16/12/2024 06:38 GMT+7

Xem Đất thép ở Củ Chi trong không gian như đang ngồi trong lòng địa đạo

Tối 15-12, chương trình sân khấu trải nghiệm lịch sử truyền thống mang tên Đất thép của tác giả, đạo diễn Lê Quý Dương ra mắt.

Đất thép kể câu chuyện đầy cảm xúc về vùng đất Thành đồng Củ Chi - Ảnh 3.

Nhân vật má Tám Rành trong chương trình Đất thép - Ảnh: LINH ĐOAN

Sau đó Đất thép sẽ diễn suất đầu tiên ngày 22-12, biểu diễn định kỳ vào lúc 19h thứ bảy, chủ nhật hằng tuần tại sân khấu Nhà truyền thống huyện Củ Chi.

Đất thép - Địa đạo an toàn nhất là lòng dân

Đất thép có thời lượng khoảng 75 phút, dùng hình thức kể chuyện kết hợp biểu diễn và lời tự sự của linh hồn một người lính Mỹ đã tử trận trên chiến trường Củ Chi.

Chương trình được dẫn dắt xuyên suốt với hình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rành và cuộc sống, chiến đấu của quân, dân Củ Chi qua suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ kéo dài 30 năm.

Má Tám Rành có 10 người con, cả 8 người con trai và 2 cháu của má đều đã hy sinh anh dũng trên chiến trường Củ Chi.

Cuộc đời của má chính là cuộc đời tiêu biểu của biết bao bà mẹ, biết bao gia đình đã đổ xương máu để đất thép hôm nay được nở hoa.

Sân khấu của chương trình được cải tạo từ một phòng trưng bày hiện vật của Nhà truyền thống huyện Củ Chi, có diện tích 8m x 16m.

Toàn bộ mặt sàn sân khấu được nâng cao tạo nên một hệ thống địa đạo ngầm bên dưới. Với diện tích nhỏ hẹp nhưng thiết kế sân khấu đã được xử lý gợi nhiều cảm xúc với ngôi nhà của má Tám Rành.

Chiều dài sân khấu tạo ra từng khoảng không gian tái hiện hình ảnh địa đạo độc đáo. Khán giả và diễn viên, sân khấu gần như không có khoảng cách.

Đất thép kể câu chuyện đầy cảm xúc về vùng đất Thành đồng Củ Chi - Ảnh 1.

Đất thép gây xúc động khi tái hiện lại cuộc chiến đấu trường kỳ 30 năm trời của dân và quân đất Củ Chi - Ảnh: LINH ĐOAN

Mỗi buổi diễn có sức chứa khoảng từ 80-100 ghế. Người xem được ngồi xem trong không gian như đang ngồi trong lòng địa đạo.

Vì vậy cảm giác rất chân thật. Người ta cảm nhận từng cơn địa chấn với những trận pháo đạn ác liệt, nghe được từng bước chân trần rầm rập luồn lách qua các hầm trong lòng địa đạo.

Nghe rõ cả hơi thở của từng nhân vật và cảm xúc dâng trào khi qua mỗi phút giây những anh linh từ vùng đất thép cứ thế sống dậy kể cho người hôm nay về những khoảnh khắc thiêng liêng khi những con người bình dị đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ quê hương.

Là một chương trình sân khấu lịch sử truyền thống nhưng Đất thép đã khéo léo xây dựng những chi tiết giàu cảm xúc để chạm đến trái tim người xem nên ở nhiều phân đoạn nước mắt của khán giả đã rơi.

Trong đó, điều chương trình muốn nhấn mạnh dường như là thông điệp luôn đúng ở bất cứ thời đại nào: "Địa đạo an toàn nhất là lòng dân".

Chỉ có tạo được niềm tin ở người dân, được dân thương, che chở thì khó khăn, gian khổ nào dân quân chúng ta cũng sẽ vượt qua để chiến thắng quân xâm lược.

Đất thép kể câu chuyện đầy cảm xúc về vùng đất Thành đồng Củ Chi - Ảnh 2.

Hình ảnh nhân vật Bảy Chèn hy sinh trong Đất thép - Ảnh: LINH ĐOAN

Người Củ Chi kể câu chuyện lịch sử về đất Củ Chi

Một điều đặc biệt nữa trong Đất thép là toàn bộ diễn viên tham gia là người hiện tại đang sinh sống tại đất Củ Chi và không chuyên.

Đạo diễn Lê Quý Dương casting từ hơn 100 người dự tuyển để chọn ra 12 diễn viên chính từ nhân viên của Nhà truyền thống huyện Củ Chi cho đến giáo viên, anh tài xế, nông dân, chị bán quán nước…, hướng dẫn họ về diễn xuất liên tục hơn 20 ngày.

Lý do bởi đạo diễn muốn đảm bảo độ chân thật, cảm xúc thật, mộc mạc, khi chuyển giao chương trình lại cho Củ Chi vận hành sẽ không bị phụ thuộc vào nghệ sĩ từ nơi khác đến. Ngay cả bộ phận kỹ thuật cũng được đào tạo cho nhân lực tại Củ Chi.

Đạo diễn Ca Lê Hồng bày tỏ bà xúc động, dù diễn viên không chuyên nhưng thoại nghe dễ chịu và khá rõ: "Diễn viên toàn là người Củ Chi nên các bạn hiểu đất và người Củ Chi hơn ai hết, vì vậy trước hết các bạn đã truyền được cảm xúc một cách mộc mạc, dung dị đến người xem".

Tuy nhiên, bà Hồng mong muốn Đất thép nên thay đổi một chút về phục trang, hóa trang cho một vài nhân vật, đặc biệt nhân vật má Tám Rành. Có thể bổ sung thêm tư liệu chiếu trên màn hình để cung cấp thêm hình ảnh về cuộc chiến đấu đến khán giả.

Ông Tôn Thất Cần, phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, nhận xét Đất thép thành công dù diễn viên không chuyên nhưng nên sắc gọn lại, giảm thời lượng vì hướng tới phục vụ khách du lịch thì không nên dài quá.

Chương trình Đất thép hướng tới phục vụ học sinh, sinh viên, đặc biệt là du khách trong và ngoài nước nên có phụ đề tiếng Anh.

Đất thép kể câu chuyện đầy cảm xúc về vùng đất Thành đồng Củ Chi - Ảnh 7.Khi sân khấu "bắt tay" với du lịch

Sự gắn kết giữa các doanh nghiệp du lịch với hoạt động nghệ thuật biểu diễn mới được thúc đẩy mạnh mẽ khoảng ba tháng nay, nhưng đã tạo nên những thay đổi đáng kể trong hoạt động của cả hai lĩnh vực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên