Đường Đồng Văn Cống (Q.2, TP.HCM) bị hư hỏng do tái lập cẩu thả, ảnh hưởng đến an toàn giao thông - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Dư luận đồng tình việc Sở GTVT TP.HCM tước giấy phép thi công đối với Công ty Điện lực Sài Gòn do tái lập mặt đường cẩu thả, oằn lún trên nhiều tuyến đường trung tâm thành phố. Nhưng việc xử phạt như kiểu này chỉ mới là giải pháp phần ngọn…
Khắp nơi đào đường, đường phố xấu xí như những tấm áo vá vụng về.
Vẫn mạnh ai nấy đào
Ngoài những công trình đào đường của ngành điện còn có các ngành viễn thông, cấp nước, thoát nước... Không chỉ những tuyến đường cũ, đường mới làm xong cũng bị đào xới. Nhiều nhà thầu đào lên nhưng khi tái lập mặt đường lại rất cẩu thả, đường nhấp nhô, chỗ tạo thành rãnh, chỗ tạo ra gờ. Chưa kể có nơi chỉ tái lập mặt đường bằng đất đá thay vì đổ nhựa như cũ.
Tôi từng thấy một phụ nữ đi xe máy chở con nhỏ ngã nhào trên đường Võ Thị Sáu (Q.3, TP.HCM) khi bánh xe trước lọt vào rãnh bị lún do mặt đường tái lập cẩu thả. May mắn là chiếc xe buýt và các xe phía sau kịp thắng lại.
Thực tế, không ít tuyến đường được đào lên nhưng việc tái lập mặt đường lại làm thủ công, khó đảm bảo độ an toàn theo quy định. Không ít trường hợp chỉ đổ bừa cát, đá rồi thảm lên lớp bêtông nhựa nên một thời gian sau thì bị lún xuống.
Không chỉ mất an toàn giao thông, những tuyến đường oằn lún bởi việc tái lập sơ sài này dễ dẫn đến hư hỏng nhanh chóng toàn bộ mặt đường. Mặt đường trong thành phố hầu hết sử dụng bêtông nhựa, một khi bị oằn lún tại một vị trí nào đó sẽ gây đọng nước khi có mưa và thấm xuống lớp kết cấu phía dưới làm giảm độ bền cũng như độ kết dính giữa các vật liệu và lan rộng ra xung quanh.
Những tuyến đường tại thành phố bị đào rồi tái lập trông rất xấu, như mảnh áo bị xé cho rách rồi vá lại một cách vụng về. Chuyện không mới, cũng đã nhiều lần cơ quan chức năng xử phạt, nhưng có vẻ các chế tài hiện nay không đủ mạnh. Cứ thế, "manh áo vá" lâu lâu lại được đem ra vá tiếp.
Giải pháp nào?
Nguyên nhân đường phố liên tục bị đào bới được cho là do chưa có sự phối hợp tốt giữa các bên liên quan từ lập kế hoạch, thiết kế, cấp phép, thi công. Trên cùng tuyến đường có quá nhiều đơn vị quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, chưa có sự chủ động kết hợp lắp đặt hệ thống dự phòng trong quá trình nâng cấp và cải tạo đường.
Bộ phận giám sát mỗi nơi cũng khác nhau, không phải lúc nào cơ quan chức năng cũng có thể phát hiện những vi phạm này. Chưa kể còn có chuyện đùn đẩy trách nhiệm khi tái lập mặt đường.
Có trường hợp tái phạm nhiều lần vì chưa có chế tài và ràng buộc trách nhiệm đúng mức. Hiếm hoi lắm mới có nhà thầu bị rút giấy phép thi công. Thành ra, mỗi nơi làm mỗi kiểu, hết nhà thầu này tới nhà thầu kia, cứ có nhu cầu là lập hồ sơ xin phép đào đường.
Mặt đường hư hỏng do việc tái lập không đảm bảo sẽ trở thành "cái bẫy" luôn rình rập người đi đường. Do vậy, cần khắc phục nhanh để giảm rủi ro và bất an cho người đi đường. Để hạn chế thấp nhất rủi ro, các cơ quan quản lý nhà nước, hạ tầng giao thông phải quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ được giao.
Theo đó, cần xử lý nghiêm hơn, mạnh tay hơn nữa các tổ chức và cá nhân vi phạm trong tái lập mặt đường. Ngoài việc áp dụng mức phạt hành chính cao còn phải đình chỉ thi công hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền không cấp phép thi công cho những nhà thầu tái phạm.
Ngoài ra, ở những tuyến đường mới, chỉ cấp phép thi công trong trường hợp bất khả kháng. Khi thi công thì buộc phải khoan ngầm chứ không cho đào lên lấp lại.
Về lâu dài, cần hướng đến đầu tư xây dựng hệ thống hào kỹ thuật để cho thuê, ngầm hóa các công trình hạ tầng. Các tổ chức và cá nhân có nhu cầu sử dụng thì trả phí, giống như nước ngoài, để tránh chuyện một con đường đào đi đào lại nhiều lần.
Nên chăng xem xét điều chỉnh quy định tái lập phui đào mặt đường để đảm bảo chất lượng đường sá và mỹ quan tuyến đường. Trước khi cấp phép thi công, buộc cá nhân và tổ chức xin cấp phép phải ký quỹ tương ứng khoản chi phí tái lập đó, sẽ được hoàn lại nếu không có vi phạm gì. Nếu tái lập mặt đường không đảm bảo, cơ quan chức năng sử dụng khoản phí này để kịp thời khắc phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận