![]() |
Chiếc xe đi Đà Lạt này quay đầu đi quay đầu lại đến 2, 3 lần để đón khách - Ảnh: B.Thắng |
Ngày 20-1, Thanh tra sở GTVT TP.HCM đã phối hợp với CSGT, công an các quận, huyện ra quân mở đợt cao điểm tuần tra, xử phạt hoạt động của các xe dù, bến cóc trên địa bàn TP.HCM. Trong đó tập trung vào các địa điểm nằm trên trục quốc lộ 13 (đoạn từ ngã tư Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước) và quốc lộ 1A (đoạn từ cầu vượt Bình Phước đến khu vực cầu vượt trước cổng khu du lịch Suối Tiên).
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, vào ngày 21-1 tại các khu vực này và các nơi khác gần bến xe An Sương, bến xe Miền Đông, khu vực Ngã tư Bình Phước, khu vực Suối Tiên, Ngã Ba 621,..., lượng xe dù vẫn khá đông, đậu ngay trên đường, các con hẻm nhỏ xung quanh và tại các cây xăng... thường xuyên diễn ra các hoạt động tranh giành, lôi kéo khách và trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với những người đón xe về quê ăn tết.
Vẫn còn nhiều vé xe đò đi trong ngày cao điểm tết Ngày 21-1, ông Nguyễn Ngọc Thừa - giám đốc bến xe Miền Đông cho biết, trong mười ngày qua đã bán được hơn 4.300 vé xe tết (xe đò thường và xe buýt tăng cường). Như vậy, vẫn còn 2.700 vé xe cho hành khách đi 16 tuyến từ Bình Định trở ra các tỉnh phía Bắc trong những ngày cao điểm tết. Trường hợp, đến ngày 29-1 (thời điểm cuối cùng bán trước vé tết) lượng khách mua vé vượt kế hoạch 7.000 vé, bến sẽ tiếp tục bán thêm vé cho xe buýt vào tăng cường chở khách. Trong khi đó, các hãng xe đò thương hiệu đã huy động được thêm 300 xe vào chở khách nhưng không còn vé trong ngày cao điểm tết. N.ẨN |
Tại khu vực ngã tư Bình Phước, hướng về phía Bình Dương, khá nhiều xe dù núp bóng tại các cây xăng bên đường để chờ khách. Nhiều xe khác thì chạy qua, chạy lại đảo đảo trên đường, tấp vào lề đón khách. Trong vai một khách đón xe về TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), chúng tôi tìm xe ở khu vực này.
Sau khi hỏi khách đi về đâu, một người đàn ông trạc 40 tuổi nhanh nhẩu lại gần kéo tôi lên xe rồi huyên thuyên giới thiệu: “Xe nhà, chạy đúng giờ, đúng tuyến. Yên tâm, giá rẻ”. Khoảng mười phút sau khi xe chạy, tôi giật mình khi thấy xe chạy lòng vòng rồi vẫn cứ đang ở... ngã tư Bình Phước.
Xe chạy đến ngã ba gần cổng chào của tỉnh Bình Dương rồi lại quay vào Ngã tư Bình Phước như cũ để bắt khách dọc đường. Cứ lòng vòng như vậy đến 5, 6 lần. Không khí trên xe bắt đầu nóng hầm hập, mọi người dáo dác, uể oải, hỏi: “Bao giờ thì xe chạy vậy bác tài?”. Anh lơ xe đáp lại một cách dửng dưng: “Khi nào bắt đủ khách thì chạy, chưa đủ người mà chạy thì lấy gì mà ăn!”.
Đa số khách đã trả tiền xe nên im lặng chờ đợi. Đến hơn 10g trưa, khi xe quay vòng cả chục lần, bắt thêm được năm người khách nữa thì ghế đã đầy kín nhưng chiếc xe vẫn ì ạch rà quanh quẩn Quốc lộ 13. Hai hành khách quá bức xúc đòi trả tiền để đi xe khác thì người đàn ông mặc áo phạch ngực, xăm mình quằn quện, có vẻ là chủ xe, quát: “Muốn đi xe khác thì chỉ trả 50% tiền đã đưa. Không thì cứ ngồi yên đó”. Một khách nữ định cự cãi thì một anh lơ xe xáp lại gần, dứ dứ nắm đấm: “Câm miệng đi nếu không muốn ăn đấm”.
Tôi đồng ý đi về Buôn Ma Thuột với giá thỏa thuận là 80.000 đồng nhưng khi đưa tờ 100.000 đồng thì chỉ được thối lại 10.000 đồng kèm theo câu trả lời của lơ xe: “Bọn cò mồi nó lấy 10.000 đồng rồi. Mày có giỏi thì xuống dưới đất mà đòi đi”. Chị Lê Thị Tám theo xe đi Gia Nghĩa (Đắk Nông) với giá thỏa thuận là 65.000 đồng thì bị thu 80.000 đồng; Anh Trần Văn Minh đi Đắk Min (Đắk Nông) thì bị “chém” lên 100.000 đồng so với giá thỏa thuận ban đầu là 80.000 đồng... Hành khách rất bức xúc nhưng không dám lên tiếng trước ánh mắt đe dọa và dáng vẻ hung tợn của đám lơ xe.
Chạy được hơn chục cây số, chiếc xe 52 chỗ nhưng nhét đến gần 70 người, người này ngồi xếp, đè lên cả người kia nhưng vẫn không ổn. Không khi trên xe ngột ngạt đến ngộp thở. Ba hành khách không chịu đựng nổi đành chấp nhận xuống xe mà không nhận lại được đồng nào. “Xe vẫn chạy được, còn tự ý mấy ông, mấy bà muốn xuống thì nhà xe không phải trả tiền gì cả”, cả đám lơ xe hò hét và đẩy nhúi những người khách xuống đường và tiếp tục mồi chài thêm khách khác...
Tại cây xăng Huệ Thiên 2 (quốc lộ 13, Q.Thủ Đức) lúc 11g30 ngày 21-1 có ba chiếc xe đang chờ rước khách tại đây. Khi thấy chúng tôi tấp xe gắn máy vào, nhiều phụ xe xúm lại “tiếp thị”, khi biết chúng tôi có nhu cầu đi về miền Trung thì một phụ xe xách ba lô của chúng tôi chạy thẳng ra phía sau cây xăng. Tại đây có thêm bảy chiếc xe đang “nằm” chờ khách.
Minh Anh, sinh viên trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết: “Mỗi lần về quê em thường đi xe này (biển kiểm soát 79D-17..., chạy tuyến Sài Gòn - Quảng Ngãi). Nhà xe thường gọi điện cho từng người và hẹn họ đến sớm trước 2-3 giờ đồng hồ. Khi khách đến đông đủ họ mới mở cửa để mọi người cùng lên xe một lần và xe sẽ chạy ngay sau đó ít phút”.
Trong khi đó, dọc quốc lộ 1A đoạn từ cầu vượt Bình Phước tới cầu vượt Linh Xuân, Thủ Đức, xe dù vẫn ngang nhiên đón trả khách dọc đường. Theo sau một chiếc xe dù, chúng tôi thấy chiếc xe này đi lại trên tuyến đường từ cầu vượt Bình Phước tới cầu vượt Linh Xuân không dưới ba lần trong một buổi sáng. Vì các cây xăng không còn chỗ đậu nên chiếc xe này liên lạc với hành khách qua điện thoại, hẹn chờ tại một địa điểm bất kỳ trên đoạn đường này rồi vòng xe lại rước.
Tại khu vực gần Suối Tiên, tình hình xe dù hoạt động càng phức tạp hơn. Đủ các loại xe đi Vũng Tàu, Bình Thuận, xe khách Bắc - Nam... đua nhau đậu lấn ra đường, tranh giành khách, xô xát lẫn nhau. Đang lơ ngơ chọn xe, chúng tôi đã bị một lơ xe của một xe khách mang biển số 53N-74... đi Đà Lạt lôi tuột lên xe. Xe quay đầu bốn lần để đón khách tại khu vực ngã ba 621 - cầu vượt Thủ Đức, dù trên xe, hành khách đã chật cứng, ngồi như “xếp cá mòi”.
Chúng tôi đòi xuống xe thì một tay lơ xe, nạt nộ: “Xe của người ta chứ cái chợ đâu mà mày thích thì lên, không thích thì xuống. Nếu xuống xe thì tụi tao không trả lại tiền đâu”.
Tại các bến cóc gần ngã tư An Sương, chuyện nhà xe thu tiền cao hơn khi thỏa thuận hay khách bị hành hung cũng diễn ra liên tục. Ngày 15 tháng chạp, chị Trần Thị Hoa đón xe trên đường Xuyên Á để về quê ở Thanh Hóa. Đang lóng ngóng, thì một xe khách chạy rà tắp vào chèo kéo chị lên xe.
Chị Hoa thấy giá quá cao nên không chịu lên xe. Người lơ xe liền chụp lấy túi xách của chị Hoa làm đứt quai túi rồi níu chị lên. Chị Hoa không chịu thế là gã lơ xe văng tục vài câu rồi leo lên xe bỏ chạy. Lúc sau, xe này quay đầu lại lần nữa đón khách, thấy chị Hoa vẫn còn đứng đó, người lơ xe nhảy xuống xe, tát vào mặt chị Hoa mấy cái rồi xô chị té ngã rồi lên xe, xe phóng vọt đi mất.
Mức phạt quá nhẹ
Thanh Tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, đơn vị đã kết hợp với các đội cảnh sát giao thông Hàng Xanh, Bình Triệu và lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh Q.Thủ Đức ra quân xử lý các xe dù trên tuyến đường quốc lộ 13, quốc lộ 1A (Thủ Đức), cho biết trong mười ngày qua đã lập biên bản 240 vụ xe không ghi đầy đủ bến đi, bến đến trong số nhật trình, xe đậu đổ rước khách trái quy định. Trong đó có xe dù và cả những xe từ bến xe miền Đông (Q.Bình Thạnh) và bến xe Ngã tư Ga (Q.12) vi phạm. Thanh tra Sở GTVT TP đã tước giấy phép lái xe từ 30 đến 60 ngày của 105 lái xe và phạt 255 triệu đồng với các xe vi phạm.
Tuy nhiên, ông Lê Hồng Việt - phó Thanh tra Sở GTVT, cho rằng việc xử lý xe dù như “bắt cóc bỏ dĩa”. Bởi vì, có mặt lực lượng kiểm tra thì xe dù không dừng rước khách và khi vắng mặt lực lượng kiểm tra thì xe dù tái xuất. Các lực lượng rất khó xử lý xe dù ở các cây xăng nếu không bắt quả tang họ đón khách. Hơn nữa, theo quy định xe chở khách không có giấy tờ mới bị tạm giữ xe, còn các vi phạm khác thì tùy theo mức độ, có mức phạt từ 400.000-800.000 đồng. Và với mức phạt nhẹ thế này thì không thể xử lý triệt để xe dù.
Theo Thanh tra Sở GTVT TP, sở dĩ xe dù hoạt động nhiều trên tuyến quốc lộ 13 đến ngã ba Tân Vạn - quốc lộ 1 A (khu vực giáp ranh TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai) vì ở đây có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất với hàng vạn công nhân nghèo có thói quen đón xe dọc đường. Họ không muốn tốn chi phí đi từ ngược về bến xe miền Đông và bến xe Nga tư Ga.
Nhiều người đi xe dù cho rằng đứng đón xe dọc đường rất thuận lợi vì lên xe đi ngay về các tỉnh nằm dọc theo quốc lộ 1, thay vì vào bến chờ xe đến giờ xuất bến và giá vé xe dù thấp hơn vé xe trong bến. Đổi lại, những người đi xe dù cho biết họ đã quen với cảnh xe chạy vòng vo rước khách và nhồi nhét khách dọc đường.
“Treo đầu dê, bán thịt chó” Dọc tuyến quốc lộ 1A và Quốc lộ 13 có rất nhiều xe dù để biển Sài Gòn - Hà Nội nhưng trên thực tế, các xe này chỉ chạy được 2/3 quãng đường rồi bỏ khách dọc đường hoặc bán khách cho xe khác. Ngày 27. 12, chúng tôi lên xe mang biển số 36M - 81...- nhà xe H, khởi hành từ đường Xuyên Á, gần ngã tư Bình Phước lúc 3g sáng nhưng lơ xe “hãm phanh” đoạn đường này đến ngã ba Dầu Dây để đón khách. Đến đây thì lơ xe mới cho biết xe chỉ dừng ở bến xe Thanh Hóa chứ không phải như biển để chào mời khách đi “Hà Nội”. Người lơ xe tên Thanh đổi giọng rất tài tình khi nào gặp khách đi Thanh Hóa nói giọng Thanh Hóa đặc sệt: “Xe này về đến nhà mình luôn cô, chú ơi.” Lúc khác lại nói giọng Hà Nội ngọt lịm: “Đi Hà Nội bà con ơi!”. Khách muốn xuống xe thì đành mất một số tiền vì đã đi xe một đoạn đường. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà xe chỉ cần sắm một cái biển để phía trước địa điểm muốn đến để lừa những khách không có nhiều kinh nghiệm đi xe. Một số xe để biển đi Đà Lạt nhưng chỉ lên đến Bảo Lộc là bỏ khách. Còn xe khách mang biển kiểm soát 92K-70... chỉ chạy tuyến TP. HCM - Quảng Nam nhưng lại để bảng chào khách về Đà Nẵng. Xe mang biển kiểm soát 53S-52... chỉ đăng ký tuyến đi là TP.HCM - Hà Nội nhưng chào khách là đi đến tận Hải Phòng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận