Hàng Việt được bày bán nhiều trong hệ thống siêu thị Co.op Mart. Trong ảnh: người dân mua sắm tại hệ thống siêu thị Co.op Mart ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Hàng hóa các nước tràn vào VN trở nên đa dạng hơn, rẻ hơn nhờ thuế suất được cắt giảm hoặc về 0%. Hàng Việt gặp nhiều cam go khi cạnh tranh ngay chính trên sân nhà.
Cạnh tranh gay gắt
Bà Nguyễn Kim Hương, giám đốc Công ty Ngô Minh (TP.HCM) kinh doanh hàng nhựa tiêu dùng, cho biết việc làm ăn ngày càng cạnh tranh gay gắt. Từ năm ngoái đến nay, doanh số bán hàng của doanh nghiệp trong hệ thống siêu thị giảm hẳn.
Từ trước đến nay, hàng nhựa Thái Lan vẫn trội hơn hàng Việt cùng loại về mẫu mã và giá thường nhỉnh hơn. Tuy nhiên, lộ trình cắt giảm thuế đang tạo điều kiện cho hàng Thái ngày càng có giá cạnh tranh hơn.
“Hội nhập cũng làm cho hàng hóa lưu thông dễ dàng, nhập hàng Thái về VN bán rất thuận tiện nên khi nào hàng cũng có sẵn, muốn bao nhiêu cũng có”, bà Hương nói thêm.
Cũng theo vị giám đốc này, gần đây một số hệ thống siêu thị ngoại đổi chủ, doanh nghiệp VN lại thêm phần khó khăn vì dù không tuyên bố nhưng chính sách của các ông chủ bán lẻ mới là luôn ủng hộ hàng nước họ, từ cái rổ, xô, chậu... đến thìa, chén, bát, móc áo quần trên các quầy kệ.
Cũng nhìn thấy những khó khăn khi đưa hàng vào siêu thị ngoại, bà Huỳnh Bảo Châu, giám đốc marketing Công ty Cholimex, cho rằng doanh nghiệp Việt có nguy cơ bị đánh bật khỏi kênh phân phối hiện đại vì nhiều loại phí và mức chiết khấu đòi hỏi quá cao.
Đây là tình hình chung không những của CholimexFood mà còn của các doanh nghiệp VN khác.
“Sự đổ bộ của các doanh nghiệp phân phối nước ngoài vào VN sẽ kéo theo một loạt hàng hóa thương hiệu ngoại đến với người tiêu dùng VN, ví dụ Metro và BigC thì hàng Thái nhiều, AEON là hàng Nhật, Lotte và Emart là hàng Hàn Quốc. Nhà phân phối có toàn quyền lựa chọn sản phẩm trưng bày trong không gian của mình, vì thế hàng VN rất khó cạnh tranh”, bà Châu thừa nhận.
Tăng độ phủ hàng Việt
Đứng trước tình thế đó, một số nhà bán lẻ trong nước đã phải xoay xở để giữ vững thị phần và tăng độ phủ cho hàng Việt. Cụ thể, đầu tháng 9-2016, Saigon Co.op đã khai trương cửa hàng thực phẩm an toàn tiện lợi Co.op Food thứ 98 tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
Điều đặc biệt đây là cửa hàng tiện lợi đầu tiên được kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương hiệu. Dự kiến có 5 cửa hàng Co.op Food tương tự được khai trương trong năm nay.
Ông Diệp Dũng, chủ tịch hội đồng quản trị Saigon Co.op, cho biết với tốc độ phát triển mạng lưới điểm bán khá ổn định mỗi năm từ 6 - 8 siêu thị Co.op Mart, từ 10 - 20 cửa hàng Co.op Food, Co.op Xtra... đến nay Saigon Co.op là nhà bán lẻ thuần Việt có độ phủ và đa dạng mô hình nhất cả nước.
Trong đó hơn 80 siêu thị Co.op Mart, 98 cửa hàng Co.op Food, gần 200 cửa hàng Co.op, kênh bán hàng Việt qua truyền hình HTV Co.op... đều là kênh phân phối hàng Việt hiệu quả trong gần 20 năm qua.
Theo ông Diệp Dũng, để tiếp tục tăng độ phủ của hàng Việt, Saigon Co.op sẽ tập trung phát triển nhanh các mô hình bán lẻ hiện hữu như Co.op Mart, Co.op Food, Co.op Xtra, Sense City... tại các thị trường trọng điểm, đồng thời phát triển mới đa dạng các mô hình thương mại điện tử và phân khúc cao cấp để có thể phủ kín hầu hết tất cả các phân khúc tiêu dùng trong nước.
“Mạng lưới bán lẻ của chúng tôi đến đâu, hàng Việt sẽ tăng độ phủ đến đó. Một trong những lợi thế của chúng tôi là mối liên kết chặt chẽ với những đơn vị cung cấp hàng hóa uy tín trong nước thông qua chính sách ưu tiên quảng bá và kinh doanh hàng Việt”, ông Diệp Dũng khẳng định.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Saigon Co.op thông qua đối tác cũng đã xuất khẩu 100 container hàng Việt sang Singapore, trong đó rất nhiều mặt hàng Việt được người tiêu dùng các nước ưa chuộng và tin dùng.
Trong buổi kết nối giữa doanh nghiệp Việt và nhà bán lẻ Việt hồi tháng 8-2016, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng trong quá trình hội nhập, hàng nước ngoài tràn vào VN, sự chủ động của nhà bán lẻ trong nước sẽ hỗ trợ tích cực cho hàng Việt có chỗ đứng vững chắc ngay ở thị trường nội địa.
Nên ưu tiên các điểm bán lẻ cho doanh nghiệp Việt Theo các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra có hay không việc ưu đãi cạnh tranh không lành mạnh của các nhà phân phối ngoại đối với hàng hóa trong nước và hàng hóa chính quốc. Đồng thời, điều chỉnh những chính sách ưu đãi đầu tư bất hợp lý theo hướng ưu tiên nhà phân phối ngoại tại các địa phương để chạy theo thành tích về thu hút đầu tư. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận