21/08/2004 15:43 GMT+7

Xem Thập diện mai phục của Trương Nghệ Mưu

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TTCN - Sau Anh hùng, đạo diễn Trương Nghệ Mưu làm tiếp bộ phim mới Thập diện mai phục (tựa tiếng Anh: House of flying daggers) vừa ra mắt. Với bộ phim kiếm hiệp thứ hai của mình, họ Trương vẫn tiếp tục khẳng định sức mạnh ở những cảnh quay tuyệt đẹp.

qv1dnrbd.jpgPhóng to
Chương Tử Di trong vai Mei

Trước đây Anh hùng từng được ví là bữa tiệc về hình ảnh thì Thập diện mai phục còn hơn thế: một đại tiệc thịnh soạn no mắt.

Chuyện phim diễn ra vào năm 859 sau Công nguyên, đất nước Trung Hoa lúc đó nổi lên một tổ chức tên là Phi Đao Môn tương tự như Lương Sơn Bạc, cướp của người giàu chia cho người nghèo, chống lại triều đình bệ rạc suy tàn. Họ cài được kiếm khách Leo (Lưu Đức Hòa đóng) làm nội gián trong hàng ngũ binh lính triều đình ở địa phương, giữ chức đội trưởng.

Cùng là đội trưởng như Leo là Jin (diễn viên Nhật Bản Takeshi Kaneshiro đóng). Anh này theo kế hoạch Leo vạch ra, giả làm một kiếm khách quả cảm tên Phong, cứu thoát vũ nữ mù Mei (vốn là thành viên Phi Đao Môn) trốn khỏi nhà tù chỉ nhằm mục đích khai thác thông tin từ Mei về tổ chức Phi Đao Môn.

Thế rồi trong quá trình đi theo cô vũ nữ mù xinh đẹp, Phong đã phải lòng nàng. Từ chỗ đóng kịch, dần dần anh đã xả thân đổ máu thật sự để bảo vệ Mei trước sự truy sát của lính triều đình. Song khi đến Phi Đao Môn, Phong vẫn bị tổ chức này bắt vì mục đích “đóng kịch” ban đầu. Đau hơn nữa là Mei không bị mù như anh lầm tưởng, còn Leo nay đã hiện nguyên hình là người của Phi Đao Môn và còn là người yêu Mei từ ba năm qua!

Mất cả chì lẫn chài, Phong uất hận Mei nhưng lại bất ngờ được cô tha mạng. Và giữa Leo và Phong, Mei đã quyết định chọn yêu Phong trọn vẹn, bất chấp cả luật sắt của Phi Đao Môn. Điều đó làm cho Leo căm tức và mù quáng giết Mei. Chuyện tình tay ba này khép lại bộ phim, khi Leo và Phong lao vào nhau trong trận chiến sinh tử. Còn Mei khi chấp nhận hi sinh vì Phong đã thể hiện rõ trái tim cô thuộc về ai.

Có quá nhiều phân cảnh mà màu sắc được nâng niu hết mực trong Thập diện mai phục. Cảnh Mei múa lụa gõ trống trong tửu điếm tổng hợp vô vàn sắc màu gấm vóc và họa tiết hoa văn Trung Hoa. Cảnh Phong và Mei chạy trốn từ rừng thu vàng rực đến rừng tre xanh ngát. Cuộc chiến đấu giữa họ với quân lính triều đình trong rừng tre pha trộn hai yếu tố đối nghịch lãng mạn và khốc liệt, tạo sức hấp dẫn hơn cả pha đấu kiếm giữa Lý Mộ Bạch và nữ hiệp Kiều Long ở bối cảnh tương tự (phim Ngọa hổ tàng long - 2001).

JEcmq472.jpgPhóng to
Cảnh trong Thập diện mai phục
Còn trận chiến giữa hai kẻ đối thủ trong tình yêu Leo và Phong thì lại kéo dài từ sắc màu mùa thu sang sắc màu mùa đông. Thủ pháp của nhà làm phim là “dứt điểm” bằng màu trắng ngập tràn khuôn hình, máu người đổ xuống đỏ thắm giữa mưa tuyết rơi ào ạt, tăng sự bi tráng lẫn bi thương.

Thập diện mai phục phá kỷ lục doanh thu vé bán khi công chiếu tại Trung Quốc cuối tháng bảy và rất hút khách khi chiếu tại các nước châu Á khác như Nhật Bản, Thái Lan… từ giữa tháng 8-2004.

Chương Tử Di với vai Mei trong Thập diện mai phục đã thật sự đĩnh đạc và có đất diễn rộng nhất so với các vai đã qua của cô trong Ngọa hổ tàng long hay Anh hùng vốn còn chịu nép trước bóng dáng các đàn chị như Dương Tử Quỳnh hay Trương Mạn Ngọc. Cái khó của Tử Di là phải lột tả sao cho người xem cảm thấy chấp nhận (một cách ổn thỏa) được tâm trạng của một thiếu nữ dám “từ bỏ mối tình ba năm để đổi lấy mối tình ba ngày” (lời thoại của nhân vật Leo trong phim).

Vì sao có sự thay đổi đó? Vì con tim có những bí mật sâu kín riêng hay vì trong mỗi con người chúng ta, một tình yêu thật sự mới là đích đến? Và một thông điệp khác nữa, khi Leo rơi nước mắt thất thểu bước đi với dáng của kẻ bại trận trong cuộc tình tay ba này, anh ta hẳn mới hiểu lời giải thích của Mei vì sao cô lên ngựa đi theo Phong: “Em muốn được tự do như làn gió trên cao”. Mei muốn tự do để không phải đáp lại tình yêu của Leo một cách gượng ép, không thật với nhịp đập trái tim mình. Muốn tự do để không phải hành động trái lương tâm mình, thoát ra khỏi những lề luật khắc nghiệt (phải kết liễu người mình yêu).

So với thời gắn bó với nữ diễn viên Củng Lợi để tạo nên những bộ phim tâm lý xã hội có chất lượng nghệ thuật cao (Đèn lồng đỏ treo cao), với nhân tố mới Chương Tử Di - một “Củng Lợi 2”, Trương Nghệ Mưu chuyển sang thời kỳ làm phim nghệ thuật pha thương mại, nội dung không quá sâu sắc song cũng không tầm thường, hướng đến đông đảo tầng lớp khán giả có thể dễ dàng tiếp nhận. Sở trường họ Trương (các khuôn hình đẹp) thì vẫn ngày càng đẹp hơn nhờ sự tiếp tay đậm đà của kỹ xảo hiện đại.

Xem Thập diện mai phục hẳn mỗi khán giả sẽ có cách lý giải khác nhau về quan điểm làm phim của Trương Nghệ Mưu hôm nay: ông đang tiến hay đang lùi trên bước đường nghệ thuật?

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên