11/09/2016 09:51 GMT+7

Ồn chịu không nổi thì kêu chủ tịch UBND quận, huyện

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Nếu phải sống trong tình trạng bị ô nhiễm tiếng ồn thì người dân có quyền gửi đơn lên chủ tịch UBND cấp quận, huyện

Một cửa hàng trên đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM đặt loa công suất lớn phát quảng cáo gây ồn ào (ảnh chụp chiều 10-9) - Ảnh: Q.ĐỊNH
Một cửa hàng trên đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM đặt loa công suất lớn phát quảng cáo gây ồn ào (ảnh chụp chiều 10-9) - Ảnh: Q.ĐỊNH

Ông Hoàng Dương Tùng, phó tổng cục trưởng Tổng cục môi trường cho biết Quy chuẩn 26/2010 là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn. Quy chuẩn này quy định giới hạn tối đa các mức tiếng ồn tại các khu vực có con người sinh sống, hoạt động và làm việc. 

Trong quy định kỹ thuật, các nguồn gây ra tiếng ồn do hoạt động sản xuất, xây dựng, thương mại, dịch vụ và sinh hoạt không được vượt quá giá trị tối đa theo đơn vị decibel đã quy định. Tuy nhiên, thực tế triển khai có vấn đề là lâu nay việc quan tâm đến lĩnh vực ô nhiễm tiếng ồn, xử lý ô nhiễm tiếng ồn và xử phạt còn rất ít. Các địa phương cũng chưa quan tâm lắm đến vấn đề này.

Theo quy định, đối với những vi phạm về tiếng ồn, khi người dân nêu thông tin thì cơ quan tiếp nhận xử lý thông tin là sở tài nguyên - môi trường, đây là trách nhiệm của sở. Còn việc xử lý, theo tôi, là chưa thật sự được chú trọng. 

Quả thật, lâu nay mới chỉ tập trung xử lý những vi phạm về ô nhiễm môi trường từ rác thải, nước thải, còn ô nhiễm tiếng ồn thì các cơ quan chức năng chưa làm nhiều.

Ngoài ra, cũng có những khó khăn khách quan trong xử lý ô nhiễm tiếng ồn ở đường phố, khu dân cư đòi hỏi cả ý thức tự giác của mỗi người. Ví như trên đường phố vẫn thường xuyên có việc xe sử dụng còi hơi, bóp còi hơi, mặc dù có cấm nhưng vẫn có tài xế sử dụng và không phải trường hợp nào cũng bắt được để phạt. 

Việc gây ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy với những tiếng ồn trong sản xuất, xây dựng, khi người dân phản ảnh thì trách nhiệm của các đơn vị thuộc sở tài nguyên - môi trường phải vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp giải quyết. Nếu không giải quyết là không làm hết trách nhiệm. 

Luật sư Lê Trung Phát

Luật sư Lê Trung Phát

Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM), liên quan đến các sai phạm và xử lý sai phạm trong ô nhiễm tiếng ồn được quy định tại nghị định 179/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30-12-2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cụ thể là điều 17, mức phạt từ 1-160 triệu đồng, tùy vào mức gây ồn đo đạc bằng đơn vị dBA. 

Ngoài ra còn có hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.

Luật cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc giảm thiểu tiếng ồn; buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định và người có thẩm quyền xử phạt thuộc về UBND cấp huyện.

Như vậy nếu phải sống trong tình trạng bị ô nhiễm tiếng ồn thì người dân có quyền gửi đơn lên chủ tịch UBND cấp quận, huyện. Chủ tịch UBND phải chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xác minh, kiểm tra để có kết luận, từ đó lập biên bản sự việc làm cơ sở xử lý.

 

Đã phân cấp rõ nơi xử lý

Bà Trịnh Thị Thủy, cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL), cho rằng quy định về xử phạt ô nhiễm tiếng ồn đã được Chính phủ quy định tại nghị định 179/2013/NĐ-CP và thẩm quyền, trách nhiệm xử lý ô nhiễm tiếng ồn là của Bộ Tài nguyên - môi trường. Khi xảy ra sự việc ô nhiễm tiếng ồn thì địa phương sẽ xử lý. 

Theo đó, việc ô nhiễm tiếng ồn luật đã phân cấp quản lý cho các quận, huyện. Cho nên khi sự việc xảy ra ở địa phương nào thì địa phương đó sẽ xử lý.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên