Một cơ sở giết mổ heo lậu trên nền nhà dơ bẩn, không đảm bảo vệ sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai - Ảnh: Bình An
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai, tính đến tháng 9, toàn tỉnh hiện còn 44 điểm giết mổ không phép, tăng 4 điểm so với thời điểm tháng 3 và tăng 14 điểm so với tháng 8-2017.
Đây là số liệu được công bố tại buổi hội thảo Công tác quản lý, sắp xếp giết mổ gia súc, gia cầm do Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai tổ chức sáng 25-10. Tại buổi hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng việc phát hiện khó khăn, mức xử phạt các cơ sở giết mổ trái phép còn nhẹ trong khi lợi nhuận từ hoạt động này cao hơn nhiều nên chủ lò mổ lậu chấp nhận đóng phạt rồi… tiếp tục hoạt động chui.
Ông Phạm Hữu Tài, phó Phòng nông nghiệp huyện Thống Nhất, cho biết trung bình mỗi ngày một cơ sở giết mổ lậu khoảng 30 con heo. Với mức phí khoảng 50.000 đồng/con heo, khi đưa vào lò mổ tập trung sẽ tốn khoảng 1,5 triệu đồng/ngày, mỗi tháng mất hơn 40 triệu đồng. Trong khi đó, lò mổ lậu khi bị cơ quan chức năng phát hiện chỉ đóng phạt 8 triệu đồng. Do đó, một tháng bị phạt hai lần thì các lò mổ này vẫn lời.
Bên cạnh đó, theo ông Tài, việc thu tiền phạt của các chủ lò mổ cũng không đơn giản. Địa bàn huyện Thống Nhất có 2 trường hợp bị lập biên bản xử phạt hành chính nhưng không chấp hành đóng phạt. Tuy nhiên, việc cưỡng chế cũng hết sức khó khăn.
Trái lại, các lò mổ tập trung với mức đầu tư lớn, công nghệ hiện đại nhưng hoạt động cầm chừng, chỉ khoảng 50% công suất khiến các cơ sở này hết sức khốn đốn, thua lỗ kéo dài. "Tôi đầu tư hàng tỉ đồng để nâng cấp hệ thống giết mổ, công suất 50 con heo/ngày. Tuy nhiên, sau vài năm hoạt động, số lượng heo đưa vào giết mổ tại cơ sở giảm mạnh, đặc biệt là vài tháng trở lại đây, mỗi ngày chỉ có vài con heo", chủ một lò mổ tập trung than thở.
Lực lượng chức năng Đồng Nai bắt quả tang một cơ sở giết mổ heo trái phép quy mô lớn trên địa bàn - Ảnh: Bình An
Tương tự, cơ sở giết mổ Hoàng Thị Liên (xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn trạch) được xây dựng khang trang, công suất lên đến 500 con heo/ngày đêm nhưng hiện mỗi ngày cơ sở chỉ tiếp nhận khoảng 50 con heo đưa vào giết mổ. Một trong những nguyên nhân là sự cạnh tranh gay gắt từ các lò giết mổ lậu.
Từ năm 2012, Đồng Nai bắt đầu thực hiện chủ trương sắp xếp lại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và xóa bỏ các lò mổ lậu để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh qua các điểm mổ lậu. Theo quy hoạch của UBND tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ xây dựng 50 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Đến nay, các địa phương đã xây dựng được 40 cơ sở giết mổ tập trung, còn 10 cơ sở đã được quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa có chủ đầu tư. Việc đầu tư chi phí lớn trong khi công suất hoạt động không đảm bảo, rủi ro lớn khiến việc kêu gọi đầu tư gặp khó khăn.
Ông Huỳnh Thành Vinh, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, đề nghị các địa phương quan tâm, giám sát chặt chẽ hơn nữa công tác giết mổ trên địa bàn. Ông Vinh cũng đề nghị cơ quan thú y phối hợp sát sao với các địa phương nhằm xử lý triệt để tình trạng giết mổ lậu, tạo điều kiện cho các lò mổ tập trung hoạt động. Qua đó, đảm bảo bữa ăn "sạch" cho người ăn, tránh lây lan dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận