05/06/2018 10:42 GMT+7

Xét xử phó đồn trưởng biên phòng 'đạo diễn' phá rừng pơmu

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Sáng 5-6, Tòa án quân sự Khu vực I, Quân Khu 5 (tại Đà Nẵng) đã đưa ra xét xử vụ án phá rừng pơmu ở Quảng Nam, bị cáo gồm Lê Xuân Chính - nguyên đại úy, phó trưởng đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang cùng 20 đồng phạm khác.

Xét xử phó đồn trưởng biên phòng đạo diễn phá rừng pơmu - Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên phiên tòa do Tòa án Quân sự Khu vực I, Quân Khu 5 xét xử- Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Dự kiến phiên xét xử lần này sẽ diễn ra trong ba ngày.

Sẽ làm rõ 3 nội dung mới

Bị cáo Lê Xuân Chính - nguyên đồn phó Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang kiêm trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang, huyện Nam Giang, Quảng Nam - cùng 20 đồng phạm bị truy tố tội vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng.

Trước đó vào 1-2018, vụ án này đã được đưa ra xét xử tại Quảng Nam trong vòng 4 ngày. Cáo trạng và lời khai các bị cáo đều thể hiện Lê Xuân Chính là chủ mưu, điều phối toàn bộ vụ phá rừng gây chấn động dư luận tại Quảng Nam.

Xét xử phó đồn trưởng biên phòng đạo diễn phá rừng pơmu - Ảnh 2.

Phiên xét xử liên quan đến 21 bị cáo - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Tuy nhiên Tòa án quân sự Khu vực I, Quân Khu 5 đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì có căn cứ về việc có đồng phạm khác trong vụ án này. Cụ thể Hội đồng xét xử yêu cầu Viện kiểm sát quân sự khu vực 2 Bộ đội biên phòng điều tra bổ sung 3 vấn đề sau:

Thứ nhất, làm rõ vai trò của Nguyễn Văn Thuận (người làm công cho xưởng gỗ của Tiêu Hồng Tư tại huyện Đắc Chưng, Lào) trong vụ án này.

Thứ hai, tại phiên tòa Nguyễn Văn Quang khai trong biên bản đối chất ngày 18-7-2017, bị cáo Quang khai là khu vực có gỗ pơmu nằm ở biên giới Việt - Lào, nhưng điều tra viên bảo bị cáo khai lại là khu vực có gỗ pơmu nằm sâu trên đất Lào để nhẹ tội cho bị cáo Chính. 

Thứ ba, trong biên bản làm việc giữa Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam và bộ đội biên phòng tỉnh Sê Kông (Lào) xác định số gỗ pơmu bị chặt hạ trên lãnh thổ Việt Nam là 35 cây, có sự mâu thuẫn với biên bản khám nghiệm hiện trường của cơ quan chức năng ngày 28-7-2016 (xác định có 41 cây) nên cần khám nghiệm, xác định lại cho chính xác.

Xét xử phó đồn trưởng biên phòng đạo diễn phá rừng pơmu - Ảnh 3.

Vật chứng vụ án phá rừng pơ mu được trưng ra tại tòa- Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Đại úy biên phòng "đạo diễn" phá rừng

Xét xử phó đồn trưởng biên phòng đạo diễn phá rừng pơmu - Ảnh 4.

Bị cáo Lê Xuân Chính (hàng đầu, bên phải) tại phiên xét xử sáng 5-6 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát quận sự khu vực 2 Bộ đội biên phòng, Lê Xuân Chính có quan hệ thân thiết với Tiêu Hồng Tư, 49 tuổi, giám đốc Công ty cổ phần Minh Hà, trụ sở tại TP Đà Nẵng, thường xuyên vận chuyện gỗ qua lại cửa khẩu Nam Giang.

Chính biết Tư cần người tìm nguồn gỗ để khai thác và biết Nguyễn Văn Quang (31 tuổi, trú huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) có khả năng tìm gỗ trong rừng nên cuối tháng 3-2016, Chính dùng ô tô của mình chở Quang sang xưởng gỗ của Tiêu Văn Tư ở huyện Đắc Chưng, Lào.

Tại đây, Chính giới thiệu Quang để Tư trao đổi việc tìm nguồn gỗ pơmu (nhóm 2 quý hiếm) để khai thác cho Chính và Tư. Mục đích của Chính khai thác gỗ là để dùng hoặc sau này có ai cần thì cung cấp.

Đầu tháng 5-2016, Quang rủ thêm người đi bộ theo đường công vụ biên phòng, hướng từ cột mốc 717 về hướng cột mốc 716 vào rừng quan sát thì phát hiện khu vực có gỗ pơmu

Tại đây Quang dùng điện thoại chụp ảnh, quay phim về khu rừng này, báo cho Chính biết đã tìm được khu vực có gỗ pơmu.

Sau khi xem hình ảnh trên điện thoại, đầu tháng 6-2016, Chính rủ Tư từ Đà Nẵng lên cửa khẩu gặp Quang để cả hai bên thống nhất trao đổi quy cách chặt gỗ và giá công khai thác gỗ.

Xét xử phó đồn trưởng biên phòng đạo diễn phá rừng pơmu - Ảnh 5.

Rừng pơ mu, thuộc nhóm gỗ quý bị phá trong vụ án- Ảnh: LÊ TRUNG

Theo đó, gỗ phải xẻ dài 2m, rộng 30cm và nói Quang mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền để làm chi phí khai thác gỗ và sau đó được Tư chuyển cho 100 triệu đồng. Sau đó Quang gọi Nguyễn Văn Thắng (34 tuổi, trú huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) nhờ gọi thêm người vào khai thác gỗ và vận chuyển ra ngoài.

Hậu quả là rừng phòng hộ Nam Sông Bung ở Tiểu khu 351 xã La Dêê, huyện Nam Giang bị các bị can chặt hạ, cưa xẻ gồm 41 gốc cây gỗ pơmu.

 Tổng cộng giá trị thiệt hại được xác định là hơn 3,2 tỉ đồng. Tổng khối lượng gỗ pơmu bị các bị can khai thác trái phép là hơn 53m3.

Khởi tố vụ phá rừng phòng hộ sông Kôn Khởi tố vụ phá rừng phòng hộ sông Kôn

TTO - Hạt kiểm lâm Sông Kôn ngày 15-5 đã khởi tố vụ án phá rừng phòng hộ sông Kôn, ở Đông Giang, Quảng Nam, bàn giao hồ sơ cho Công an huyện Đông Giang.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên