09/02/2014 03:00 GMT+7

Xóm "cơm đèn"

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - 45 năm nay học sinh xóm Xuân Sơn 1, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương (Nghệ An) thường thức dậy từ tầm 3g30 sáng ăn bát “cơm đèn” để đi học trường xa.

2epgtLwJ.jpg
Hai anh em sinh đôi Trưởng và Tài ăn vội “cơm đèn” để đi học - Ảnh: Vũ Toàn

“Học sinh xóm này bốn đời ăn cơm đèn, nghĩa là ăn cơm khi đang tối đất nên phải thắp đèn dầu cho sáng. Từ năm 2008 xóm có điện nên không phải thắp đèn dầu để ăn cơm nhưng vì quen rồi nên ai cũng gọi ăn cơm vào giờ đó là “cơm đèn”. Trường xa đối với học sinh tiểu học là 5km, THCS 10km, THPT hơn 19km” - cụ Trần Sĩ Liện, 86 tuổi, có bốn cháu nội là bốn sinh viên trong và ngoài nước, nói.

3g30, Xuân Sơn đã thức dậy trong râm ran tiếng chó sủa, tiếng gà gáy sáng. Ngôi nhà đơn sơ của vợ chồng anh Nguyễn Văn Hoàn cũng chộn rộn bước chân. Anh bảo: “Tôi có hai con sinh đôi là Trưởng và Tài đều học lớp 6 nên cứ 3g30 là dậy xuống bếp nấu cơm cho con ăn đi học, rét mấy cũng dậy”. Mâm cơm của hai anh em đơn giản chỉ là tô cơm và đĩa dưa muối để trên chiếc mâm nhôm đặt lên cái xô nhựa gần bàn học. Hai anh em đang ăn vội bát cơm dưa thì tiếng bạn gọi í ới ngoài ngõ. Lúc này trên các ngả đường cheo leo giữa vùng đồi cũng lấp lóa ánh đèn pin của những tốp học sinh.

Tôi ghé qua nhà anh Nguyễn Quyết Tiến thấy vợ anh đang dắt xe đạp ra bơm bánh cho cậu con trai lớp 7 để kịp đến trường. Nhà anh Đặng Thái Nam có ba con gái cũng vừa rời bữa “cơm đèn” vội vã đạp xe lích kích xuyên vào trời đêm. Anh Tiến nói: “Trời lạnh còn đỡ chứ nếu gặp hôm mưa thì bọn trẻ phải đi học sớm hơn. Đoạn nào đường trơn không đạp nổi thì xuống đẩy xe đi. Thấy con đi học về lấm như trâu đằm, thương lắm”.

Trời hửng sáng, vừa lúc gặp hai cô gái gánh hai sọt sắn giống đi trồng. Hỏi chuyện mới biết đó là Trần Thị Trà - sinh viên năm 3 khoa địa lý - và Nguyễn Thị Huyền - sinh viên năm 2 khoa chính trị xã hội Trường đại học Vinh. Trà nói: “Các em bây giờ đi học sướng rồi vì đường đỡ hơn, xe đạp cũng tốt hơn. Thời bọn tôi còn dùng cả đuốc hoặc vỏ xe đạp đốt mới thấy đường đi”.

Trong số 113 hộ (582 khẩu) của xóm Xuân Sơn 1 hiện có 166 học sinh ba cấp. Gia đình ông Trần Sĩ Hạnh có bảy người con thì bốn đều là sinh viên, trong đó có con trai Trần Sĩ Huân, 26 tuổi, sinh viên Trường Sĩ quan không quân, hiện học Trường đại học Quân sự quốc gia Bulgaria, hệ thông tin và truyền thông.

Nhớ ký ức hồi ăn “cơm đèn”, hai người con ông Hạnh nói: “Khi còn nhỏ, bố mẹ thay nhau đưa tụi tui đi học từ mẫu giáo bé đến lớp 1. Lên lớp 2 thì tự đi bộ. Cả đi lẫn về 10km, nói khó ai tin. Tất cả đều dậy ăn “cơm đèn” từ lúc 4g. Hôm nào mẹ ốm thì mấy chị em tự nấu ăn. Cơm chỉ có muối, đậu phụng kho hoặc nhút. Hôm trời mưa thì trùm nilông kín từ đầu đến chân”.

Cụ Trần Sĩ Liện cho biết: “Tôi là một trong những người đến sinh cơ lập nghiệp tại vùng kinh tế mới này sớm nhất, năm 1969 khi 45 tuổi. Hồi đó, bố mẹ mấy đứa cháu còn đi học xa hơn bây giờ vì xóm này ở xa trung tâm nhất so với 17 xóm trong xã. Cho đến nay xóm này vẫn chưa thật sự thoát nghèo nên “đường đi học” của lớp trẻ vẫn còn khó khăn”.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên