Phóng to |
Những ngày này, sau gần hai tuần khi lệnh "chấn chỉnh" (cấm) loại xe này có hiệu lực (từ 1-1-2008), ở xóm, buôn, hàng quán lớn nhỏ nào tôi đều nghe người ta nói về xe công nông. Ở một con hẻm nhỏ xuyên qua những giàn su su và vườn trồng củ cải, một chiếc xe công nông gắn rơmooc chở đầy củ cải đang thập thò để "bò” ra quốc lộ.
Tôi hỏi: "Sao phải thò thụt vậy, chở rau chứ có phải... hàng lậu?". Anh thanh niên chạy xe tên Nguyễn Văn Trin, trú ở khu 8 Liên Nghĩa (Đức Trọng, Lâm Đồng), than khổ: chỉ khi nào đường vắng bóng cảnh sát giao thông anh mới dám thò chiếc xe này ra, còn không cứ thế nấp bên trong vườn rẫy.
Vừa chạy vừa run
Anh nói để chồm (xe) ra, phải cho người nhà đi thăm dò, cùng lúc "nối" điện thoại di động với bác tài của chiếc xe tải đang chờ "ăn rau" để xem có cảnh sát không.
Cách đấy không xa, K'Lưu, 20 tuổi, người thôn Chơrông, xã Phú Hội (Đức Trọng), đang đánh chiếc xe máy cày gắn phía sau là dàn máy tuốt bắp đi các xã tuốt bắp thuê. "Dù bị bắt tôi cũng phải đi đánh (bắp), vì bà con đang chờ. Tôi hành nghề này đã sáu năm nay rồi". Một người nông dân khác, ông Trần Sĩ Phong, ở thôn Tân Phú, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, chỉ vào chiếc xe cày Nhật mới toanh có gắn chiếc thùng to, lâu nay dùng để chở (có thể đến 2 tấn) cà phê và phân bón đi rẫy: "Hôm qua người ta gọi đi chở cà phê nhưng tôi không dám vì sợ bị tịch thu xe, 80 triệu đồng chứ ít gì!".
Phóng to |
Không ai chỉ cho họ thế nào là xe bị cấm, thế nào là xe công nông, thế nào là xe thuộc phạm vi điều chỉnh, "xe phạm pháp", bởi vì người dân quê gọi tất tần tật đấy là xe công nông, mà văn bản của Chính phủ ghi rất chung chung "cấm xe công nông".
Ngồi trong trụ sở UBND xã Tam Bố, nhìn thấy chiếc xe máy cày mới hiệu Kubota (Nhật) có gắn rơmooc cồng kềnh chạy ngang, tôi bèn hỏi ông chủ tịch UBND xã Tam Bố Nguyễn Bình Định: xe thế có thuộc loại "độ chế", tức bị cấm? Ông ậm ừ: "Ờ thì... nó đúng là loại xe độ chế rồi, thuộc đối tượng bị điều chỉnh!".
Quay lại với... con trâu?
Ở vùng rau Đơn Dương (Đà Lạt), nhiều nông dân nói: "Nếu cấm xe công nông thì không một thứ xe gì có thể len lỏi ra đồng lầy lội, chui vào ngóc ngách núi đồi để chở rau về được, ngoại trừ dùng ngựa thồ từng mớ nhỏ!". Chị Đào Thị Tố Vân ở thôn Hiệp Thành I, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh thách rằng: hãng chế tạo xe nào sản xuất được một thứ xe có thể bỏ bờ vứt bụi, vừa chịu ngập nước đến nửa xe, lội được sình ở mùa mưa, chịu được trơn trượt, lút trong bụi (mùa khô), vừa cày được trên những con đường bé tẹo trắc trở, chênh vênh, khập khênh, nghiêng ngửa, tức là đường không ra đường như trong hệ thống rẫy đồi muôn hình vạn trạng ở miền cao nguyên này? Đó là chưa nói những chiếc xe công nông kia vừa là máy tưới vừa là máy xay, vừa là phương tiện chở phân bón, đi rẫy...
Chị bảo: "Nếu không có nó, tôi phải cuốc bộ mất nửa ngày mới tới rẫy. Rồi không chở được phân vào hẳn nhiên khỏi bón phân, bỏ cho rẫy chết khát, khỏi tưới luôn, hoặc khi thu hoạch cũng khỏi chở nông sản về, hay chờ thương lái thì họ cũng chẳng thể mua làm gì khi không đưa được xe cộ vào...!".
Ở một điểm chuyên độ - đóng xe công nông ở thị trấn Tùng Nghĩa (huyện Đức Trọng), một chủ tiệm tên Võ Minh Thạnh, ở khu Bồng Lai, cho hay: "Mấy ngày rồi nông dân liên tục gọi tôi đến để bán xe, những chiếc xe lâu nay mình đóng. Tôi đã mua được 50 chiếc như thế này (đang xẻ thịt) trong một tuần, và đang xẻ dần ra làm sắt vụn chở về bán cho các nhà máy luyện thép ở Sài Gòn". |
Ở huyện Đơn Dương, anh Nguyễn Anh Tuấn (42 tuổi), thôn Suối Thông A, xã Dạ Ròn, vỗ vào chiếc xe có thùng tải độ chế gắn vào đầu máy xe cày: "Tôi cầm cả đất lẫn nhà ở ngân hàng để sắm chiếc xe này, 60 triệu đồng. Giờ cấm chạy coi như hết đường sống, trở thành "con nợ khó đòi" của ngân hàng rồi".
Còn Lê Văn Cường, 25 tuổi, ở thôn I, xã Đạ Ròn, sau khi đi xuất khẩu lao động ở Malaysia thua lỗ, quay về bố mẹ chia nửa mảnh vườn bán được 70 triệu đồng tậu một chiếc công nông để hành nghề "vợi rau" nuôi cả gia đình năm người, kể: "Trong tuần qua cảnh sát đã điểm mặt hai lần rồi, chắc thêm lần nữa là... bị "xử", mất chiếc cần câu cơm này như chơi!". Vì nợ sau lưng mà nhiều người vẫn chạy, chạy mà phập phồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận