18/05/2020 13:22 GMT+7

Xóa nạn chạy chức chạy quyền được không nếu chỉ nói kiên quyết

ĐỨC BÌNH (thực hiện)
ĐỨC BÌNH (thực hiện)

TTO - Ông Vũ Phạm Quyết Thắng - nguyên phó Tổng thanh tra Chính phủ - bày tỏ quan điểm khi trao đổi cùng Tuổi Trẻ ngay sau khi Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII bế mạc.

Xóa nạn chạy chức chạy quyền được không nếu chỉ nói kiên quyết - Ảnh 1.

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng - nguyên phó Tổng thanh tra Chính phủ - Ảnh: VIỆT DŨNG

3 thông điệp quan trọng của Hội nghị trung ương

*Hội nghị trung ương lần thứ 12 đã bế mạc (ngày 14-5), và một trong những nội dung quan trọng của phiên họp lần này là bàn về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng XIII. Ông có nhận xét gì về kỳ họp lần này?

Hội nghị trung ương vừa rồi có những thông điệp hết sức quan trọng gửi tới công chúng. Thứ nhất, hội nghị đã phản ánh Đảng đang tập trung tinh lực, trí tuệ để xử lý những vấn đề lớn trong nội bộ Đảng, tiến tới tổ chức đại hội Đảng nhiệm kỳ tới.

Thông điệp thứ hai là Đảng luôn luôn khẳng định và giữ vai trò chủ đạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, vì thế vai trò, trách nhiệm của Đảng là rất lớn. Cho nên những ủy viên trung ương, những người dự hội nghị lần này cần có trách nhiệm cao hơn trong công việc của Đảng. Thứ ba là trung ương đề cập đến những vấn đề về nhân sự.

Cả ba vấn đề này dư luận xã hội rất quan tâm. Dân quan tâm vì đất nước này, xã hội này phát triển hay không phát triển là tùy thuộc vào sự củng cố, ổn định vững chắc của Đảng.

Nếu Đảng tồn tại vững chắc thì đất nước phát triển, nếu Đảng tồn tại không vững chắc, có nhiều điểm yếu, nhiều lỗ hổng và không được lòng dân thì sự phát triển đất nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đẩy lùi sự phát triển đất nước.

*Người dân quan tâm như vậy chứng tỏ có một sự đồng tâm của đất nước, của dân với Đảng?

- Đúng là có một sự đồng tâm lớn. Sự đồng tâm thể hiện ở rất nhiều mặt, trong đó quan trọng là dân đã tin Đảng, theo Đảng nhiều năm, bây giờ đã đến lúc Đảng phải làm tốt hơn nữa để giữ được lòng tin của dân với Đảng.

Điều hạnh phúc của một tổ chức chính trị xã hội là được dân tín nhiệm và tự mình khẳng định tín nhiệm trước dân chúng. Được tín nhiệm là vì mình làm tốt, và tự khẳng định rằng mình sẽ làm tốt.

Tôi thấy đây là điều rất đáng mừng, là thông điệp rõ ràng mà hội nghị trung ương mang lại. Khi Tổng bí thư nêu các điều này ra thì cũng chỉ với ước vọng là Đảng sẽ làm được tất cả những điều mà hội nghị trung ương đã đặt ra.

* Và Đảng sẽ làm được những điều đó?

- Làm được hay không tùy thuộc vào nhiều nội dung. Ví dụ chúng ta nêu cao tinh thần trách nhiệm để xây dựng những cương lĩnh, nghị quyết trong kỳ đại hội tới thì ngoài thảo luận ra thì ý kiến của dân về vấn đề này như thế nào? Nội dung cụ thể là cái gì? Tập trung vào cái gì là cơ bản nhất?

Cách đây nhiều năm, Đại hội Đảng lần thứ 3 (năm 1960) nêu lên phương hướng phát triển kinh tế là "ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ". 17 năm sau, bằng thực tế cuộc sống, nghị quyết đại hội Đảng lần thứ 4 đã đặt vấn đề đó khác đi, không phiến diện, không dàn trải nữa.

Phương hướng phát triển lúc này là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Thay 4 chữ "đồng thời ra sức" bằng 3 chữ "trên cơ sở" để nói rằng đất nước này phát triển phải dựa trên cơ sở nông nghiệp, công nghiệp nhẹ chứ không phải đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp, công nghiệp nhẹ.

Kinh nghiệm này, trải nghiệm này chúng ta phải mất 17 năm từ đại hội 3 đến đại hội 4, trong điều kiện vừa xây dựng miền Bắc, vừa đấu tranh giải phóng miền Nam. Điều đó thể hiện Đảng rất nghiêm túc trong việc nhìn nhận sự phát triển của đất nước, và cũng lắng nghe dân chúng, cảm nhận hơi thở cuộc sống.

Nghị quyết của hội nghị trung ương lần này cũng vậy, đã đặt ra những mục tiêu hàng đầu trong đó chú trọng đến nông nghiệp phát triển. Bởi qua đợt dịch COVID-19 thì chúng ta đã thấy rõ hơn vai trò của nông nghiệp ở nước ta vô cùng quan trọng.

Vị thế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được đặt lên là mũi nhọn của sự phát triển đất nước, chứ không phải cái gì cũng là mũi nhọn của sự phát triển. Lần này tôi thấy rất rõ ràng về nội dung này. Đó là điều đáng mừng cho sự phát triển của đất nước.

Đương nhiên bên cạnh nông nghiệp thì cũng còn những ngành khác, vì nó có thể làm tăng thêm thu nhập quốc dân, như công nghiệp điện tử, công nghiệp kỹ thuật cao, các ngành dịch vụ..., nhưng không thể lơ là nông nghiệp.

Xóa nạn chạy chức chạy quyền được không nếu chỉ nói kiên quyết - Ảnh 2.

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng - nguyên phó Tổng thanh tra Chính phủ - Ảnh: VIỆT DŨNG

Tôi giới thiệu anh, nếu anh sai tôi phải là người chịu trách nhiệm. Nhưng tập thể cấp ủy Đảng cấp dưới giới thiệu đại biểu dự đại hội Đảng cấp trên thì tưởng đã tập trung trí tuệ nhưng thực ra có trí tuệ hay không thì cần phải xem xét vai trò, trách nhiệm của người bí thư đảng các cấp.

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng

Nhân sự: dưới làm tốt thì trên sẽ chắc

* Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị là bàn về công tác nhân sự. Ông thấy công tác chuẩn bị nhân sự lần này có như các lần trước?

- Tôi thấy là tại hội nghị, Tổng bí thư đã nêu rất rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của các ủy viên trung ương, của các đảng bộ địa phương khi thảo luận nghị quyết và thống nhất nội dung,đề xuất cho trung ương.

Đồng thời đề cử cán bộ của mình tham gia đại hội cấp trên. Tôi nghĩ nếu càng làm kỹ bao nhiêu, làm tốt từ dưới thì đại hội Đảng toàn quốc sẽ càng tốt bấy nhiêu. Nhưng có một điều quan trọng mà Tổng bí thư nêu ra đó là việc giới thiệu những đại biểu xuất sắc ưu tú của mình dự đại hội cấp trên, hay đại biểu ứng cử vào trung ương phải được xem xét hết sức cẩn trọng, nhiều lớp lang.

Nhưng cũng phải coi chừng nhiều lớp chưa chắc đã phải là dày, nhiều lớp chưa chắc đã là lá chắn tốt. Ít lớp cũng có khi là lá chắn tốt nếu chúng ta có một quy chế chặt chẽ. Ví dụ, đại biểu được giới thiệu thì phải xem ai là người giới thiệu.

Cái này rất ít, vì thường đại hội đảng bộ các cấp phải là tập thể giới thiệu. Còn nếu tập thể đó lại bị điều chỉnh bởi "1 cái vít" ở trên thì tập thể đó vô hình trung đã bị vô hiệu hóa và trở thành gánh nặng cho đại hội cấp trên.

Lâu nay, hầu hết các địa phương, bí thư tỉnh ủy gần như là người quyết định về nhân sự, cán bộ của tỉnh chứ không phải chủ tịch tỉnh. Thậm chí, các doanh nghiệp khi muốn làm dự án gì ở tỉnh đó thì phải đến gặp bí thư tỉnh ủy chứ không phải là chủ tịch.

Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng không phải Đảng làm quản lý. Cho nên vai trò của cấp ủy Đảng ở cơ sở khi giới thiệu đại biểu đi họp hay ứng cử vào trung ương là rất quan trọng.

Mỗi tỉnh, đảng bộ giới thiệu ông A, B, C nào đó và trên cứ thế xem xét trong số này để "sáng suốt lựa chọn". Nhưng vấn đề là các ông này ai cử, là cấp ủy cử, là đại hội cấp dưới cử… nếu không chặt chẽ, cẩn trọng, tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Việc giới thiệu không nhất thiết từ dưới lên mà trên có thể nhìn xuống. Khi trên nhìn xuống thì ông cấp trên phải chịu trách nhiệm.

* Người dân cũng rất quan tâm đến nhân sự trung ương và nhân sự cấp cao khóa tới. Cũng có ý kiến bộ máy cần gọn nhẹ, Đảng cần nhất thể hóa. Quan điểm của ông thì thế nào?

- Người dân họ quan tâm, ngóng trông vào hội nghị trung ương vừa rồi chuẩn bị nhân sự như thế nào cho tương lai, ai vào trung ương, ai vào Bộ Chính trị, tứ trụ khóa tới là những ai?

Vì sao dân chúng lại quan tâm điều đó. Vì Đảng lãnh đạo toàn diện, người dân quan tâm đến việc này là đúng. Nhưng Đảng đừng đặt vấn đề đó là của Đảng.

Đảng chỉ lãnh đạo, tổ chức, chỉ đạo cho việc thực hiện. Còn việc tổ chức thực hiện cho vấn đề đó lại là chính quyền. Vậy thì cần 3 cột hay 4 cột? 

Tôi không thể trả lời câu hỏi đó và cũng không muốn trả lời câu hỏi đó.

Đất nước này, cần xem lại các mô hình tổ chức của các nước trên thế giới và ta nên lựa chọn một mô hình nào đó tương thích với mình. Có thể là tổng thống, có thể là chủ tịch nước, có thể là thủ tướng.

Ví như Mỹ hay Nga, thủ tướng có là gì đâu. Nhưng ở Anh thì thủ tướng lại là nhất. Vậy thì ta chọn một mô hình, có thể là chủ tịch Đảng. Ngày xưa Bác Hồ là chủ tịch Đảng, là người đứng đầu Đảng, nay kế tục Bác Hồ nên là chủ tịch Đảng.

Người đứng đầu Đảng sẽ thay mặt Đảng điều hành đất nước có thể với danh nghĩa là tổng thống, là chủ tịch nước, là thủ tướng. "Một cột" thôi, đừng "nhiều cột". Một cột chắc chắn còn hơn nhiều cột. Bây giờ mình bốn cột, tức là "tứ trụ" nghe buồn vô cùng.

Tại sao lại là tứ trụ, tứ trụ là nhất à? Đảng phải tập trung tinh tú, phải nhất thể hóa, càng nhất thể hóa sớm thì càng tốt. Theo tôi chỉ có chủ tịch Đảng hoặc Tổng bí thư làm chủ tịch, tổng thống hoặc thủ tướng. Có như vậy thì nó mới là tư thế của một thể chế chính trị xã hội tam quyền phân lập.

Với tư cách một công dân, một đảng viên, tôi kiến nghị Đảng hãy tập trung tinh lực, trí tuệ để hình thành một bộ máy gọn nhẹ hơn, đừng cồng kềnh như bây giờ. Gọn nhẹ nhưng có đủ tinh lực để làm việc. Tập trung những người đủ đức, đủ tài thực sự để đảm đương chức trách. Đảng hãy giới thiệu người đứng đầu, để tham gia lãnh đạo chính quyền.

Như vậy vai trò, trách nhiệm của Đảng được thể hiện đầy đủ hơn, quán triệt được từ chỉ đạo đến hành động. Trên cơ sở đó, tổ chức cùng Quốc hội bầu các đơn vị quản lý khác. Người quản lý các đơn vị đó có thể là đảng viên, có thể không là đảng viên nhưng guồng máy đấy phải hoạt động theo bộ máy mà Đảng chỉ đạo.

Bây giờ về các địa phương, chỉ cần gặp bí thư tỉnh ủy là mọi việc coi như xong. Vậy thì Đảng lãnh đạo hay chính quyền lãnh đạo. Chính quyền tổ chức thực hiện theo tinh thần, tư tưởng lãnh đạo của Đảng bằng văn bản, bằng nghị quyết chứ không bằng ý kiến cụ thể. Chỉ trừ ông chủ tịch Đảng sang làm chính quyền thì ông chỉ đạo luôn.

Vậy thì ta nhất thể hóa đi, dẹp bỏ các cơ quan rườm rà đi. Nếu ta chỉ có một trụ, một người đứng đầu được Đảng cử đứng ra đảm đương công việc của đất nước này thì có được không? Một Đảng cầm quyền thì hoàn toàn có thể làm được, chỉ sợ anh quá yếu về tổ chức, quá kém về phẩm hạnh thì người ta không bầu thôi.

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng


*Rất nhiều điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa ra về tiêu chuẩn người lãnh đạo. Với những tiêu chuẩn cụ thể như vậy, với quy trình chặt chẽ như vậy thì theo ông, đại hội lần này sẽ hạn chế được tối đa những trường hợp chạy chức chạy quyền?

-Về yêu cầu thì vẫn như các kỳ trước, vẫn phải sáng suốt lựa chọn người đủ đức, đủ tài. Câu này là khẩu hiệu muôn thuở từ thời lập nước. Bầu cử ở cấp nào, tổ chức nào thì câu này cũng được nêu ra rồi.

Nhưng sáng suốt là thế nào, làm thế nào để sáng suốt được? Tôi nghĩ với cách thức như hiện này thì việc giới thiệu nhân sự, bầu cử sẽ không có gì mới. Vẫn là từ dưới bầu lên. Vậy ai đảm bảo là người giới thiệu nhân sự đó sẽ chịu trách nhiệm như Tổng bí thư nói. Có người nào chịu giới thiệu đâu, rất ít, vì phải có sự hiểu biết, quen thân lắm thì mới giới thiệu được.

Tôi đồng ý là có nhiều hướng dẫn về điều kiện, tiêu chuẩn những người lãnh đạo rất chi tiết, cụ thể. Nhưng mà ở cấp dưới có thực hiện các chi tiết đó không, ai đảm bảo việc cơ sở cấp dưới sẽ thực hiện, cơ quan nào làm được việc giám sát này?

Còn về chạy chức chạy quyền thì từ trước đến nay, trước mỗi kỳ đại hội chúng ta vẫn có, chúng ta cũng biết nhưng cũng rất khó để mà hạn chế được. Đây là điều rất khó.

Tôi biết có những người luôn luôn được cất nhắc dù có rất nhiều ý kiến phản đối. Tôi biết nhiều trường hợp, ông thủ trưởng cứ cất nhắc vô tội vạ, rồi trải qua nhiều biến tấu A, B, C nhưng cuối cùng nhân vật được cất nhắc đó vẫn quay về ngồi chễm chệ ở vị trí cao mà nhiều người nghĩ ông ấy không bao giờ có thể ngồi vào đấy được.

Theo ông, để có những cán bộ tốt vào trung ương, để giảm chạy chức chạy quyền thì phải làm như thế nào?

- Tổ chức cơ sở Đảng phải là hạt nhân. Bởi bất cứ đảng viên nào cũng phải sinh hoạt ở chi bộ. Chi bộ mà vững mạnh thì người đảng viên phải nghe theo, chi bộ mà mạnh thì sẽ giải quyết được việc chạy chức chạy quyền. Khi còn công tác, tôi có lúc làm bí thư chi bộ, khi họp, có một người là lãnh đạo cấp trên cũng sinh hoạt trong chi bộ.

Khi họp kiểm điểm, ông ta nói luôn là đã họp thường vụ cấp trên và đã kiểm điểm ở đảng ủy cấp trên. Tuy nhiên về sinh hoạt tại chi bộ, tôi cũng xin nói thêm vài ý mà thường vụ cấp trên đã thống nhất…

Là bí thư chi bộ, nghe thế là tôi có ý kiến ngay: anh là đảng viên, sinh hoạt tại chi bộ này thì anh là một đảng viên của chi bộ, chứ không phải anh là một đảng viên cấp cao. Anh phải kiểm điểm với tư cách một đảng viên sinh hoạt trong một chi bộ cơ sở. Việc anh kiểm điểm ở đảng bộ cấp trên là kiểm điểm chức trách Đảng của anh ở cấp trên đó. Tôi nói thẳng như vậy là đúng với tư cách một bí thư chi bộ, dù biết có thể ông cán bộ ấy phật lòng nhưng sự thực là thế.

Theo tôi, các chi bộ phải thật sự mạnh. Các ủy viên trung ương cũng phải sinh hoạt trong các chi bộ, và nếu người bí thư chi bộ mà có trách nhiệm và dũng cảm thì mới có thể tổ chức cho đại hội chi bộ tốt trong kỳ này, và có thể giới thiệu đúng người đi dự đại hội Đảng cấp trên.

Nếu bí thư chi bộ dũng cảm, có thể người cán bộ ủy viên trung ương có sinh hoạt tại chi bộ đó chưa chắc đã được giới thiệu đi dự đại hội Đảng cấp trên nếu không đủ chuẩn chất.

Hội nghị trung ương vừa rồi nêu rất nhiều vấn đề, dân rất mong. Hội nghị cũng cũng kêu gọi các ủy viên trung ương hãy về chi bộ, nghiêm túc kiểm điểm mình và kêu gọi bí thư các chi bộ hãy phê bình một cách đầy đủ, đúng đắn các ủy viên trung ương đang sinh hoạt tại chi bộ mình.

Tôi cho rằng muốn thành công thì cần siết chặt lại các chi bộ, chi bộ Đảng phải kiểm điểm các ủy viên trung ương một cách đúng nhất, không né tránh. Biên bản kiểm điểm đó phải được gửi đầy đủ, đúng địa chỉ và người tiếp nhận biên bản phải thực sự nghiêm túc để xem xét, trình lên cấp trên của mình để xử lý, chứ không phải lờ đi, cho qua.

Các chi bộ làm không tốt thì nhân sự đợt tới cũng chỉ như hiện nay. Nếu chi bộ nhìn nhận tốt thì làm sao có thể xảy ra trường hợp ông lãnh đạo này, bà lãnh đạo kia sai sót được.

Việc chạy chức chạy quyền lâu nay đã được nói đến như một tệ nạn. Mà đã là tệ nạn thì phải xóa bỏ. Nhưng xóa bỏ được không nếu chúng ta chỉ nói kiên quyết, kiên quyết.

Vấn đề là phải phát huy được dân chủ ở cơ sở. Phải đấu tranh và lắng nghe ý kiến từ cơ sở để loại bỏ những con người này.

Ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu, nhưng chạy chức chạy quyền thì không thể chấp nhận được. Tôi hi vọng trong kỳ đại hội tới, những kẻ cơ hội ít đi chứ không nghĩ là sẽ không còn.

* Theo ông, liệu những người thế hệ 7X có thể được giới thiệu nhiều hơn vào trung ương lần này?

- Lớp trẻ hiện nay rất tốt, cực giỏi, thông minh, hiểu biết, vấn đề là chúng ta định hướng thế nào để họ cống hiến nhiều hơn cho đất nước này. Tôi biết thế hệ 7X, thậm chí 8X có những người rất giỏi, nhưng trong suy nghĩ của họ về đất nước thì họ vì nhiều lý do đã chưa thể mang hết tâm sức cống hiến cho đất nước, dân tộc.

'Không để lọt vào trung ương người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực'

TTO - "Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành trung ương những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh..." - Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

ĐỨC BÌNH (thực hiện)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên