Xe không biển số, xe không gương chiếu hậu, xe không đèn... vẫn tự nhiên lưu thông trên đường - Ảnh: T.M |
Chỉ 20 phút dạo quanh các cung đường từ Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận) đến Cộng Hòa (Q.Tân Bình), chúng tôi ghi nhận được không dưới 20 xe máy không còn nguyên hình dạng đang lưu thông với những mục đích như chở nước đá, cây cảnh, gas…, thậm chí là kéo thùng chở rác.
Không biển số, không gương chiếu hậu, không đèn, không kèn, không bửng xe hoặc có thì rách đến không nhận ra, đầu xe trơ trọi, không thắng hay đôi khi phải thắng bằng cách… rà chân xuống đường… là đặc điểm nhận dạng của những chiếc “xe cùi" hay còn gọi là "xe mù" này.
Cố gắng chạy theo một chiếc xe biến dạng đến mức khó nhận ra nguyên bản là xe gì (đèn xe không có, biển số xe càng không) nhưng chúng tôi không thể bắt kịp vì người điều khiển xe này chạy cực nhanh, thậm chí vượt đèn đỏ.
Sợ quá… xe cùi nên sang luôn hãng nước đá
Một xe chở nước đá không biển số, cũng chẳng có gương chiếu hậu - Ảnh: T.M |
Phía trước hai điểm bán nước đá tại quận Phú Nhuận, chỗ nào cũng có một “xe cùi” như thế đậu sẵn để vận chuyển đá đi các nơi.
Trao đổi với TTO, chị T., người là chủ một hãng nước đá lớn cho biết trong quá trình vận chuyển, nước đá sẽ “ăn” xe rất nhanh, chỉ khoảng 1 tháng là xe xuống cấp ngay. Vì thế, nhiều chủ hãng không đầu tư mua xe đàng hoàng mà chỉ tận dụng những chiếc xe cùi để tiết kiệm chi phí.
“Nếu sắm xe xịn để làm thì đâu còn gì là lợi nhuận nữa. Vả lại, xe máy vẫn cơ động hơn, nhiều quán xá nằm trong hẻm hóc, chỉ có xe máy là vào được đến tận nơi” - chị T. thành thật nói.
Nỗi ám ảnh của nhiều người
Theo lời chị T., nhiều chủ hãng nước đá sẵn sàng bỏ luôn xe nếu bị công an bắt vì giá trị chiếc xe thật ra chẳng đáng là bao, có khi còn thấp hơn cả số tiền đóng phạt để lấy xe về.
Chị T. mất vài lần đi xử lý tai nạn giao thông do công nhân chở nước đá của mình gây nên. Chị T. tâm sự, vì quá “đau tim” mà chị đã quyết định sang lại hãng nước đá.
“Khách hàng hối quá, nếu giao trễ là người ta chuyển sang lấy đá của mối khác. Thế là công nhân của mình phải chạy nhanh thật nhanh để giao cho kịp.
Mà nói thật, cái xe kiểu vậy chạy nhanh thì không kiểu gì không gây tai nạn. Chưa kể là xe chất nhiều đá quá, lỡ rớt xuống đường cũng nguy hiểm cho người đi đường. Tôi vừa làm mà vừa “đau tim” vì tính mạng con người kề cận quá. Mệt quá nên sang luôn hãng đá”, chị T. kể.
Chất lượng xe không bảo đảm, ý thức của người cầm lái và sự hối thúc của khách hàng là những nguyên nhân chính khiến những chiếc “xe cùi” này trở thành nỗi sợ của nhiều người lưu thông trên đường.
Như Ngọc (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ có hai loại xe bạn luôn tránh khi chạy trên đường, một là xe container và hai là những chiếc “xe cùi”.
“Chiếc xe bé tí nhưng nhiều khi hàng chất đầy, không nhìn thấy người lái đâu. Xe cùi cùi, không đèn không kèn chứ họ chạy nhanh lắm, lạng lách tùm lum, còn không đội mũ bảo hiểm nữa. Thấy thì né trước tốt hơn”, Ngọc nói.
Thấy là né, là tránh cũng là nhìn nhận của TS Phạm Hồng Thái, ĐH Giao thông vận tải Hà Nội về những chiếc xe không hình không dạng này.
“Vì giá trị chiếc xe không còn nhiều nên quan điểm của người điều khiển xe cũng có sự khác biệt nhất định”, ông Thái nhận định.
“Tấp vào lề, cho mấy xe đó đi trước vì mình thấy xe tồi tàn quá rồi, tốc độ chạy lại nhanh mà không biết có thắng lại được không” là ý kiến của Vic Nguyễn (Q.Tân Phú, TP.HCM).
Theo Vic Nguyễn, cả những người điều khiển còn không chú trọng tính mạng của mình bằng việc không đội mũ bảo hiểm, chạy với tốc độ cao, lạng lách… thì làm sao đảm bảo tính mạng cho những người lưu thông xung quanh họ?
“Mình sợ nhất là mấy người chạy “xe cùi” chở gas. Nói xui rủi lỡ chạy nhanh quá mà rớt bình gas xuống đường thì không biết chuyện gì xảy ra” - Vic chia sẻ.
Xe không biển số nhưng người phụ nữ này vẫn tỉnh bơ đội nón lá lưu thông trên đường - Ảnh: T.M |
Vừa thiếu an toàn vừa gây hại môi trường
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải (Hà Nội) nhận định đa phần những chiếc “xe cùi” này không theo một tiêu chuẩn an toàn nào vì đều là kiểu chắp vá, tự chế lại để sử dụng.
Đối tượng sử dụng những loại xe kiểu này đa phần là người nghèo, sử dụng nó như một phương tiện mưu sinh.
“Theo quy định thì xe lưu hành phải có kiểm định chất lượng, còn những chiếc xe kiểu này thì có theo tiêu chuẩn nào đâu mà kiểm định. Thường nhìn thì thấy xe chở quá tải nhưng thật ra chẳng ai kiểm định được quá tải của những loại xe không tiêu chuẩn này là bao nhiêu”- PGS.TS Nguyễn Văn Thụ nói.
Không an toàn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Văn Thụ về những loại xe không hình dạng này.
“Có nhiều người có điều kiện để thay thế nhưng vẫn kiên quyết sử dụng những chiếc xe kiểu rách nát này vì cái lợi trước mắt, không nghĩ đến những nguy hại cho bản thân và cộng đồng”, TS. Phạm Hồng Thái khẳng định.
TS Phạm Hồng Thái cho rằng không chỉ gây nguy hiểm cho người, những chiếc xe không ra xe này còn gây hại đến môi trường.
PGS.TS Nguyễn Văn Thụ và TS. Phạm Hồng Thái đồng tình với quan điểm nên kiên quyết loại bỏ “xe cùi” để giảm mối nguy cho xã hội.
“Theo tôi, nên đưa ra quy định cấm lưu hành những phương tiện như vậy. Nếu không có quy định mang tính chất bắt buộc thì nhiều người nhìn thấy lợi mà bất chất để làm. Khi ý thức kém thì việc tác động về mặt hành chính và cưỡng chế phải đặt lên hàng đầu. Có như vậy mới ngăn chặn được vấn đề này”, TS Phạm Hồng Thái kết luận.
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp cho rằng nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định rất rõ mức phạt đối với những phương tiện không có còi, không đèn soi biển số, biển số không rõ chữ, không đèn báo hãm, gương chiếu hậu hoặc biển số không rõ, không có hệ thống hãm…
“Nếu chúng ta kiên quyết xử lý, thấy phương tiện lưu thông trên đường bao nhiêu lần thì xử lý bấy nhiêu lần, tôi tin rằng những chiếc xe cũ nát, thiếu độ an toàn này sẽ không còn “đất sống"”- LS Huỳnh Phước Hiệp nói.
Xem clip xe máy không biển số vẫn lưu thông trên đường:
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> LS Huỳnh Phước Hiệp
>> TS Phạm Hồng Thái
>> PGS.TS Nguyễn Văn Thụ
>> Chị Vic Nguyễn
20-10: Bắt đầu ra quân kiểm tra, xử lý Trung tá Huỳnh Trung Phong (Công an TP.HCM) cho biết thời gian gần đây tình trạng các loại xe “xe mù, xe mờ” (xe thay đổi kết cấu; tự lắp ráp, kéo theo thùng xe tự chế; biển số mờ, không có biển số, đèn, còi… - PV), hoạt động gây mất trật tự an toàn giao thông và tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông diễn ra khá phổ biến trên địa bàn thành phố. Người điều khiển các loại phương tiện trên thường xuyên chở hàng hóa quá khổ quy định, phóng nhanh vượt ẩu, nẹt pô hoặc tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng, gây bức xúc cho người tham gia giao thông và khó khăn cho công tác điều tra giải quyết các trường hợp tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận