15/02/2019 10:20 GMT+7

Nhà máy 'chết lâm sàng' xơ sợi Đình Vũ trong cuộc đua thị trường sợi

MINH NGỌC
MINH NGỌC

TTO - Từ một nhà máy được xem là "chết lâm sàng", đến nay Nhà máy xơ sợi Đình Vũ của Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTEX) đã khởi động trở lại, ký 60 hợp đồng với 20 khách hàng, trong đó có cả khách hàng Nhật, Hàn Quốc.

Nhà máy chết lâm sàng xơ sợi Đình Vũ trong cuộc đua thị trường sợi - Ảnh 1.

Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch PVN làm việc tại xơ sợi Đình Vũ - Ảnh: PVN

Đây là một trong 12 dự án thua lỗ, yếu kém ngành công thương. Theo đề án của Ban chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém, Bộ Công thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đưa ra và được Thủ tướng phê duyệt, phương án ưu tiên là vận hành trở lại từng dây chuyền sản xuất, gắn với tìm đối tác hợp tác và sau đó tiến hành thoái vốn.

Khởi động lại từng phần, bán cho khách hàng khó tính nhất

Theo đó, 3 dây chuyền DTY đã được khởi động trở lại vào ngày 20-4-2018 . Sau 6 tháng vận hành thương mại trở lại, PVTEX đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, bao gồm công suất, chất lượng, năng suất và lợi nhuận.

Chất lượng sản phẩm của PVTEX đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và được tiêu thụ tốt. PVTEX đã ký 60 hợp đồng với 20 khách hàng, trong đó có cả những khách hàng nước ngoài như Nhật và Hàn Quốc - khách hàng khó tính nhất.

Theo phó tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, trong năm 2019, Tập đoàn và PVTEX sẽ tiếp tục thực hiện vận hành lại toàn bộ nhà máy, tiến hành tái cơ cấu lại vốn và tập trung thực hiện quyết toán dự án. Mặc dù đây là những công tác có độ phức tạp cao nhưng sẽ là nền tảng cho doanh nghiệp vận hành hiệu quả, lâu dài.

Điều đáng chú ý là kết quả trên đạt được trong bối cảnh mà khi vận hành lại từng phần của nhà máy, việc tìm đối tác hợp tác sản xuất kinh doanh nhà máy là cực kỳ khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh không cho phép bỏ thêm vốn nhà nước vào "cứu" nhà máy. Thời điểm này ai cũng cho rằng con thuyền PVTEX chỉ còn một cái kết là chìm đắm tại bán đảo Đình Vũ bởi đơn giản rằng "không bột đố gột nên hồ".

Tuy nhiên, PVTEX, được sự hỗ trợ của PVN, đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực xơ sợi đánh giá thiết bị công nghệ. Hệ thống các dây chuyền công nghệ của PVTEX được các nhà bản quyền uy tín ở Thụy Sỹ, Đức cung cấp.

Vì vậy, dù đã dừng máy gần 3 năm nhưng các dây chuyền thiết bị thuộc loại hiện đại nhất hiện nay, do được bảo quản tốt nên tình trạng vẫn tốt, không bị xuống cấp.

Mặt khác, đánh giá thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, PVTEX nhận thấy thị trường xơ sợi thế giới sau chù kỳ đi xuống năm 2014-2015 đã phát triển trở lại và đang trong chu kỳ hưng thịnh, có biên lợi nhuận cao.

Đặc biệt là PVTEX đã chọn lựa được đối tác hợp tác sản xuất kinh doanh là liên danh giữa Tập đoàn An Phát Holdings - đơn vị mạnh về tài chính và năng lực quản trị - với Tập đoàn Reliance (Ấn Độ) - tập đoàn sản xuất xơ sợi lớn thứ 2 thế giới và Fortrec (Singapore) - đơn vị có thế mạnh về thương mại và logistic.

Nhờ đối tác mạnh, quý III khởi động toàn bộ nhà máy

Bước đầu, Tập đoàn An Phát Holding/An Sơn và PVTEX ký hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh cho toàn bộ các dây chuyền DTY của nhà máy. 

Tháng 11-2018, PVTEX và đối tác nâng công suất phân xưởng sản xuất sợi DTY gấp đôi giai đoạn đầu tiên với 6 dây chuyền sản xuất, chính thức ra mắt thương hiệu Anpoly.

Đến giữa tháng 1-2019, PVTEX đã tiếp tục nâng công suất lên 10 dây chuyền sản xuất sợi DTY và sẽ nâng công suất phân xưởng sản xuất sợi DTY lên tối đa trong quý I và quý II-2019.

Mặt khác, PVTEX và các đối tác đang tích cực đàm phán hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh cho cả nhà máy. Trong đó, dự kiến quý I-2019 sẽ ký kết hợp đồng hợp tác vận hành toàn bộ nhà máy và quý III-2019 sẽ khởi động lại toàn bộ nhà máy.

Ngoài ra, PVTEX cũng đàm phán hòa giải thành công với nhà thầu HEC, chấm dứt tranh chấp phát sinh, đã đóng lại vướng mắc của dự án, tạo thuận lợi cho việc quyết toán dự án, dự kiến trong quý II-2019 sẽ tái cấu trúc phần vốn của nhà nước.

Theo chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc PVTEX Đào Văn Ngọc, PVTEX giống như "bệnh nhân đã chết lâm sàng", nay nhà máy đã đứng dậy và đi bước đi đầu tiên. Song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là vấn đề tài chính, chất lượng lao động, áp lực cạnh tranh từ thị trường…

Nhìn nhận về kinh nghiệm khiến nhà máy phải tạm dừng hoạt động, PVN và các cổ đông đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân do dự án chậm tiến độ,

Đến khi đi vào vận hành thương mại lại "rơi" đúng vào chu kỳ đi xuống của thị trường xơ sợi, cùng với năng lực tài chính của PVTEX rất yếu, nên không thể đủ sức trụ vững qua thời kỳ khó khăn... Những kinh nghiệm thực tiễn này đã được lãnh đạo PVN và PVTEX nhìn nhận, phân tích để có định hướng và bước đi đúng đắn trong giải quyết từng vướng mắc của dự án.

 

MINH NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên