Phóng to |
Kỳ 1:Cánh buồm xuyên TâyKỳ 2: Cô Ba Định và trái dừa xuyên biển ĐôngKỳ 3: Những khoảnh khắc huyền thoạiKỳ 4: Bữa tiệc TâyKỳ 5: Thinh lặng dưới ngọn sóng
Ký ức ông Tư Cương
“Ông cụ quàng khăn đỏ” Ngoài những kiện “hàng” to cồng kềnh, nặng cả tạ mà ai cũng biết là súng, đạn của miền Bắc chi viện, thi thoảng đội bốc vác lại gặp những chiếc thùng thiếc nhỏ gọn, được hàn kín, niêm phong chì cẩn thận. Bên hông thùng lại có ghi hai chữ “ông cụ”, kèm theo hình ảnh ông già nhà quê quàng chiếc khăn đỏ. Anh em bộ phận kho vì nguyên tắc bảo mật không ai dám hỏi. Bữa kia, một chiến sĩ trẻ mới về không thắng được tính hiếu kỳ, nghịch ngợm dùng lưỡi lê nạy mối hàn để xem thử bên trong “ông cụ” có gì. Vết hàn đứt lộ một khe nhỏ, cậu chiến sĩ xanh mặt khi thấy hình dạng những cọc tiền mới tinh. Sự việc lập tức được báo lên lãnh đạo bến. Sau khi lập biên bản, thùng hàng “ông cụ” được niêm phong lại và giao cho ông Sáu Đồng Minh trực tiếp giữ. Ông Sáu dùng cái túi vải, bỏ chiếc thùng vào, đeo kè kè bên mình suốt gần một tháng cho tới lúc được phép giao cho đơn vị khác. |
Với ông Tư Cương (Lê Văn Kiềm), 73 tuổi, ở xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú, Bến Tre, nguyên đại đội phó “đội xe” bến Thạnh Phong, ký ức về tàu không số là những đêm thắc thỏm trên biển. Mỗi khi có điện báo tàu đến, ông Tư Cương cùng đồng đội lại vội ôm bộ đồ nghề ngư dân lên mấy chiếc “ghe lưới” nhắm cửa sông Cổ Chiên nổ máy. Chạy thẳng chừng chục hải lý, ghe thả trôi, các “ngư dân” vừa thả lưới vừa căng mắt dò tìm tín hiệu xuất hiện của tàu “miền Bắc”, cảnh giới tàu đối phương.
Là dân xứ biển Bình Đại, trước khi tham gia “đội xe”, ông Tư Cương đã có thời gian dài sống bằng nghề đánh bắt hải sản, mỗi chuyến ra khơi mười bữa, nửa tháng là thường. Vậy mà mỗi bận đón tàu chỉ năm ba đêm với ông như dài vô tận. Hành trình đầy sóng gió, bất trắc của những con tàu không số trên biển Đông khiến ông căng thẳng lo những sự cố “phút 89” ở cửa bến này. “Từ xa thấy nó hiện ra, to lù lù như vạt đáy sông Cầu mà mừng rơn trong bụng. Tàu còn là người còn. Còn người là còn vũ khí” - ông Tư Cương nhớ lại.
Đội ghe của ông Tư Cương thoạt đầu có sáu chiếc, sức chở 5-7 tấn/chiếc, ngoài việc đón tàu miền Bắc ở điểm hẹn trên biển, đưa tàu vào bến, kiêm luôn nhiệm vụ trung chuyển vũ khí theo tuyến hành lang biển Tây, từ Cà Mau qua Trà Vinh, Bến Tre rồi lên rừng Sác (Cần Giờ) phục vụ chiến trường miền Đông Nam bộ. Vũ khí về nhiều, đội ghe từ sáu chiếc tăng lên gấp đôi, rồi gấp ba mới chuyển tải hết số vũ khí “tràn ngập các cánh rừng”. “Mỗi chuyến qua Cà Mau nhận hàng về Bến Tre hoặc đưa hàng từ Bến Tre qua rừng Sác mất cả đêm. Vậy mà có tháng chúng tôi đi tới cả 20 chuyến” - ông Tư Cương kể.
Từ sau sự kiện Vũng Rô, hải thuyền đối phương phong tỏa gắt gao các vàm sông từ Khâu Băng, Khém Thuyền qua Eo Lói, Cả Bảy... mỗi chuyến giao nhận, trung chuyển dù chỉ là từ tỉnh này đến tỉnh khác của những người lính như ông Tư Cương cũng đều là những chuyến đi sinh tử. Mỗi khi nhớ lại tiếng nổ long trời lở đất của hàng trăm ký bộc phá trong đêm 16 rạng 17-6-1966, ông Tư Cương cho rằng mình là người may mắn nhất.
Tiếng nổ ngay cửa Cung Hầu đã đưa toàn bộ tám đồng đội trên thuyền số 4 cùng chính ủy kiêm đoàn trưởng 962 (đơn vị quản lý hoạt động vận chuyển vũ khí của các bến tàu không số phía Nam) tan vào lòng biển. Đó là phương án cuối cùng để bảo vệ bí mật của đường dây. Ngay sáng hôm sau, đơn vị tỏa người đi tìm thi thể đồng đội, ngậm ngùi đưa đi an táng ở cồn Lớn, xã Thạnh Phong. Hoạt động bí mật, ra đi cũng lặng thầm, ngôi mộ của chín liệt sĩ của bến Bến Tre lặng lẽ nằm đó cho tới ngày thống nhất.
Kho vô hình
Mấy chục năm rồi ông Sáu Đồng Minh (bí danh của ông Huỳnh Văn Đông) ở xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú vẫn giữ gìn cẩn thận bức ảnh ghi lại cảnh vận chuyển vũ khí từ tàu về kho. Người đàn ông gầy gò đứng bên phải bức ảnh chính là ông. Ngó qua tấm hình, bao nhiêu kỷ niệm của một thời gian khó mà hào hùng chợt ùa về...
“Giữa năm 1962, khi đang là cán bộ giao bưu ở Bưu điện huyện Thạnh Phú, tôi được tổ chức gọi lên, thông báo yêu cầu điều động đi làm nhiệm vụ đặc biệt. Cấp trên hỏi: Phải cách ly hoàn toàn với cha mẹ, vợ con, có chịu được không?, tôi nói: Chết thì thôi, còn sống thì tới giải phóng gặp cũng được. Lại hỏi: Công việc gian khó, nguy hiểm lắm, có chịu được không?, tôi đề nghị: Phân công việc làm nhanh đi, chứ ở không hoài không chịu nổi. Vài tháng sau tôi được giao làm đội phó đại đội kho” - ông Sáu Đồng Minh kể.
Nói vậy nhưng kho thì chưa có sẵn. Ông Sáu Đồng Minh nhảy vô cùng anh em đào đất đắp nền cao hơn mực nước lúc triều cường, làm hầm nổi để giữ hàng, phía trên cắm cây ngụy trang. Các cây dùng để ngụy trang lại phải chèo xuồng đi chặt rải rác cách đó cả chục cây số để rừng không bị khuyết. Thạnh Phong đất thấp, nhiều bùn nhão, để đắp được một cái nền chừng 20m2, cả tiểu đội 10 người làm hì hục gần một tháng.
Lúc hàng về nhiều không làm kịp kho kiểu này, đội của ông Minh lại chuyển sang làm giàn giáo cao hơn mặt nước cả thước, quây xung quanh như rạp sân khấu rồi vũ khí cứ thế chất lên trên. Tuy sơ sài nhưng phía trên và xung quanh phải được ngụy trang thật khéo, có bộ phận trực liên tục thay cây xanh, lá dừa nước khi bị héo. Cứ thế, hàng chục tấn vũ khí như tan ra trong rừng, xuồng chèo cách trăm mét cũng không phát hiện.
Và không chỉ ở trong rừng, bến Thạnh Phong còn xây dựng các hầm chứa kiên cố bằng bêtông cốt thép ngay trong các khu dân cư ở Bình Khánh, Bình Thới, Phước Hiệp (huyện Mỏ Cày). “Hầm xây ngay trong nhà dân, mỗi cái ngang 1,6m, dài 2,2m chất đầy vũ khí. Khi có trận càn, pháo kích, dân xuống đó núp và bảo vệ vũ khí cho mình luôn. Táo bạo vậy là vì tuyệt đối tin tưởng ở dân. Đáp lại, hơn 20 kho vũ khí ra vào tuyệt đối an toàn suốt mấy năm trời, không cái nào bị lộ” - ông Sáu Đồng Minh nhớ lại, chưa hết cảm kích về những nghĩa tình ngày ấy.
Cứ như vậy, các kho vũ khí mọc lên từ trong rừng ra tới khu dân cư, có lúc lan tới rất gần đồn bót của đối phương nhưng vẫn đảm bảo được tính “vô hình”. Từ chuyến mở bến đầu tiên đến chuyến kết thúc con đường vận tải trên biển, bến Bến Tre đã tiếp nhận 28 chuyến tàu, bốc dỡ và trung chuyển 1.386 tấn vũ khí.
____________________
Ít ai ngờ dưới tán rừng đước thâm u của bến Cà Mau còn có cả những “đội quân tóc dài”, đã âm thầm gánh vác những phần việc tưởng chỉ dành cho nam giới...
Kỳ tới: Lính nữ của “đường trên biển”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận