Phóng to |
Những mẻ bêtông tươi về lúc 0g và khi ấy đội quân làm đường của P.Tăng Nhơn Phú B bắt đầu vào cuộc - Ảnh: Tuấn Anh |
Ít ai biết trong hàng trăm khối bêtông làm nên những con đường ấy thì phần lớn do Đoàn phường... đi xin được, từ những mẻ bêtông dư ở các công trình.
Làm đường nửa đêm về sáng
0g, điện thoại của Nguyễn Tuấn Anh - bí thư Đoàn phường Tăng Nhơn Phú B - đổ chuông. Đầu dây bên kia kêu: có bêtông dư nè, lấy không? Vậy là bật dậy khỏi giường, điện thoại ngay cho “đồng đội” chinh chiến trên từng cây số với... sự nghiệp làm hẻm cho dân. Chỉ trong ít phút, tại con hẻm dự định làm đã có mặt đông đủ bà con, thanh niên chờ xe chở bêtông tới.
“Vì bêtông tươi, còn dư mà thường phải sau 0g mới biết có hay không nên làm đường lúc 0g tụi mình quen rồi, có khi 2g, 3g, thậm chí là 5g sáng có thì cũng bật dậy đi làm đường” - Tuấn Anh cho biết. Đó là những mẻ bêtông dư từ các công trình của Công ty ximăng Holcim. Họ cho cả xe chở tới, Đoàn phường chỉ gửi chút tiền cho tài xế uống nước.
“Người ta dừng công trình lúc nào, có dư bêtông thì gọi báo cho biết lúc đó. Tùy vào khối lượng bêtông sẵn có để huy động quân số tham gia”, Tuấn Anh nói. Việc này cũng không mới, Đoàn phường đã làm từ mấy năm nay. Trong danh bạ của Nguyễn Tuấn Anh có hẳn một danh sách... đội quân làm đường của phường.
Góc nhìn mới cho Đoàn
Từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về nhận nhiệm vụ bí thư Đoàn phường, Nguyễn Tuấn Anh nghĩ ngay đến bêtông hóa các tuyến hẻm. “Người ta thường nghĩ Đoàn chắc chỉ làm phong trào, đàn ca múa hát gì thôi nên mình muốn phải có các công trình cụ thể, mà làm hẻm cho dân chính là cách trả lời tốt nhất về những việc làm thiết thực” - Tuấn Anh bày tỏ.
Vậy chứ cũng phải đến con hẻm thứ ba hoàn thành, bà con mới tin là “mấy đứa đoàn viên có thể làm được, ra hình ra dáng mấy con hẻm ngon lành như ai”. Nhưng công đoạn vận động bà con hiến đất, góp công và cả kinh phí mới nhiêu khê. Bí thư chi đoàn khu phố 2 Ngô Thị Ngọc Thảo kể: để ra được con hẻm 75 phải mất tới 12 cuộc họp lấy ý kiến, chưa kể tỉ tê to nhỏ phân tích thiệt hơn với từng nhà dân khi con hẻm hoàn thành.
Ấy là con hẻm dài 115m, đoạn nhỏ rộng 5m, đoạn lớn tới gần 7m mà để làm được phải tính tiền trăm triệu. Bêtông xin được nhưng còn san lấp mặt bằng, đặt cống thoát nước, làm kè hai bên đâu có đơn giản. Nhờ đánh liều mà Tuấn Anh vận động được chủ một tiệm karaoke trên tuyến hẻm đi qua ủng hộ 70 triệu đồng, số tiền còn lại chia đều để các hộ dân hai bên cùng đóng góp. Và chỉ còn chín ngày đến tết Giáp Ngọ, con hẻm được hoàn thành trong niềm vui đón năm mới của bà con.
Bà Hoàng Thị Hải Thanh (khu phố 3) tấm tắc: “Chiều chiều bước ra trước cổng ngắm mấy cháu nhỏ đi học về, đạp xe vui đùa lòng tôi hạnh phúc vô cùng. Trước đây hẻm lầy lội, bùn sình ghê lắm”. Bà Thanh nói công lớn trước hết thuộc về Đoàn phường, của các bạn trẻ vì các bạn nhiệt tình, tâm huyết lắm, người dân chỉ góp thêm một tay.
Phó ban điều hành khu phố 2 Nguyễn Thị Hoàng tâm sự: “Lúc con hẻm hoàn thành thấy đường sá sạch đẹp, đi lại thuận tiện ai cũng phấn khởi. Mọi người còn hùn nhau góp tiền lắp đèn chiếu sáng, mé bớt nhánh cây xòa ra đường để đảm bảo an ninh chung”.
Tình làng nghĩa xóm chan hòa Anh Nguyễn Tuấn Anh cho biết nhiều con hẻm đã được lên kế hoạch thực hiện và ưu tiên làm trước những hẻm hay bị ngập. Để các chi đoàn chủ động hơn, Đoàn phường cho các bạn tự khảo sát và đăng ký chọn bất kỳ tuyến hẻm nào làm công trình thanh niên của chi đoàn, song song với những con hẻm có quy mô lớn hơn do Đoàn phường đứng ra làm. Bà Hoàng Thị Hải Thanh cho biết từ ngày có con hẻm mới, bà con xóm giềng xích lại gần nhau, sống chan hòa hơn. “Hồi trước mạnh nhà nào nhà nấy xả nước thải ra con hẻm chung bây giờ thì hết rồi, không ai còn nặng nhẹ vì chuyện nhà này nhà kia không giữ vệ sinh chung nữa” - bà cười tươi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận