Bên cạnh doanh thu từ bán sợi là gần 51 tỉ đồng, PVTex còn có doanh thu 200 tỉ đồng từ gia công sợi - Ảnh: PVTEX
PVN cho biết thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương trong xử lý dự án thua lỗ, đến nay PVTex đã thực hiện xong 6/8 nhiệm vụ theo Kế hoạch hành động về xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém đã được phê duyệt.
Theo đó, đã hoàn thành việc xử lý tranh chấp pháp lý liên quan đến Hợp đồng EPC bằng phương thức hòa giải. Nhờ vậy, PVTex không phải trả 22,1 triệu USD cho nhà thầu EPC, được hỗ trợ miễn phí về kỹ thuật trong 1 năm và được nhận bàn giao 700 hạng mục vật tư. Việc này cũng giúp PVN tránh được rủi ro bị kiện với chi phí có thể lên tới hơn 5 triệu USD và bồi thường hàng chục triệu USD cho nhà thầu.
Hiện nay, PVTex đã khởi động lại một phần nhà máy, sản xuất và gia công sợi DTY. Theo đó, từ 20-4 đến ngày 31-10-2018, tổng sản lượng đạt 1.437,71 tấn sợi các loại. Đến ngày 14-6-2019, tổng lượng sản phẩm bán ra là 1.318 tấn, doanh thu là 50,55 tỷ đồng.
PVTex cũng phối hợp với đối tác là An Phát Holdings (APH) gia công sợi DTY. Theo đó, APH đã bỏ ra nguồn vốn khoảng 100 tỷ đồng để thực hiện hợp đồng gia công trên cơ sở nâng lên 12 dây chuyền, sản xuất 4410 tấn sợi DTY, doanh thu đạt gần 200 tỷ đồng.
"Việc gia công sợi DTY đã giúp đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Sản phẩm hiện được tổ chức Oeko-Tex (Đức) đã cấp chứng nhận, đáp ứng yêu cầu của thị trường Châu Âu, xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan" - PVN cho hay.
Ngoài ra, hiện PVTex cũng đã cơ bản hoàn thành thực hiện quyết toán vốn đầu tư dự án, dự kiến sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt trong quý 3-2019.
Nhiều tiềm năng thị trường cho ngành xơ sợi
Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có công suất thiết kế là 175.000 tấn xơ, sợi/năm, đáp ứng khoảng trên 25% nhu cầu nguyên liệu ổn định, chất lượng cao cho ngành dệt may Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư được duyệt là 324 triệu USD, hoàn thành đầu tư xây dựng năm 2011.
Việt Nam dù là nước xuất khẩu hàng dệt may rất lớn nhưng gần như chỉ gia công mà chưa làm chủ được nguyên liệu. Trong khi nhu cầu hàng năm lên đến 700 - 800.000 tấn xơ sợi nhưng năng lực sản xuất trong nước mới chỉ có PVTex công suất 175.000 tấn và Formosa cung cấp khoảng 145.000 tấn/năm. Nhu cầu thị trường lớn trong khi nguồn cung trong nước hạn chế, đây được xem là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sợi.
Trước đó, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém ngành công thương, việc xử lý PVTex sẽ thực hiện theo hướng: "Ưu tiên chọn phương án: khởi động, vận hành lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn hoặc phương án: PVTex chuyển nhượng Công ty. Trong trường hợp cả 02 phương án triển khai không thành công thì sẽ xem xét phương án: phá sản công ty theo quy định của pháp luật".
PVN khẳng định trong quá trình triển khai đã thực hiện nghiêm túc việc báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu cũng như báo cáo các vướng mắc trong quá trình triển khai để có ý kiến chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận