Khách bất chấp nguy hiểm khi đón xe trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Ảnh: T.T.D.
Đã có tai nạn chết người trên đường dẫn lên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ngày 16-3, người đi xe máy tông vào biển báo và dải phân cách bằng sắt giữa 2 làn xe máy và ôtô, tử vong tại chỗ.
Cũng trên đường cao tốc này, tối 12-3 đã xảy ra một vụ tử vong khi người đi xe máy tông vào dải phân cách giữa làn xe hai bánh. Đây là bài học vô cùng đắt cho người lái xe trên đường cao tốc.
Ẩn họa "tự muốn"
Tối 18-3, chiếc xe ben loại 15 tấn đang lao ngược chiều với tốc độ cao trong làn khẩn cấp trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Trước đó sáng 17-3, ba thiếu niên hồn nhiên chạy xe đạp vào đường cao tốc này. Ngoài 3 em này, sáng cùng ngày cũng có một số người nước ngoài chạy xe đạp vào đường cao tốc. Bộ phận giám sát đường cao tốc đã phát hiện và hướng dẫn họ chạy ra.
Trước đó nữa, ngày 8-3, một nhóm thanh niên dừng 2 ôtô ở làn khẩn cấp trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chụp ảnh, khoe lên Facebook. Trong tháng 2-2019 đã liên tiếp xảy ra 4 trường hợp dừng xe trên làn đường khẩn cấp thuộc đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai bày biện ăn nhậu và quay phim khoe trên mạng.
Ngoài những mối ẩn họa tai nạn giao thông chết người trên đường cao tốc như kiểu nạn nhân "tự té", còn nhiều ẩn họa kiểu tự... muốn, tự mình gây ra. Nhìn chung, đây là những hành vi xem thường tính mạng chính mình và người khác; xem thường, thách thức pháp luật.
Những hành động xốc nổi, dị đời này cần phải bị phạt nặng để làm gương, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn giao thông trên đường cao tốc.
Mức phạt chưa đủ răn đe
Trên đường cao tốc, các phương tiện lưu thông với vận tốc 80-120km/h, luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, một khi đã xảy ra sẽ rất nghiêm trọng, không tránh khỏi thương vong. Vậy mà liên tục vẫn có người thản nhiên dừng xe làm đủ trò để khoe mẽ, hoặc ngang nhiên lái xe lưu thông ngược chiều.
Người có giấy phép lái xe không thể không hiểu biết như thế là vi phạm luật và không thể biện minh cho hành vi này. Chỉ có một lý do là muốn tìm một cảm giác "độc, lạ" hoặc để khoe với người đời rằng họ dám "chơi trội". Không thể chấp nhận những người sống với nghề "ôm vôlăng" lại có hành vi ngông cuồng, xem thường luật giao thông, xem thường mạng mình, mạng người.
Đáng nói là chuyện người ta thấy cái sai, hành vi xấu không tránh mà còn làm theo. Bắt đầu từ chuyện một gia đình bày biện ăn nhậu trên làn đường khẩn cấp ở đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mùng 2 Tết Nguyên đán, và liên tiếp sau đó các vụ khoe hành động kỳ quặc trên nhiều đường cao tốc.
Hàng loạt hành vi nguy hiểm trên đường cao tốc cần được xử lý nghiêm, xác đáng và nhanh chóng để tránh những trường hợp khác có thể tiếp diễn và tai nạn bất cứ lúc nào.
Hành vi dừng xe, ăn uống trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã bị phạt 5,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng với lỗi dừng đỗ xe trên đường cao tốc. Tài xế lái xe ngược chiều trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bị phạt 7,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 5 tháng. Mức xử phạt này đủ sức răn đe những hành vi tương tự hay không?
Tôi cho rằng mức phạt chưa tương xứng hành vi và càng không tương xứng nếu hành vi này gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng và tài sản. Rất cần phải sửa đổi và bổ sung nghị định 46/2016/NĐ-CP theo hướng tăng nặng mức phạt và hình phạt bổ sung đối với những hành vi vi phạm an toàn trên đường cao tốc để phòng tránh hiểm họa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận