13/05/2004 08:36 GMT+7

Xử lý nghiêm các bác sĩ nhận hoa hồng

LAN ANH
LAN ANH

TT - Sáng qua 12-5, lần thứ ba trong vòng một tháng, Bộ Y tế đã họp báo để công bố các biện pháp bình ổn và quản lý giá thuốc.

“Tại TP.HCM, thanh tra đã phát hiện 15 bác sĩ kê đơn quá nhiều loại thuốc trong cùng một nhóm thuốc. Thứ bảy vừa rồi, Bộ Y tế đã mời 300 giám đốc bệnh viện trên toàn quốc họp và chấn chỉnh về quản lý cung ứng thuốc tại bệnh viện. Thái độ của Bộ Y tế là xử lý nghiêm túc: đơn vị nào có sai phạm, giám đốc phải chịu trách nhiệm; bệnh viện phải chấn chỉnh ngay tình hình kê đơn và bác sĩ tiếp xúc với trình dược viên; phát hiện bác sĩ nhận hoa hồng khi kê đơn phải xử lý nghiêm” - chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung mở đầu cuộc họp báo như vậy.

“Ngay hôm nay (12-5) Bộ Y tế sẽ có quyết định thành lập ba đoàn thanh tra” - ông Trung nói tiếp. Theo đó, từ 16-5, đoàn thanh tra 1 sẽ kiểm tra Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc; đoàn 2 kiểm tra miền Trung; đoàn 3 làm việc tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam. Các đoàn thanh tra sẽ xem xét bệnh viện có chấp hành nghiêm túc các qui định của Bộ Y tế về cung ứng thuốc như cấm tư nhân bán thuốc trong bệnh viện, cấm tiếp xúc với trình dược viên... Các địa điểm được thanh tra sẽ bí mật đến phút chót. Riêng ông Trung sẽ kiểm tra đột xuất xem thanh tra xong, bệnh viện có nghiêm túc hay không.

Ông Trung cũng cảm ơn báo chí đã nêu một loạt sai phạm ở các bệnh viện trong thời gian qua, giám đốc các bệnh viện đã hứa với bộ xử lý nghiêm túc.

Đồng ý với ông Trung, giám đốc Công ty Dược phẩm T.Ư 1 Hoàng Hữu Đoàn cũng rất bức xúc trước tình trạng tăng giá thuốc do làm giá và độc quyền về giá. Theo ông Đoàn, có những văn phòng đại diện của công ty dược phẩm nước ngoài (không được phép bán thuốc) nhưng có hàng trăm trình dược viên bán thuốc khắp miền Bắc. “Cứ đến các quán ăn uống gần bệnh viện sẽ biết các bác sĩ trưởng khoa ngồi ăn trưa với ai” - ông Đoàn thông tin.

Về đề án dành 200 tỉ đồng để dự trữ thuốc nhằm bình ổn giá, ông Đoàn cho rằng “cần phải suy nghĩ lại”. Theo ông, trước mỗi doanh nghiệp dược dự trữ thuốc trị giá 2-3 tỉ đã lo lắng thuốc hết hạn, hết thời hạn dự trữ phải bán đổ bán tháo. Nay dự trữ thuốc đến 200 tỉ thì khác gì ôm một cục nợ. Nếu dự trữ thuốc thiết yếu thì thuốc nội xuống giá như thế, cần gì phải bình ổn. Nếu dự trữ thuốc chuyên khoa, biệt dược, người ta biết mình mua dự trữ thì tăng giá lên, sau đấy lại hạ giá xuống. “Điều cần thiết bây giờ là qui hoạch và tổ chức lại ngành dược” - ông Đoàn tha thiết đề nghị.

Tại cuộc họp báo này, đại diện Cục Quản lý dược - nhân vật chính trong quá trình “bình ổn giá thuốc” - đã công bố qui định tạm thời về “nhập khẩu song song thuốc” do tân Cục trưởng Cao Minh Quang ký ban hành ngày 11-5. Theo đó, tất cả doanh nghiệp dược VN có chức năng nhập khẩu thuốc trực tiếp phải cam kết đảm bảo chất lượng thuốc nhập khẩu, cam kết bán với giá thấp hơn giá thuốc có số đăng ký áp đặt tại VN... đều được quyền nhập khẩu song song để sớm góp phần bình ổn giá thuốc trên thị trường. Trong đơn đề nghị của công ty nhập khẩu phải kèm bảng so sánh mức chênh lệch giá giữa giá bán dự kiến thuốc nhập khẩu song song và giá đang bị áp đặt tại VN.

* Cũng trong cuộc họp báo sáng qua, Thanh tra Bộ Y tế cho biết vừa có công văn số 195 gửi giám đốc Sở Y tế Hà Nội và TP.HCM yêu cầu hai cơ quan trên tổ chức thanh tra và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, lưu thông sữa bột trên thị trường. Trường hợp các loại sữa không nguồn gốc, nhãn mác, sữa giả cần lập tức xử lý nghiêm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến còn có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị mức chế tài với các hành vi vi phạm về giá thuốc. Theo đó, các hành vi độc quyền, liên kết tăng giá thuốc, bán thuốc sai khung giá... sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị tước giấy phép hành nghề.

Hôm nay 13-5, Bộ Y tế sẽ có một cuộc họp về phân phối và cung ứng thuốc với các doanh nghiệp trong nước tại TP.HCM.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên