02/08/2007 09:05 GMT+7

Xe cấp cứu của "Hai Lúa"

HÙNG ANH
HÙNG ANH

TT - Mười năm trước, mỗi khi lâm bệnh ngặt nghèo, người dân vùng sâu vùng xa của tỉnh An Giang muốn đến bệnh viện phải trông cậy vào những chiếc tắc ráng hoặc xe lôi cà tàng.

1u8m1XZJ.jpgPhóng to

Chiếc "xe sao" trị giá 460 triệu đồng, niềm tự hào của các bác tài "Hai Lúa" - Ảnh: H.A.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Ông Hai Tiệm (Nguyễn Văn Tiệm) ở ấp Ba Xưa, xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú, An Giang) năm nay đã 80 tuổi. Mỗi khi nghe ai nhắc đến những chiếc xe cấp cứu miễn phí của mấy anh "Hai Lúa" lại vỗ đùi đen đét, hào hứng: "Năm ngoái không nhờ chiếc xe cấp cứu của Sáu Mừng thì tao đâu còn sống tới ngày nay".

Hôm đó ông già mệt nặng, con cháu điện gọi xe cấp cứu. Đường từ trong ấp đến bệnh viện xa mấy chục cây số lại dằn xóc rầm rầm, phải chụp oxy cho ông cụ. Đến nơi, khám xong bác sĩ nói nếu không nhờ đưa đi cấp cứu kịp thời và cái bình oxy trên xe thì ông lão đã... "đoàn tụ với ông bà”.

Hùn tiền mua xe

Thạnh Mỹ Tây là xã đầu tiên của tỉnh An Giang người dân hùn tiền mua xe hơi làm xe cấp cứu, lúc đó là năm 1997. Nhưng ông Tư Hượt nói trước đó gần chục năm xã đã có các đội tắc ráng, xe lôi cấp cứu. Tuy nhiên tắc ráng hay xe lôi cũng không cơ động, đường sá lại xa xôi, "nhiều khi tới bệnh viện thì đã quá muộn, thật đau lòng" - ông Hượt kể.

Nhà ông Sáu Mừng là cái quán giải khát nhỏ nằm ven con đường liên xã Nam Vịnh Tre lở lói mù bụi. Trong góc quán, chiếc xe cấp cứu bảy chỗ đời cũ hiệu Toyota biển số 67L-2455 lấm lem bùn đất.

Ông Mừng đang hì hục với xe, phân bua: "Hồi hôm chuyển bệnh đi Châu Đốc bị bể bạc đạn cửa, giờ phải sửa". Ông Mừng có thâm niên chạy xe cấp cứu miễn phí đã mười năm, sử dụng qua hai xác xe và mỗi ngày chạy 2-3 chuyến chuyển bệnh là chuyện thường.

Năm 1997, khi con lộ Nam Vịnh Tre hình thành, cả xã hùn tiền mua được ba chiếc Daihatsu tải 1,5 tấn làm xe cấp cứu. Tới năm 1997 thì sắm được chiếc Daihatsu bảy chỗ đầu tiên, giá 24 triệu đồng (gần năm cây vàng lúc đó). Năm 2002, khi xe lôi và xe Daihatsu bị cấm chở người thì các mạnh thường quân đóng góp hơn 100 triệu đồng mua thêm ba xe hơi bảy chỗ làm xe cấp cứu cho xã, trang bị thêm mỗi xe một bình oxy chuyên dùng giá 1,5 triệu đồng.

"Ngôi sao" trong làng "xe cấp cứu Hai Lúa" ở Châu Phú giờ đây đang là chiếc xe cứu thương chuyên dùng hiệu Hyundai đời 2006 được nhập từ Hàn Quốc với giá 460 triệu đồng. Ông Võ Văn An (Tư Chưa) - chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện đa khoa Châu Phú, nơi quản lý điều hành chiếc xe "sao" - cho biết: "Hơn 2.000 người hảo tâm trong huyện đã góp đủ số tiền mua xe, người đóng góp nhiều nhất là 60 triệu đồng". Anh Nguyễn Văn Nhiên, tài xế chính của "xe sao", khoe: "Xe tôi bây giờ là xe cứu thương xịn nhất tỉnh, mỗi tháng vận chuyển hơn 150 chuyến miễn phí, gần thì Long Xuyên, Cần Thơ; xa thì TP.HCM, Biên Hòa... Mỗi tháng chiếc xe chạy tính ra khoảng 100 triệu đồng, đều chạy không cho bà con hết".

Ngọn lửa nhân ái lan tỏa

Người trước giúp lại người sau

Những đội xe cứu thương và chuyển bệnh miễn phí của Châu Phú qui định rõ: bệnh nhân không tốn tiền xe cấp cứu, chuyển viện. Sau khi lành bệnh trở về nếu có lòng hảo tâm thì đến đóng góp tại các cơ sở từ thiện giúp mua xăng dầu, tu sửa xe cộ để cứu người khác, ai không có điều kiện đóng góp cũng không sao.

Ông Sáu Mừng kể: "Ban đầu tôi và nhiều anh em nghe nói cứu người thì nhào ra giúp chớ đâu có bằng lái xe, cứ nghĩ lái xe hơi cũng như máy cày, vậy là chạy". Nhưng chỉ sau vài chuyến, những chiếc xe cứu thương bị cảnh sát giao thông (CSGT) hốt, giam xe, phạt tiền. Thế là các mạnh thường quân lại hùn tiền cho những anh nông dân đi học, thi lấy bằng lái hẳn hoi.

Nhưng có bằng lái rồi cũng chưa hết khổ: chạy xe cứu người mà sợ CSGT như sợ cọp, bởi CSGT hễ thấy xe bật đèn, còi ưu tiên là...thổi vì sai qui định. Thậm chí năm 2006 tài xế Lê Văn Mỹ ở ấp Mỹ Bình còn bị CSGT tịch thu đèn, còi ưu tiên, giam xe và bấm lỗ bằng lái xe.

"Không bật đèn, còi thì không xe nào nhường đường trong khi cứu bệnh như cứu hỏa. Bây giờ mấy anh cảnh sát đã tin tụi tui chuyển bệnh làm phước nên thường cho qua. Chỉ có lượt về thì phải bình đẳng như các xe khác" - ông Mừng cười cười, nói.

Những người lái "xe cấp cứu nông dân" như ông Mừng, anh Nhiên cho biết tất cả tài xế đều không ăn lương, mỗi chuyến vận chuyển chỉ được cấp xăng, tiền ăn uống dọc đường và nghiêm cấm lấy tiền của bất kỳ bệnh nhân nào. "Tụi tôi nguyện làm từ thiện nên không nề hà, thấy người bệnh đến kịp bệnh viện, qua cơn nguy hiểm là yên trong bụng" - ông Mừng tâm sự.

"Bây giờ toàn huyện có 13 xe cấp cứu do dân góp tiền mua, trong đó xã Thạnh Mỹ Tây có bốn chiếc. Hiện nay người dân xã Mỹ Đức cũng đang quyên góp tiền để sắm một chiếc làm xe cấp cứu trong xã” - ông Nguyễn Ngọc Bờ, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Châu Phú, cho biết. Ông Bờ nói nhờ có phong trào hùn tiền sắm xe cấp cứu miễn phí mà nhiều năm nay ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh An Giang nhiều bệnh nhân được kịp thời đưa đến bệnh viện; mỗi năm có hàng ngàn lượt người bệnh được phục vụ miễn phí.

Chuyện "Hai Lúa" mua xe hơi làm cấp cứu không còn dừng lại trong phạm vi huyện Châu Phú mà đã lan tỏa ra các huyện khác trong tỉnh An Giang, trở thành một phong trào đầy tình nhân ái.

HÙNG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên