15/03/2014 02:31 GMT+7

Xin giúp Phương tìm mẹ

P.VŨ
P.VŨ

TT - Sau hai lần hẹn, tôi mới gặp được cô gái ấy. Nhỏ bé và hơi mỏi mệt, cô chống hai cây nạng liêu xiêu ngồi xuống ghế và đặt lên bàn một mẩu giấy ghi vài dòng nguệch ngoạc với nội dung tìm mẹ.

0YP7HFsU.jpg
Minh Phương với nỗi khắc khoải về người mẹ trong mơ - Ảnh: T.Tr.
9h1cXxNI.jpg
Phương ngày còn nhỏ

Mẩu giấy ghi: “Con gái Lê Nguyễn Minh Phương, con của ba Lê Đình Dũng tìm mẹ, trước ở 45 Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn, TP.HCM - NV). Lời nhắn: Mẹ ơi cứu con!”.

Tôi ngạc nhiên: “Em tìm mẹ? Còn thông tin nào khác nữa không?”, cô gái lắc đầu. “Tên, tuổi của mẹ em? Nơi làm việc? Hình mẹ? Hình hai mẹ con chụp với nhau? Có lá thư nào...?”. Lắc đầu.

Qua xác minh, chúng tôi được biết khu nhà 45 Lê Duẩn, nay là trụ sở Ngân hàng Phương Đông OCB, trước đây đúng là một khu tập thể gồm 36 căn hộ được cấp cho các cán bộ - công nhân viên Cục Hành chính quản trị II, thuộc Văn phòng Chính phủ từ năm 1977. Đến năm 1995, Nhà nước có chủ trương thu hồi khu nhà và các hộ này đều đã dời đi. Quanh khu Lê Duẩn, phường Bến Nghé, nay thật khó kiếm ra người nào có thể biết được tường tận hơn câu chuyện của Phương.

Mắt Phương ngân ngấn nước. Bằng chất giọng Việt hơi lơ lớ, cô bắt đầu câu chuyện kỳ lạ của mình.

Năm nay 32 tuổi, Lê Nguyễn Minh Phương đã có đến 24 năm sống ở Canada, ký ức về Việt Nam dừng lại trong trí nhớ mờ nhòa của một cô bé 7 tuổi. Với hai cây nạng, cô đã lọc cọc đi qua đi lại nhiều vòng, nhiều ngày quanh nhà thờ Đức Bà, dọc theo đường Lê Duẩn mong những hình ảnh xa xưa rõ nét trở lại: “Khi còn nhỏ gia đình em sống ở Trảng Bom, Đồng Nai. Em bị sốt bại liệt từ năm 3 tuổi. Năm 1988 hay 1989, em cùng hai anh trai được gia đình đưa lên TP.HCM ở nhờ nhà một người bà con để chờ xuất cảnh. Em đã đi học gần hai năm lớp 1, 2 ở Trường Hòa Bình...”. Trường Hòa Bình vẫn còn đây nhưng khu nhà tập thể số 45 Lê Duẩn mà Phương chỉ nay đã trở thành trụ sở ngân hàng, không còn dấu vết gì của khu nhà ngày xưa nữa. “Ở đó, em đã gặp một người xưng là mẹ ruột của em...” - Phương kể tiếp.

Đó là một phụ nữ sống trong căn hộ cùng trong khu 45 Lê Duẩn. Bà tìm gặp Phương và nói: “Mẹ là mẹ ruột của con, hãy về sống với mẹ”. Kèm theo câu nói đó là nước mắt và những cãi vã với cha Phương. Cô bé 7 tuổi sợ hãi, lẩn trốn trong những lần gặp gỡ sau đó, nhưng câu chuyện lại cứ âm ỉ lớn dần lên trong lòng cô suốt 24 năm sau.

“Bây giờ em tin chắc bà chính là mẹ em”, Phương quả quyết. Vì sao? Mắt Phương lại ngân ngấn: “Vì cách mọi người trong gia đình đối xử với em bao năm qua...”. Lặng đi một hồi cô nói tiếp: “Gần đây em nghe thấy trong lòng mình một sự hối thúc mãnh liệt cần phải tìm lại người phụ nữ đó, tìm lại mẹ. Em cồn cào ruột gan, tâm trí không thể rời bỏ, ăn ngủ không yên, dù biết câu chuyện của mình mơ hồ. Van lạy ba em cũng chỉ được sự giận dữ và lắc đầu. Em về Việt Nam đã hơn một tháng nhưng vẫn chưa tìm thấy gì”.

Phương đã quay về quê cũ Trảng Bom, chống nạng đi đến từng nhà bà con, làng xóm để hỏi thăm. Kết quả khả quan nhất mà cô có được chỉ là một tấm ảnh chụp Phương ngày cô 6 hay 7 tuổi. “Có lẽ là ảnh chụp khi gia đình làm hồ sơ xuất cảnh. Có thể mẹ sẽ nhận ra em qua tấm ảnh này”. Và cô nhờ chúng tôi gửi thêm những dòng thư đến người mà cô tin là mẹ mình: “Con xin lỗi vì khi xưa đã sợ hãi và từ chối mẹ, khi ấy con còn quá nhỏ. 24 năm qua, cuộc đời con đã trải qua nhiều mùi vị rồi, con đã hiểu vì sao mẹ xúc động như thế. Bây giờ con lại thấy cần mẹ hơn bao giờ. Nay chắc mẹ cũng đã già rồi, thời gian mẹ còn bao lâu, con hi vọng được ở bên mẹ bấy lâu. Nếu đây chỉ là nguyện vọng của riêng con, con hi vọng mẹ cũng sẽ liên lạc và cho con biết mẹ đang khỏe mạnh, yên bình...”.

“Mẹ em có nước da rất trắng, gương mặt thanh thoát, yêu kiều, xinh đẹp như một bà tiên”, Phương 32 tuổi vẫn còn đang mơ giấc mơ của cô bé 7 tuổi. Và Phương chợt tỉnh: “Em chỉ còn hai tuần nữa để chờ tin mẹ”.

Và chúng tôi cũng mong có ai đó giữa TP.HCM này có thể giúp cô.

P.VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên