08/06/2017 08:38 GMT+7

Xử lý nợ xấu: Cần truy tận gốc trốc tận ngọn

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Nợ xấu cần phải được xử lý cấp bách, phải truy tận gốc, trốc tận ngọn, đồng thời cần phải xử lý cả những cá nhân và tổ chức gây ra món nợ này, theo các đại biểu Quốc hội.

*** Error ***
Ngân hàng xử lý được nợ xấu sẽ giúp kéo giảm lãi suất cho vay, có lợi cho sản xuất kinh doanh - Ảnh: Q.ĐỊNH

Tại phiên thảo luận về Nghị quyết xử lý nợ xấu trong phiên họp Quốc hội vào ngày 7-6, nhiều đại biểu đã đề nghị cần có giải pháp mạnh tay xử lý những cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu. 

Phải truy tận gốc, trốc tận ngọn nợ xấu

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng cần đưa vào nghị quyết nguyên tắc để tránh lạm dụng hoặc lợi dụng.

Theo ông Nghĩa, nghị quyết xử lý nợ xấu này không phải nghị quyết xử lý trách nhiệm về nợ xấu, mà chỉ cung cấp những giải pháp về pháp lý và kỹ thuật để xử lý nợ xấu, còn trách nhiệm dân sự và hình sự của tổ chức, cá nhân về các khoản nợ đó giải quyết và xử lý theo pháp luật hiện hành.

Ông Nghĩa yêu cầu không sử dụng ngân sách nhà nước cả trực tiếp và gián tiếp, mà dùng tài sản của cá nhân, tổ chức có liên quan đến các khoản nợ đó để xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, vị đại biểu đoàn TP.HCM này thừa nhận dù nói không sử dụng ngân sách, nhưng thực ra Nhà nước vẫn tốn kém và thiệt hại vì cả bộ máy phải tham gia xử lý.

Trong khi đó, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị các đại biểu Quốc hội phải yêu cầu các ngân hàng sớm có báo cáo chi tiết tên của các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu.

“Nợ xấu do thiên tai, bão lũ thì đề nghị xem xét xóa nợ. Còn tổ chức, cá nhân nào gây ra nợ xấu liên quan đến các vụ án tham nhũng phải “truy tận gốc, trốc tận ngọn”, không cho phép nhập nhằng nợ xấu”, bà Khánh nói.

Theo bà Khánh, chỉ khi áp dụng các biện pháp mạnh như vậy mới bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Những ai gây ra nguy hiểm cho xã hội, làm thất thoát tài sản của Nhà nước buộc phải đối mặt với bản án hình sự.

Chủ nợ phải van xin con nợ

ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An, cũng đánh giá nợ xấu thực sự đang rất bức bách và nếu Quốc hội không có nghị quyết hợp lý sẽ không thể giải quyết được.

Ông Cầu nêu thực tiễn câu chuyện đòi nợ cho thấy chủ nợ chạy khắp nơi gặp con nợ để van xin, đòi mãi không được thì tìm đến công an tố cáo.

Sau một thời gian kiểm tra xác minh, công an hướng dẫn quay về tòa án để giải quyết. Nhưng vì là mối quan hệ dân sự, nên chủ nợ sang tòa án xếp hàng dài mà "không biết đến lúc nào mình mới lấy được nợ".

“Tôi đã chứng kiến có trường hợp nợ hàng chục tỉ đồng nhưng để thoát tội, mỗi tháng trả 2 triệu đồng. Tôi ước tính phải 50 năm chưa trả hết gốc, chưa tính đến lãi”, ông Cầu đưa ví dụ.

Đại biểu Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM, cho rằng vấn đề quan trọng là phải tạo được thị trường mua bán nợ với sự tham gia của các thành phần kinh tế của dân.

Theo ông Quốc, thị trường mua bán nợ sẽ không chỉ dành cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu, mà các thành phần kinh tế khác đều được tham gia, còn những gói nợ xấu khó xử lý có thể giao cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

“Ngân sách không thể tham gia xử lý thị trường nợ xấu, mà phải để cho thị trường tự xử lý và tự quyết định”, ông Quốc nêu quan điểm.

 

“Một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất và lợi dụng chức vụ quyền hạn, câu kết với khách hàng để cố ý làm trái các quy định, đe dọa đến hoạt động và tính lành mạnh, an toàn của hệ thống ngân hàng”.

 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng

 

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên