Là hướng dẫn viên du lịch, Trịnh Hoàng Hạnh Nguyên đang thử sức với công việc MC - Ảnh: NGUYÊN TRỊNH
Tết Tây năm nay là một cái tết lạ đời với anh Đỗ Văn Điệp (32 tuổi), tài xế xe công nghệ "bất đắc dĩ". "Mọi năm giờ này thì resort tôi làm ở Phú Quốc đang đông khách, làm tối mặt tối mũi để tiếp khách đặt phòng. Năm nay cũng tối mặt tối mũi nhưng mà làm xe ôm chở khách ở Sài Gòn" - anh Điệp kể.
Đi qua mùa dịch
Đêm giao thừa Tết Tây, khách đặt xe liên tục, anh cứ vừa trả khách là lại "nổ" cuốc mới ngay. Chuyến chở khách lúc hơn 11 giờ khuya là một cô gái đi từ Tân Phú đến tòa nhà Landmark 81 xem bắn pháo hoa.
"Giờ này kẹt xe kinh khủng lắm, chạy mệt nhưng vui hơn hẳn những ngày thường. Tài xế bây giờ đông nên ngày thường ít cuốc lắm" - anh kể.
Đây đã là tháng thứ 3 anh Điệp chạy xe công nghệ. Khách sạn nơi anh làm ở Phú Quốc không cầm cự nổi 2 tháng kể từ khi có dịch đầu tháng 1. Từ tháng 3 resort bắt đầu giảm lương rồi dần dà cắt giảm nhân sự. Anh Điệp tạm nghỉ không hưởng lương, quyết định về Sài Gòn.
"Ban đầu tôi cũng thử xin việc ở mấy khách sạn, mà mùa này khách sạn ở đâu cũng ế ẩm. Được vài tuần thấy không khả quan nên tôi đăng ký chạy xe công nghệ. Cố gắng chạy thì mỗi ngày cũng kiếm được 150.000-300.000 đồng. Chạy tạm chờ khi nào resort hoạt động tốt hơn thì quay lại làm tiếp" - anh nói về dự tính của mình.
Chung cảnh ngộ thất bát của những người làm dịch vụ lưu trú, du lịch, anh Trịnh Hoàng Hạnh Nguyên - một hướng dẫn viên du lịch - quyết định chuyển sang nghề dẫn chương trình (MC) song ngữ Anh - Việt khi thấy viễn cảnh ngành du lịch cần thời gian dài để phục hồi.
"Đây là công việc gần với chuyên môn của tôi nhất. Một phần tôi nghĩ vốn ngoại ngữ, ngoại hình, khả năng giao tiếp trước đám đông của mình cũng ổn, bên cạnh đó những kỹ năng này hoàn toàn có thể hỗ trợ, thậm chí "nâng chất" công việc hướng dẫn viên du lịch của tôi ngày trở lại" - anh Nguyên nói.
Theo anh Nguyên, biến cố xảy ra là điều không ai mong muốn, nhưng anh nhận ra rằng bản thân còn may mắn hơn rất nhiều người.
"Tôi chứng kiến nhiều chủ công ty du lịch, khách sạn đang phải oằn mình lèo lái doanh nghiệp của mình qua sóng gió. Thậm chí một trong những người anh mà tôi kính trọng trong nghề hướng dẫn viên xuyên Việt đã phải chuyển qua chạy xe giao hàng công nghệ.
Từ thu nhập mỗi tour là vài chục triệu, giờ anh kiếm từng đồng lẻ, chưa kể những lần bị "bom hàng" phải lên Facebook rao để bạn bè ủng hộ. Càng quan sát, tôi càng thấy bản thân quá may mắn nên không được phép bỏ cuộc" - anh Nguyên chia sẻ về cách vượt qua nỗi lo tuổi tác và cả nỗi tiếc nuối vì đã ít nhiều tạo dựng được chỗ đứng trong ngành cũ.
Hiện anh đang học thêm tiếng Hàn với tham vọng sẽ chinh phục được cả hai thị trường dẫn chương trình tiếng Anh và ngôn ngữ xứ sở kim chi.
Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: N.K.
Tìm lại đam mê
Thất nghiệp mùa dịch lại là cơ hội để nhiều bạn trẻ bắt đầu mày mò làm những điều họ thực sự thích nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ làm suốt nhiều năm trước đó. Daniel Phạm (28 tuổi) quyết định nghỉ hẳn nghề tiếp viên hàng không mà anh đã mất nhiều công sức để thi tuyển và tham gia đào tạo cách đây gần 2 năm để làm thợ làm bánh. Anh tự làm bánh tại nhà và bán online.
"Mặc dù nghề tiếp viên hàng không là một nghề danh giá trong mắt nhiều người, nhưng 2 năm thử sức với nghề tiếp viên tôi gặp nhiều vấn đề về sức khỏe do thường xuyên làm việc cường độ cao, luôn phải chuẩn bị chu đáo trước mỗi chuyến bay. Đôi khi tôi cảm thấy mất cân bằng trong cuộc sống, không có thời gian cho những đam mê của bản thân" - anh chia sẻ.
Thời gian dịch bệnh, hãng chỉ xếp lịch bay luân phiên, liên tục nhiều tháng anh phải off (nghỉ) 3 tuần, bay 1 tuần. Có nhiều thời gian rảnh ở nhà, Daniel bắt tay vào làm bánh để bán. "Tôi thích làm bánh từ lâu rồi. Nhưng chưa bao giờ nghĩ nó sẽ là một cái nghề. Rồi càng làm càng thấy vui và có thêm nhiều khách hàng nên tôi quyết định nghỉ hẳn để làm bánh" - Daniel kể.
Là một trong những nhân sự trẻ nhất tại một công ty nhà nước, Trần Phương Vy (25 tuổi, Q.3, TP.HCM) cũng đứng đầu danh sách bị cắt giảm khi dịch bệnh kéo dài. Nhưng "trong nguy có cơ". Ba tháng thất nghiệp, Vy có thời gian xem lại đam mê, năng lực thật của bản thân.
"Từ thời phổ thông, đại học đến lúc đi làm... tôi đều làm theo sự sắp xếp của gia đình dù bản thân biết không hạnh phúc. Không được sống thật với cảm xúc, nguyện vọng của chính mình nên tôi cứ vật vờ trong công việc. Nay tình cờ được "giải thoát", tôi dành thời gian học ngoại ngữ, trau dồi kiến thức về marketing và vừa mới nhận được việc trong một công ty nước ngoài, dù vị trí nhỏ nhoi thôi nhưng tâm trạng đi làm phơi phới hẳn" - Phương Vy bộc bạch.
Tạm cất nỗi sợ qua một bên
Dưới tác động của COVID-19, một số bạn trẻ phải đứng trước quyết định chuyển hẳn ngành nghề trước đó và hầu hết gặp nhau ở điểm chung là đều lo lắng vì sợ viễn cảnh "phải bắt đầu lại từ đầu", phải cạnh tranh với những người trước giờ đã có thâm niên, kỹ năng thành thạo trong lĩnh vực mới…
Theo bà Tiêu Yến Trinh (tổng giám đốc Talentnet) thì nỗi lo này là rất chính đáng, nhưng lại hoàn toàn không phải là không có hướng ra hay triển vọng phát triển. "Khi nhìn vào thống kê của ILO với số lượng việc làm mất đi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương lên đến 81 triệu, chúng ta sẽ thấy rất u ám.
Thế nên, cách để những người lao động đang chịu tác động lớn và trực tiếp từ bối cảnh nhiều bấp bênh hiện nay chính là tạm cất nỗi sợ qua một bên và nỗ lực bước đi tiếp bằng bất cứ giá nào. Bởi COVID-19 có thể kéo dài hơn hoặc một hiểm họa tương tự khác sẽ có thể xảy đến vào bất cứ lúc nào, và việc "phải bắt đầu lại từ đầu" đều có thể xảy ra với bất kỳ ai" - bà Yến Trinh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận