Phố ông đồ nhộn nhịp ngày khai bútDạo “Phố ông Đồ" trong Văn Miếu - Quốc Tử GiámÔng đồ và tục xin chữ đầu năm
Phóng to |
Vỉa hè phố Văn Miếu (Hà Nội) tấp nập cảnh xin, cho chữ vào dịp Tết Nguyên đán - Ảnh: V.V.Tuân |
Đó là chia sẻ của nhà nghiên cứu trẻ Trần Quang Đức (tác giả Ngàn năm áo mũ) về những điều “tai nghe mắt thấy” sau nhiều năm viết chữ ở Văn Miếu.
Trần Quang Đức là một trong những “ông đồ trẻ” thế hệ 8X ở Văn Miếu - Ảnh: Thúy Hoa |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh nói: “Ngày xưa khi chữ Hán vẫn được dùng trong quan phương, thi cử, được coi là chữ thánh hiền thì nội dung xin - cho chữ rất đa dạng. Đơn giản thì xin chữ phúc, chữ thần về dán lên bàn thờ, phức tạp hơn thì xin đôi câu đối đỏ mang hàm ý ngợi xuân chúc tết, cầu kỳ thì xin bài thơ, bài châm, lời tựa, lời bạt... Thậm chí có người hay chữ tự soạn câu đối, bài thơ rồi nhờ người viết đẹp thảo cho vài hàng. Nhưng đó là thời kỳ văn tự Hán Nôm được coi trọng, người biết chữ vẫn thưởng thức được cái hay cái đẹp của chữ. Nhưng giờ mọi chuyện đã khác rồi”.
* Anh cho rằng việc xin chữ hiện nay đang mang nặng tính cầu may?
- Đúng vậy, thực tế việc xin chữ đang gần như là một tập tục cầu may, mà cầu may dưới dạng dùng chữ thì mang tính trí thức hơn thôi. Như tôi viết ở Văn Miếu có người đến hỏi giấy này đã mang vào xin thánh chưa, nếu chưa xin thì mang ra viết chữ cũng không có giá trị lắm. Họ hoàn toàn không hiểu về vẻ đẹp của chữ nghĩa.
Bên cạnh đó, chữ Hán Nôm do hoàn cảnh lịch sử đã bị đứt đoạn. Người dân ta nhìn chung hễ đi tham quan di tích trước năm 1945, cứ động vào đền chùa miếu mạo thì không khác người nước ngoài đi du lịch. Một là câu chuyện lịch sử bên trong không nắm được, hai là chữ nghĩa không đọc được. Khách Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc còn hiểu hơn ta. Riêng Hàn Quốc, Nhật đều có quy định về việc học chữ Hán từ phổ thông, đặc biệt đối với những người học ngành xã hội nhân văn. Họ không gặp nhiều chướng ngại để kết nối với sách vở, chữ nghĩa trong quá khứ.
* Có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là tranh cãi về việc mua chữ, bán chữ tại phố ông đồ. Cũng là một người viết chữ, anh nghĩ gì về câu chuyện này?
"Tám năm viết chữ ở Văn Miếu thì chữ tôi viết nhiều nhất là “đăng khoa” (thi đỗ), “đỗ đạt”. Rất hiếm những người xin đôi câu đối" |
- Tôi coi là bình thường. Chốn thân quen, tặng nhau bức chữ là bình thường. Còn lại, viết chữ và trả tiền cũng là chuyện hết sức bình thường, nên coi đó như một thị trường. Cần phải nói thêm ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có hẳn chức danh nhà thư pháp hay thư họa gia. Cũng như họa sĩ, những người đó cả đời chỉ luyện chữ, luyện vẽ tranh. Những thư họa gia giỏi có thể sống hoàn toàn phong lưu, sung túc. Một bức chữ có giá tới hàng trăm triệu đồng, người mua thưởng thức được mới trả ở giá đó.
Nhiều người cứ chê trách rằng chữ thánh hiền mà cũng mang đi bán à? Hãy coi đó là tác phẩm nghệ thuật chứ không phải chữ nghĩa thánh hiền nữa. Giờ chỉ còn hai dạng cầu may và chơi nghệ thuật, muốn chơi nghệ thuật thì phải trả tiền. Nhà thư pháp cũng phải sống. Thư pháp cũng là một trò chơi tốn kém. Bút, nghiên, giấy, mực, loại tốt thì thứ nào cũng phải mua với giá rất cao, nhưng ở VN có ai sống được bằng việc viết thư pháp đâu.
* Cùng với rất nhiều sự thay đổi của các thế hệ “ông đồ”, anh có kỳ vọng rằng việc xin chữ sẽ bớt đi phần nào sự cầu may?
- Tôi nghĩ xu hướng cầu may sẽ không mất đi. Nhìn cung cách từ những năm 1990 trở lại đây thì xu hướng ngày càng tăng dần. Tuy nhiên, tôi vẫn có sự lạc quan hơn một chút. Thế hệ 8X, 9X sau này tư duy của họ đã khác đi nhiều. Thậm chí có những bạn cũng cố gắng tìm hiểu trước rồi mới xin chữ. Tôi cũng kỳ vọng vào một thế hệ Hán học tiếp theo được học hành bài bản hơn, chữ nghĩa đẹp hơn, hiểu chữ hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận