Xem toàn bộ thông tin về "bệnh lạ" trên TTO
Phóng to |
Bà Phạm Thị Sao khóc bên người chồng vừa mất bởi bệnh lạ - Ảnh: Việt Hùng |
Nỗi sợ bao trùm từng ngóc ngách trong những khu làng nhỏ. Thầy cúng rời làng trong e sợ. Người bệnh nơi đây đang tự cứu mình, ngày qua ngày họ như đang chạy đua cùng thần chết...
Ngày đoàn công tác của Bộ Y tế đưa hàng chục xe xuống với gần 70 người khiến người dân nơi đây vui khôn tả. Nhưng niềm vui đó chưa trọn vẹn khi đoàn ra đi mà chưa có câu trả lời cho dân vùng bệnh lạ. Cho đến ngày Bộ Y tế tổ chức họp báo, cả vùng Ba Điền đều ngóng đợi, dõi mắt lên màn hình tivi nhưng rồi...
Những người đàn ông H’Re dũng mãnh như những chiến binh ngày nào đâu biết rằng căn bệnh “lạ” quái ác từ đâu ập về khiến họ ủ ê trong nhà sàn ngồi đợi thần chết, nhiều vùng đất ngàn cau xinh đẹp ở Ba Tơ (Quảng Ngãi) trải dài theo những sườn đồi thông xanh giờ đây hiu hắt. Làng Rêu nằm giữa thung sâu đang trăn trở từng ngày chống chọi với bệnh tật...
Xóm làng hiu hắt
Nằm bên dòng suối róc rách dưới chân núi Cà Bia và xa xa là ngọn đồi V’Rang cao ngất, làng Rêu yên bình với những hàng cau xanh mướt mắt. Nếu không bước qua từng căn nhà sàn trong đường làng quanh co này, không ai nghĩ ngôi làng đang chịu nhiều tai ương đến vậy.
Trong chiếc áo bộ đội rách vai cùng chiếc mũ che mái tóc xoăn tít, lưa thưa bạc, ông Phạm Văn Tiếng đứng tần ngần bên con suối trước cổng làng ngăn khách lạ. Từ ngày căn bệnh chưa rõ nguyên nhân khiến từng thành viên trong ngôi làng nhỏ thân yêu của ông Tiếng ra đi, người dân làng Rêu dựng rào ngăn khách, cách làng. Không nghe giải thích, năn nỉ mãi ông Tiếng hạ lệnh: “Muốn vào làng thì đợi bóng nắng qua đứng trưa!”.
Chui qua cành tre làm thanh chắn, căn nhà sàn của em Phạm Văn Toán nằm sát vách núi trước mặt. Toán co ro trên chiếc võng mắc ngang hai cây cột giữa nhà. Căn bệnh quái ác khiến toàn thân Toán nổi da beo xù xì vảy nến và đau nhức. Đôi mắt xệch qua một bên và đôi hàng lông mày rụng gần trụi. Tóc lưa thưa. Rất khổ sở chúng tôi mới đỡ được Toán dậy hóng nắng và uống nước. “Bố em qua đời khi em học lớp 3, năm ngoái mẹ cũng bỏ tụi em vì bệnh lạ. Đứa em gái của em cũng vừa mất. Em mới đi viện về chừ nằm đây...” - Toán rơm rớm nước mắt nói.
Căn nhà sàn phên tre đã bị bục nát tứ bề gió lùa. Gian bếp ngổn ngang xoong nồi đầy ruồi và kiến. Nằm đợi tháng ngày đi qua trong bệnh tật, Toán thều thào: “Mệt lắm nhưng em phải tự ra suối lấy nước, tự nấu ăn. Thấy mình bệnh hàng xóm cũng ngại không ai tới lui. Ba bốn lần đi bệnh viện nằm miết cũng vậy. Sức khỏe ngày càng xuống...”.
Cách nhà Toán hai căn nhà là cái nền gạch hoang tàn bên những mảng tường sắp sập. Đây chính là dấu tích của căn nhà đầu tiên ở làng Rêu mắc chứng bệnh quái ác không tên này. Năm 2011, em Phạm Thị Pông đang học lớp 9 cùng em gái của mình là Phạm Thị Dút, học lớp 7, đột ngột qua đời khi nhiễm bệnh không lâu. “Dân làng Rêu nghĩ rằng căn nhà này đốn phải cây của thần linh trên núi làm nhà nên hai đứa con gái bị bắt để trả nợ. Họ cũng cúng gà, cúng heo nhưng không khỏi. Rồi bệnh xuất hiện ở nhiều nhà khác trong làng, cả gia đình họ phải dọn nhà vào rừng sâu lánh nạn” - ông Phạm Văn Đòn, phó bí thư chi bộ thôn Làng Rêu, tâm sự.
Người chết ngày càng tăng, người nhiễm bệnh lên tới hàng trăm khiến làng Rêu tiêu điều trong mỏi mệt. Ngoại trừ các phóng viên và những đoàn bác sĩ chuyên ngành đến với làng Rêu, rất ít người dám bước qua con suối V’Rang vào làng. Những bà bán rau, thịt, cá bằng xe máy, những người bán gánh rao hay dạo qua làng thuở trước đã mất hút một thời gian dài. “Đến người bán chiếu, bán mắm cũng không thấy. Tất cả phải xuống trung tâm cách đó chừng 5km. Tiệm thuốc tây thấy người dân làng Rêu bước tới cũng ớn lạnh!” - ông Đòn chia sẻ.
Bệnh “lạ” quét làng
Căn bệnh không tên càn quét qua khu làng nhỏ bé này, không một gia đình nào tránh khỏi. Nặng thì nằm viện, nhẹ tự chăm sóc tại nhà. Trai gái, người già, thanh niên, trẻ con cũng không loại trừ nguy cơ mắc bệnh.
Mới 24 tuổi nhưng Phạm Văn Dúi trông như người đàn ông ngoài 50. Căn nhà Dúi dời về ở cuối làng Rêu, cách trung tâm chính của làng một ngọn đồi nhưng gia đình anh vẫn không tránh được bệnh. Vừa về từ Bệnh viện phong Quy Hòa, Quy Nhơn nhưng gót chân của Dúi vẫn liên tục nứt nẻ, chảy nước và đau đớn. Vợ Dúi vẫn nằm viện trong trạng thái nguy kịch, anh vừa tự chăm sóc mình và nuôi thằng con trai vừa tròn 6 tuổi. Ngồi phệt trước hiên nhà sàn, liếc nhìn chiếc rựa hoen gỉ vì nhiều ngày tháng chưa được lên nương, đôi mắt anh buồn da diết. “Sắn bắp ngoài nương bỏ cho con heo, con sóc nó ăn hết. Lúa ngoài đồng không gieo hạt được. Hết gạo nhà nước cấp không biết lấy gì sinh nhai” - Dúi âu lo.
Hơn ai hết, người dân làng Rêu lúc này đang ráo riết truy tìm nguồn cơn của căn bệnh để tự cứu chính mình trước khi chính quyền và ngành y cứu giúp. Những lý giải, đồn đoán, phân tích của từng người về căn bệnh cứ mờ dần trong hoài nghi. Suy nghĩ về bệnh của mình, Dúi phân trần: “Năm 2005 một trận dịch làm trâu bò chết hàng loạt khắp bản làng này. Trâu chết trên đầu suối, chết ngoài đồng, chết trong rừng nhiều lắm. Dân có ăn thịt, có tắm rồi dùng nước suối ăn uống. Không biết đó có phải là nguồn cơn?”.
Những người trẻ tuổi như Dúi cho rằng nguồn cơn của bệnh là do dịch, còn trong ký ức của những người lính già ở làng Rêu thì nơi đây từng là chiến địa kinh hoàng và cũng là vùng trũng của chất độc. Rít hơi thuốc thật sâu, nhíu đôi chân mày chớm bạc, lão nông Phạm Văn Tăng nhớ lại: “Mùa hè năm 1968, cánh đồng giữa thung lũng làng Rêu có hàng chục chiếc máy bay đổ quân Mỹ ào ào xuống tấn công đánh chiếm. Sau khi chúng rút đi, hàng loạt máy bay trút bom như mưa vào đỉnh đồi V’Rang vào các bản làng. Chưa hết, hai ngày sau mấy chiếc máy bay vận tải chở hóa chất thả trắng trời Ba Tơ. Sau ngày giải phóng trên đỉnh đồi V’Rang người ta còn tìm thấy từng quả đạn to, nhiều bom chưa nổ và những thùng hóa chất xì khói màu vàng”.
Làng Rêu ở xã Ba Điền là thủ phủ của căn bệnh lạ ba năm qua chưa bao giờ nhiều xe cộ như lúc này. Xe cứu thương, xe tải, xe chở hóa chất, vật dụng y tế lùng sục từ đầu thôn đến cuối bản. Bệnh xuất phát từ làng Rêu nhưng những ngôi làng gần đó như làng Tương, làng Hi Long và làng Gò Nghênh cũng không nằm ngoài cuộc. Như người lính già ngồi gác cổng ở đầu làng Rêu, ông Tiếng chứng kiến không biết bao nhiêu người trong làng đi bệnh viện, có người về, có người khiêng về chôn cất. Nhà ít một vài người, có nhà năm người đều mắc bệnh, ông Tiếng thở dài khi chiếc xe cứu thương chở một người quen trong làng vụt qua con đường gập ghềnh ngập bụi đỏ.
______________
Kỳ tới: Côi cút trong vùng “bệnh lạ”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận