Phóng to |
Bị cáo Tuấn cúi đầu khi nhận án 20 năm tù - Ảnh: CHI MAI |
Phiên tòa ngày 26-7 của TAND TP.HCM xét xử Trần Lý Phương Tuấn rất đông người dự khán. Bên cạnh người thân, gia đình còn có nhiều người trẻ là bạn bè của bị cáo và bị hại.
Án mạng từ việc nẹt pô
Tối 2-1-2011, Tuấn lái xe trên đường Chu Khiêm (Q.Tân Phú), đến trước cổng nhà thờ Phú Thọ Hòa thì gặp bạn là Trần Thế Nhân. Nhân kể chuyện mới gặp hai thanh niên nẹt pô ầm ĩ, thấy ghét quá nên Nhân chửi và bị dọa đánh. Vừa kể xong thì Tuấn, Nhân nhìn thấy hai thanh niên này chạy ngược lại và họ cũng nhận ra Nhân. D.Đ. - một trong hai thanh niên - cầm gạch chọi và thách thức nên Tuấn, Nhân tức khí đuổi theo. Hai bên xông vào nhau. Tuấn rút con dao bấm đâm một nhát vào lưng Đ.. Ngày hôm sau biết tin Đ. chết, Tuấn ra đầu thú.
Trả lời tòa về hành vi của mình, Tuấn cho biết đã tức giận vì bị Đ. ném đá rồi chửi bới, thách thức nên bị cáo đã rút dao bấm ra đâm. Bào chữa cho Tuấn, vị luật sư chia sẻ nỗi đau mất con với gia đình Đ. nhưng đề nghị tòa xem xét vì nạn nhân cũng có phần lỗi vì đã chửi bới, thách thức Tuấn trước. Luật sư cho rằng: “Với những xích mích nhỏ trong cuộc sống, va chạm khi lưu thông trên đường, mỗi người lựa chọn cho mình một cách xử sự khác nhau. Bị cáo và cả nạn nhân đều là những thanh niên trẻ tuổi, quá xốc nổi và thiếu kiềm chế”.
Lúc tòa mời gia đình bị hại có ý kiến, người dự khán dồn mắt về phía mẹ của Đ., người phụ nữ ngồi lặng lẽ suốt từ đầu phiên xử trên băng ghế dành cho gia đình bị hại. Người mẹ ấy nhẹ nhàng: “Thôi thì sự đã rồi, xin tòa xử nhẹ cho nó”. Qua ánh mắt rưng rưng, giọng nói như lạc đi của bà, người ta đủ hiểu bà đang phải kìm nén nỗi đau như thế nào khi mất đi đứa con trai của mình mà vẫn lên tiếng xin giảm nhẹ cho hung thủ.
Được tòa cho bào chữa, Tuấn chỉ thẫn thờ lắc đầu chẳng nói được gì thêm. Chỉ đến lúc tòa cho nói lời sau cùng trước khi nghị án, Tuấn mới quay lại nhìn mẹ của Đ., cất giọng lí nhí đến khó nghe: “Con xin bác tha tội cho con, con không chủ ý, con chỉ lỡ tay...”.
Con chưa uống thuốc cảm...
Đến giờ tòa nghị án. Vẫn ngồi lặng trên băng ghế dành riêng cho gia đình người bị hại, người mẹ đau khổ của Đ. như đã quá sức vì phải hồi tưởng lại sự đau đớn của đứa con trai qua lời kể của bị cáo và những nhân chứng. Lau vội giọt nước mắt đang lăn dài, bà kể: “Chiều đó ăn cơm xong nó xin tui đi chơi với bạn. Tui nhắc con đi thì nhớ về sớm. Nó trả lời sẽ về sớm vì ngày mai thứ hai là ngày đầu tiên con đi làm chỗ mới. Đó là một xưởng dập mà nó mới được chủ nhận vào làm. Nào ngờ đó là những lời cuối cùng mà tui được nghe từ miệng con”. Chồng mất sớm, mình bà bươn chải nuôi bốn đứa con nên chẳng có điều kiện cho các con học hành đến nơi đến chốn. Đ. phải nghỉ học sớm đi phụ việc, làm công để kiếm ít tiền phụ giúp cho mẹ.
Không thể kìm được nỗi đau đớn khi nhắc đến con, mẹ Đ. nghẹn lời: “Hôm đó thằng nhỏ còn đang bị bệnh. Nó nói con bị cảm hay sao ấy, dặn tui mua thuốc cho nó uống. Tui mua, nghĩ tối nó đi chơi chút rồi về uống thuốc cho hết bệnh, mai còn có sức đi làm. Nào ngờ, thuốc mua rồi mà con đâu còn được uống...”.
Nhiều người hỏi bà lý do xin tòa xử nhẹ cho bị cáo, người mẹ đáp: “Tôi hiểu cha mẹ thằng Tuấn cũng buồn lắm. Nó cũng còn trẻ và dại quá, giống như con tôi vậy, chuyện chỉ có chút xíu. Vậy mà... Phải chi chúng đừng xốc nổi như thế”.
Viện kiểm sát đề nghị án tù chung thân cho Trần Lý Phương Tuấn. Sau khi xem xét việc bị cáo ăn năn hối cải sau khi gây án, nhân thân tốt và một số tình tiết giảm nhẹ khác, tòa tuyên phạt bị cáo 20 năm tù. Mẹ và chị gái của Tuấn bật khóc rấm rứt. Mẹ Đ. nắm nhẹ bàn tay mẹ Tuấn đang đặt trên vai mình như chia sẻ nỗi đau chung của những người mẹ khi đứa con thân yêu vuột khỏi tầm tay.
Được dẫn giải ra khỏi phòng xử, Tuấn vẫn cúi gằm mặt như tránh phải nhìn thấy sự đau khổ của cha mẹ, người thân. Chỉ vì nẹt pô rồi khiêu khích ẩu đả nhau mà hai chàng trai vừa mới đủ tuổi thành niên đã phải trả giá quá đắt. Một người vĩnh viễn ra đi, còn một người sẽ phải đền tội bằng cả tuổi trẻ của mình với bản án 20 năm tù.
Trả giá quá lớn Cách đây không lâu, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xét xử vụ án giết người mà nguyên nhân cũng chính vì chuyện nẹt pô xe. Ngày 28-4-2011, Nguyễn Hoàng Du, 26 tuổi, đến dự tiệc đầy tháng con của người cậu tại khu phòng trọ thuộc khu phố 2, thị trấn Chơn Thành (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước). Khi Du đang ngồi chơi trước cửa phòng trọ, có hai thanh niên kéo ga, nẹt pô chạy vào. Thấy đứa bé giật mình, Du bực bội chửi hai thanh niên. Lời qua tiếng lại, cuộc ẩu đả xảy ra. Du vào phòng trọ gần đó lấy dao đâm vào ngực người thanh niên. Bị cáo lập tức nhận ra sai lầm của mình khi thấy máu tuôn nhiều quá, Du cùng cậu đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng không kịp, nạn nhân đã chết. TAND tỉnh Bình Phước xử phạt Du mức án tù chung thân về tội giết người. Dự phiên tòa phúc thẩm bị cáo xin giảm án, người dự khán có thể cảm nhận được sự ân hận, day dứt khôn nguôi của Du. Thế nhưng, với hậu quả là cái chết của nạn nhân trong khi giữa bị cáo và nạn nhân không quen biết hay thù hằn gì với nhau, tòa vẫn giữ nguyên hình phạt tù chung thân đối với Du. Từ chỗ là lao động chính trong gia đình để nuôi vợ con (lúc Du phạm tội, con của bị cáo mới được 2 tuổi), bị cáo Nguyễn Hoàng Du sẽ phải vùi chôn cả cuộc đời của mình sau song sắt nhà tù. Nhìn cảnh mẹ già và người vợ trẻ của Du khóc ngất sau khi nghe tòa tuyên bác kháng cáo xin giảm án của Du, ai cũng chạnh lòng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận