08/05/2012 08:22 GMT+7

Xử lý các điểm mất an toàn trong tháng 6

H.T.DŨNG - C.QUỐC
H.T.DŨNG - C.QUỐC

TT - Sau vụ đá lở đè chết sáu người ở núi Cấm, ngày 7-5 ông Huỳnh Thế Năng - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh An Giang - đã trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh việc khắc phục và giải pháp.

Đá lăn do phá núi mở đường?Đá núi rơi đè bẹp ô tô, 6 người chết

A6fbGcNd.jpgPhóng to
ông Huỳnh Thế Năng
Ông Năng cho biết UBND tỉnh xem đây là một thảm họa thiên tai bất ngờ. Theo ông Năng, núi Cấm ngày xưa là một đồi trọc. Năm 1992 từng có nhiều trận mưa lớn làm nhiều tảng đá từ đỉnh núi rơi xuống. Sau đó lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo phủ xanh đất trống đồi trọc ở khu vực này và từ năm 1993 đến nay rừng đã được bao phủ. Việc mở đường lên núi Cấm không ảnh hưởng nhiều đến sự cố đá lăn chết người vừa rồi mà cái chính là do ảnh hưởng của thời tiết, mưa nhiều.

* UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục vụ việc thế nào rồi, thưa ông?

- Sau khi xảy ra sự cố, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trước mắt phải phong tỏa và không cho vận hành tất cả các phương tiện giao thông trên tuyến đường này đến khi đảm bảo an toàn và có lệnh cho phép xe qua lại của UBND tỉnh.

Đồng thời UBND huyện Tịnh Biên và Sở Giao thông vận tải tỉnh An Giang phải giải phóng mặt bằng tại hiện trường xảy ra sự cố, khắc phục bề mặt đường để đảm bảo lưu thông an toàn sau này. Tỉnh cũng chỉ đạo UBND huyện Tịnh Biên phối hợp Công ty cổ phần Phát triển du lịch An Giang tổ chức cho đơn vị chuyên môn khảo sát ngay các triền núi để xử lý khẩn cấp những tảng đá rời đã bốc hẳn ra khỏi núi còn vướng trên cây và các chướng ngại vật có nguy cơ lăn xuống đường giao thông. Những công việc này phải hoàn tất trước ngày 30-5.

KlzmpfiH.jpgPhóng to

Dọc vách núi Cấm là nhiều khối đá có nguy cơ đổ xuống đường - Ảnh: Đ.VỊNH

* Theo ông, về lâu dài làm sao ngăn chặn được những sự cố chết người tương tự ở núi Cấm?

- UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh An Giang tổ chức khảo sát toàn diện khu vực đỉnh núi và các triền núi dọc theo những tuyến đường mà khi đá lăn trượt có thể dẫn đến mất an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực và du khách. Sau khảo sát, sở phải đề xuất giải pháp xử lý triệt để ngay trong tháng 6. Từ sự cố này, chính quyền tỉnh An Giang sẽ tính toán các giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách khi lên núi Cấm.

* Vấn đề an toàn ở các điểm núi khác của An Giang thì sao?

- Đến thời điểm này, ở các núi khác trên địa bàn, UBND tỉnh chưa có chủ trương mở đường lên núi.

* Có thông tin ở núi Cấm xuất hiện các vết nứt gãy, tính ổn định địa chất không cao nhưng vẫn làm đường?

- Việc này UBND tỉnh chưa được báo cáo. Chúng tôi sẽ trả lời sau.

Tắc đường núi Cấm, dân gặp khó

Sau vụ tai nạn hôm 5-5, đường lên xuống núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) bị phong tỏa, việc đi lại gần như ách tắc, hơn 4.000 người dân trên núi đang gặp khó khăn.

Sau hai ngày tắc đường, trên núi đã xảy ra hiện tượng thiếu hàng hóa tiêu dùng. Sáng 7-5, một số người đổ xô mua gom khiến những hàng hóa thiết yếu, gạo, thực phẩm... tăng giá đến chóng mặt. “Gạo thường trung bình chỉ 400.000 đồng/bao nay tăng lên 800.000 đồng/bao, giá các mặt hàng khác đều tăng cao gấp ba lần trước đây mà không còn để mua bởi mấy tiệm tạp hóa đều hết sạch hàng” - ông Phạm Việt Tân, trưởng ấp Vồ Đầu, cho hay.

Chiều 7-5, chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Ngô Hồng Yến cho biết công tác giải phóng mặt bằng mặt đường bắt đầu thực hiện từ ngày 9-5, dự kiến sau 15 ngày mới xong. Về việc hàng hóa, lương thực thiếu và tăng giá, ông Yến cho biết sẽ cho kiểm tra, chấn chỉnh ngay. Nếu cần sẽ tổ chức đưa hàng hóa, thực phẩm lên núi phục vụ người dân.

Sau khi tiến hành khảo sát, ông Trần Anh Thư, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường An Giang, cho biết hoạt động kiến tạo địa chất hình thành một số đới đứt gãy không ổn định. Nơi xảy ra hiện tượng sạt lở dẫn tới tai nạn nằm trong đới không ổn định của sườn núi Cấm.

Theo ông Thư, tuyến đường lên núi chưa được xử lý kỹ thuật đầy đủ nên chưa đảm bảo an toàn và đây là nguy cơ khiến những tảng đá rơi xuống đường. Ngoài khu vực xảy ra tai nạn, vách núi dọc đường lên núi Cấm còn các khe suối, ở nhiều vị trí có nhiều tảng đá có khả năng bị tuôn trượt rất nguy hiểm.

Về xử lý, theo ông Thư, trước mắt phải tìm cách lấy tất cả những tảng đá nằm dọc vách núi. Sau đó xử lý các đới đứt gãy, xử lý tạo mái giật cấp vách núi dọc theo tuyến đường đúng kỹ thuật. “Về lâu dài nên khảo sát xác định các đới đứt gãy ở núi Cấm còn hoạt động hay không. Nếu còn, cần thực hiện ngay giải pháp đảm bảo an toàn vì trên núi ngoài các tuyến đường còn có nhiều công trình lớn, trong đó hồ chứa Thủy Liêm là túi nước khổng lồ (diện tích 6ha, sức chứa 300.000m3)” - ông Thư nói.

H.T.DŨNG - C.QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên