26/08/2019 13:20 GMT+7

Xin ý kiến nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước về chiến lược phát triển 10 năm tới

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Hôm nay (26-8), Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội 13 của Đảng đã tổ chức hội nghị xin ý kiến của nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với chiến lược 10 năm và phương hướng, nhiệm vụ trong 5 năm tới.

Xin ý kiến nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước về chiến lược phát triển 10 năm tới - Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì hội nghị lấy ý kiến của nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam - Ảnh: VGP

Việc xin ý kiến của các nguyên lãnh đạo cấp cao nhằm từng bước hoàn thiện dự thảo văn kiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) từ năm 2021 - 2030 và kế hoạch phát triển KT-XH từ 2021 - 2025. 

Đây là một văn kiện quan trọng quyết định đường hướng phát triển KT-XH đất nước trong 10 năm tới.

Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trưởng Tiểu ban KT-XH, chủ trì với sự tham dự của các nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, và Mặt trận Tổ quốc VN.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các đồng chí nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng và các đồng chí nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nguyên Phó chủ tịch nước, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, TP.HCM… đã tới dự hội nghị.

Xin ý kiến nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước về chiến lược phát triển 10 năm tới - Ảnh 2.

Cảng biển Tiên Sa - Ảnh: TTO

Thủ tướng bày tỏ mong muốn được nghe trực tiếp ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc VN, những người dày dạn kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành công việc của Đảng, Nhà nước trên nhiều cương vị, trọng trách khác nhau.

Theo Thủ tướng, các ý kiến tại hội nghị sẽ góp phần quan trọng hoàn thiện những quan điểm, định hướng phát triển, cả về tầm chiến lược và sách lược. Đồng thời củng cố sự tin tưởng, sức mạnh của sự đoàn kết, thống nhất, gắn bó, tính kế thừa với tinh thần trách nhiệm cao giữa các thế hệ lãnh đạo trong Đảng, Nhà nước, tất cả vì dân vì nước, vì tương lai sáng của dân tộc.

Thủ tướng lấy ví dụ có ý kiến cho rằng trong bối cảnh quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức chỉ cần đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức khoảng 6-7%/năm, nhưng cần chú trọng hơn các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, đời sống của người dân. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, khoảng 7-8 %/năm. 

Xin ý kiến nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước về chiến lược phát triển 10 năm tới - Ảnh 3.

Một góc dự án metro - Ảnh: TTO

“Chúng ta đặt ra mục tiêu này để làm gì? Nhìn trên bản đồ thế giới và khu vực chỉ có tăng trưởng cao như vậy, chúng ta mới có thể thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước, mới góp phần tạo nền tảng ổn định vĩ mô, có thêm nhiều nguồn lực, có "chiếc bánh" lớn hơn để phân phối lại cho các mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. 

Và chỉ có như vậy chúng ta mới có nhiều việc làm, có thu nhập cho người lao động để nâng cao hơn nữa đời sống người dân”. 

Vấn đề đặt ra mục tiêu này có khả thi không, chúng ta có thực hiện được không? “Các đồng chí trong tiểu ban và cá nhân tôi rất trăn trở về điều này”, Thủ tướng nói. 

Cũng theo Thủ tướng, chúng ta có chế độ chính trị xã hội ổn định, hội nhập ngày càng sâu rộng, uy tín vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Vì vậy, có thể khẳng định chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu này. Kinh nghiệm của các nước quanh ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc đều có thời kỳ tăng trưởng thần kỳ khoảng 10%/năm trong vài chục năm trong bối cảnh cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức tương tự như ta.

Thủ tướng đề nghị các đồng chí nguyên lãnh đạo góp ý về các quan điểm phát triển, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của chiến lược, các đột phá chiến lược, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KT-XH trong 5 năm và 10 năm tới.

Tiểu ban KT-XH gồm 51 thành viên đã tổ chức 5 phiên họp toàn thể, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiên cứu 42 chuyên đề về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; đã tổ chức 6 hội nghị nghe ý kiến của các địa phương tại các vùng, tham vấn ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế... để xây dựng các báo cáo. Đến nay, tiểu ban đã hoàn thành dự thảo văn kiện lần thứ 5.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước: "Các nguyên lãnh đạo là chỗ dựa vững chắc cho Đảng" Tổng bí thư, Chủ tịch nước: 'Các nguyên lãnh đạo là chỗ dựa vững chắc cho Đảng'

TTO - Sáng 29-3, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị cán bộ lãnh đạo cấp cao nghỉ hưu. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên