Những thanh niên hát bán kẹo kéo tại quán nhậu tạo ra âm thanh chói tai trên đường Phạm Văn Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: HỮU THUẬN |
Kinh nghiệm ở một số địa phương cho thấy nếu tập trung xử lý vi phạm về tiếng ồn một cách quyết liệt với nhiều giải pháp kết hợp sẽ giảm được vấn nạn ô nhiễm này.
* Ông Dư Huy Quang (chánh thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM):
Đã tiếp nhận 62 phản ảnh về tiếng ồn
Người dân bị tiếng ồn thường xuyên làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt bình thường thì có thể phản ảnh đến UBND phường, phòng tài nguyên và môi trường các quận, huyện hoặc đường dây nóng của thanh tra Sở TN-MT (số 08.38293653).
Từ ngày 1-6 (thời điểm thanh tra Sở TN-MT mở sổ theo dõi phản ảnh về tiếng ồn qua đường dây nóng) đến nay, thanh tra sở đã tiếp nhận 62 phản ảnh của người dân về tiếng ồn.
Những phản ảnh chủ yếu là tiếng ồn sinh hoạt với các nguồn gây ồn như quán nhậu, địa điểm hát với nhau, quán cà phê mở nhạc to, cơ sở gia công cơ khí trong khu dân cư, siêu thị, nhà hàng mở quảng cáo to, mở nhạc to, trung tâm điện máy, quán bar, hộ gia đình mở karaoke to...
Những hành vi nhận được qua đường dây nóng có dấu hiệu vi phạm bảo đảm sự yên tĩnh chung theo nghị định 167 năm 2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự.
Phần lớn những vụ việc ô nhiễm về tiếng ồn do người dân phản ảnh này thuộc thẩm quyền xử lý của UBND quận huyện và phường xã.
Các địa phương tiếp nhận thông tin và xử lý khá triệt để. Cụ thể như vụ một cơ sở gò hàn trong khu dân cư ở P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức đã bị chính quyền buộc ngưng hoạt động vì giấy phép kinh doanh không cho phép gò hàn tại địa điểm đăng ký.
Hoặc vụ việc dân phản ảnh chợ Nguyễn Kim - Nhật Tảo kinh doanh hàng điện tử thường xuyên mở nhạc gây ồn. Tuy xác minh thông tin không được vì người cung cấp thông tin không hợp tác nhưng chính quyền cũng đã nhắc nhở các hộ kinh doanh nơi đây về việc hạn chế tiếng ồn khi kinh doanh.
Đầu năm 2016 đến nay, thanh tra Sở TN-MT chưa xử phạt trường hợp nào vì vi phạm về tiếng ồn. Việc xử lý vi phạm về tiếng ồn là một lĩnh vực khó, xác định hành vi này đòi hỏi phải có máy móc chuyên dụng, người sử dụng máy phải qua đào tạo và quan trọng là người dân không thể lưu giữ lại chứng cứ để phản ảnh việc vi phạm của các cơ sở.
Hiện nay, muốn xác định vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn TP, các cơ quan chức năng phải mời đơn vị có chức năng đo tiếng ồn để đo đạc và kết quả của các đơn vị này là cơ sở để xử lý. Hiện tại, thanh tra sở chưa được trang bị máy đo độ ồn.
* Ông Nguyễn Ngọc Minh (giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang):
Karaoke di động đã bớt “tra tấn”
Thời gian qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo xử lý rất quyết liệt karaoke nhạc sống di động “tra tấn” các khu dân cư nên hiện nay vấn nạn này đã lắng xuống.
Tuy nhiên, chính quyền một số nơi chưa hoặc không mạnh dạn xử lý karaoke nhạc sống, tiếng ồn ở cửa hàng điện máy, nhà hàng... nên người dân vẫn phải chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn.
Tỉnh vừa mua gần 30 máy đo tiếng ồn để trang bị cho mỗi huyện hai cái, đồng thời tập huấn kỹ thuật đo cho cán bộ chuyên môn. Đoàn kiểm tra liên ngành xử lý vi phạm tiếng ồn đã được thành lập bao gồm: Sở VH-TT&DL, Sở TN-MT, Sở Tư pháp và Công an Tiền Giang.
Trưởng đoàn là ông Lê Văn Dũng (phó giám đốc Sở VH-TT&DL). Ở cấp huyện, phó chủ tịch huyện làm tổ trưởng liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm trên địa bàn mình. Quy chế phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm cũng đã trình UBND tỉnh phê duyệt.
Dự kiến cuối tháng 9 này toàn tỉnh sẽ tổng lực ra quân kiểm tra, xử lý các vi phạm tiếng ồn. Ở cấp tỉnh, số điện thoại nóng tiếp nhận thông tin của người dân là 0913.962028 (ông Dũng). Tỉnh cũng sẽ yêu cầu các huyện công bố số điện thoại nóng cho người dân biết để liên hệ, báo tin.
* Ông Nguyễn Ngọc Thương (giám đốc Sở VH-TT&DL Đồng Tháp):
Vận động kết hợp với xử phạt
Trước tình trạng loại hình karaoke di động gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo ngành VH-TT&DL chủ trì phối hợp với Sở TN-MT, ngành Công an và Mặt trận Tổ quốc các cấp thành lập tổ liên ngành để xử lý tình trạng này.
Các tổ liên ngành các cấp đã chủ động mời những hộ dân có kinh doanh loại hình karaoke di động thuộc địa bàn quản lý của mình lên tuyên truyền, nhắc nhở và thực hiện cam kết chấp hành tốt quy định, không gây tiếng ồn quá mức, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân xung quanh.
Với những trường hợp có vi phạm một vài lần thì tổ liên ngành yêu cầu viết cam kết không tái phạm. Những hộ kinh doanh nào đã có cam kết nhưng vẫn tái phạm sẽ bị cảnh cáo và xử phạt hành chính.
Bên cạnh đó, đội liên ngành còn tận dụng vai trò của các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc tuyên truyền vận động ở các khóm, ấp văn hóa. Trong hơn một tháng rưỡi qua, nhờ thực hiện tốt việc vận động này mà tình hình vi phạm về tiếng ồn của loại hình karaoke di động trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực.
Có thể mắc nhiều bệnh ThS.BS Đỗ Hồng Giang - trưởng khoa thính học, Bệnh viện Tai - mũi - họng TP.HCM - cho biết người dân liên tục sống trong tiếng ồn của đô thị như karaoke trong khu dân cư, cơ sở sản xuất giữa lòng đô thị, nhạc ở cửa hàng... sẽ bị căng thẳng về mặt tâm lý. Lâu dài, những người này có thể mắc các bệnh lý do stress gây ra như suy nhược thần kinh, tăng huyết áp, bệnh tim mạch... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận