêm trên đường phố Paris là cách tôi giải tỏa căng thẳng của ban ngày. Khi trượt tôi có cảm giác được sống trong thế giới riêng. Mỗi lần xuống dốc tôi có cảm giác như đang lao vào rừng vậy. Đi ra nước ngoài, patin giúp tôi khám phá thành phố trong thời gian ngắn nhất", Xuân Lê nói.
Thời gian Xuân Lê học phổ thông, cha của anh đang làm phim ở Nga. Lúc trở về Pháp thăm nhà thấy con trai biểu diễn patin ngoài vỉa hè kiếm tiền, ông đã nổi giận. Cả đạo diễn Lê Lâm và vợ ông đều có bằng thạc sĩ toán, Xuân Lê cũng học toán rất giỏi nên đạo diễn Lê Lâm mong con có nghề nghiệp ổn định.
Nhưng Xuân Lê vẫn lẳng lặng theo đuổi đam mê. Năm thứ nhất đại học, nhận được lời mời dự giải vô địch patin của Pháp và tiếp đó là giải thế giới, Xuân Lê đã quyết định dừng học để đáp ứng thời gian tập luyện gắt gao. Kết quả Xuân Lê giành giải vô địch patin của Pháp và đứng thứ 6 thế giới năm 2009.
Lúc đó đạo diễn Lê Lâm hiểu con trai đã quyết chọn con đường này. "Ngày xưa khi biết tôi bỏ toán đi làm phim, cha đã từ mặt tôi 5 năm. Mãi đến khi phim của tôi đoạt giải ông mới chấp nhận cho tôi theo nghề này.
Xuân Lê cũng nói với tôi: "Bố mẹ đều theo đuổi nghệ thuật, tại sao lại bắt con học toán?". Tôi chỉ nói với con nghệ thuật rất khắc nghiệt, đã theo nghề hãy cố là người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình", ông nói.
Biên đạo múa Xuân Lê
Đi patin đến đoàn xiếc danh giá nhất thế giới
Xuân Lê luôn nung nấu ý nghĩ phải làm gì đó với bộ môn trượt patin. Năm 17 tuổi, Xuân Lê đi học múa. Đây là lựa chọn vô cùng rủi ro vì Xuân Lê bắt đầu học ở độ tuổi khá "già" so với nghề này.
Tiền từ biểu diễn trên đường phố giúp anh trang trải học phí múa. Và cái gì đến sẽ phải đến, Xuân Lê có một cuộc gặp gỡ rất quan trọng làm thay đổi cuộc đời anh.
Thomas Braud, người đi khắp nơi trên thế giới tuyển tài năng cho đoàn xiếc của Cirque Éloize của Canada, nhìn thấy Xuân Lê trên đường phố Paris.
Ông mời anh về casting và Xuân Lê được tuyển ngay. Xuân Lê đầu quân về Cirque Éloize - đoàn xiếc đương đại từng biểu diễn hơn 5.000 buổi diễn tại 550 thành phố của hơn 50 quốc gia. Cuộc gặp với Thomas Braud đã giúp ý tưởng Xuân Lê được định hình.
Anh tìm cách kết hợp patin với múa đương đại, xiếc. Xuân Lê đã làm việc ở đoàn xiếc suốt ba năm, mỗi năm anh diễn từ 180 đến 200 vở.
"Đó là khoảng thời gian tôi học được nhiều nhất khi làm việc với những biên đạo múa rất giỏi, được tiếp xúc với khán giả khắp nơi trên thế giới. Những chuyến đi giúp tôi được gặp gỡ rất nhiều người giỏi, trải nghiệm văn hóa nhiều quốc gia, giúp tôi hiểu rõ con đường mình sẽ đi", Xuân Lê nói.
Biên đạo múa như nấu ăn
Thời gian đầu Xuân Lê gặp khó khăn trong việc xây dựng ngôn ngữ múa kết hợp với patin. "Giống như chế biến món ăn, chưa nấu thì tưởng tượng món đó rất ngon. Khi bắt tay vào nấu, chỉ thiếu vài gia vị là món ăn sẽ khác.
Nhưng để làm món đó thành công vẫn phải tuân theo ý tưởng ban đầu. Trong các tác phẩm của mình, tôi luôn xác định chủ đề và theo đuổi đến cùng", Xuân Lê nói.
Xuân Lê từng trình diễn ngoài đường phố, nơi khán giả không đủ kiên nhẫn đứng lại nếu tiết mục không đủ hấp dẫn. Khi trở thành nghệ sĩ sân khấu xây dựng những tác phẩm giàu tính nghệ thuật và tư tưởng hơn, Xuân Lê vẫn có ý thức phải làm vở diễn khiến khán giả không muốn bỏ đi như anh từng làm trên đường phố.
Sau ba năm làm việc cho đoàn xiếc Cirque Eloize và Công ty nhảy hip-hop Kafig/Mourad Merzouki, Xuân Lê thành lập công ty riêng năm 2016. Tác phẩm Vòng lặp Xuân Lê trình diễn tại Việt Nam thuộc bộ ba tác phẩm do anh biên đạo.
Trong đó Vòng lặp là tác phẩm múa đơn, Phản chiếu là tác phẩm múa đôi đã được hoàn thiện. Còn phần cuối cùng chưa đặt tên sẽ là màn múa khoảng 5 người, đang trong thời gian dàn dựng. Bộ ba tác phẩm này thể hiện suy ngẫm của Xuân Lê về vòng đời của con người.
Và đêm 30-6, tại nhà hát Tuổi Trẻ, trong chương trình Hanoi Dance Fest 2019, khi Xuân Lê kết thúc màn trình diễn Vòng lặp, khán giả đứng dậy vỗ tay, hò hét rần rần.
Những đường trượt điêu luyện cũng như các động tác múa lẫn xiếc tuyệt đẹp của Xuân Lê kết hợp với âm nhạc và ánh sáng gần như thôi miên khán giả. "Khi tôi mang Vòng lặp về Việt Nam biểu diễn, đó là món quà tri ân của tôi dành cho quê cha đất tổ", Xuân Lê nói.
* Đạo diễn Lê Lâm: Dạy con truyền thống của Việt Nam
Cha tôi di cư tới Pháp năm 1954. Tôi vẫn nhớ ông nói gia đình mình nghèo, cha không có gì để lại cho các con ngoài giáo dục. Tôi rất thấm thía điều đó nên vợ chồng tôi đều dành thời gian để dạy con.
Vì Xuân Lê là thế hệ thứ hai sinh bên Pháp, mẹ cháu dù có một nửa dòng máu Việt nhưng không nói được tiếng Việt nên để dạy Xuân Lê nói tiếng Việt rất khó. Gia đình tôi sống như một gia đình Pháp bình thường, nhưng vẫn dạy con truyền thống của Việt Nam, lễ phép với cha mẹ, ông bà, luôn nhớ đến tổ tiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận