Anh Vương Lai Thuận kể lại câu chuyện bị tai nạn khi đi xe buýt - Ảnh: M.Trường |
Vào một ngày đầu tháng 5-2015, tôi đi xe buýt tuyến số 45 (bến xe Q.8 - bến xe Miền Đông, TP.HCM), hướng từ bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh) đến Bến Thành (Q.1). Đến trạm dừng trên đường Hàm Nghi (Q.1), tôi thông báo với tài xế để xin xuống trạm.
Là hành khách khuyết tật, ngồi ở hàng ghế ưu tiên phía trước xe buýt nên tôi đã đề nghị tài xế mở cửa trước để tôi xuống cho tiện vì chủ trương của TP là tạo mọi điều kiện thuận tiện nhất cho hành khách là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, thương binh và người khuyết tật... (quy định chung là hành khách xuống cửa sau, lên cửa trước - PV). Thế nhưng tài xế không chịu mở cửa trước mà chỉ mở cửa sau buộc tôi phải đi xuống bằng cửa đó.
Từ chỗ tôi đang ngồi, nếu xuống cửa trước chỉ vài bước chân là tới cửa và dễ dàng bước xuống đường. Tuy nhiên, tài xế vẫn một mực bắt tôi xuống bằng cửa sau trong khi cửa trước không có hành khách nào lên. Tôi chống nạng ra cửa phía sau xe. Đi lại trên xe với người bình thường đã khó huống gì tôi bị liệt hai chân phải chống nạng nên rất bất tiện, khó khăn.
Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Khi tôi vừa bước được một chân xuống đường, chân còn lại đang trên xe buýt thì tài xế đã cho xe chạy đi làm tôi bị ngã ra đường. Mọi người xung quanh xúm lại đỡ tôi dậy, quan tâm hỏi han trong khi chiếc xe buýt phóng đi mất hút. Chân tôi bị trầy xước, vết thương lại ở chân bị liệt (ít dưỡng chất để nuôi lành vết thương) nên sau đó tôi phải đi bệnh viện điều trị một thời gian dài mới lành vết thương. Mãi tới bây giờ, tôi vẫn suy nghĩ rằng hôm đó nếu tôi không có một chút may mắn thì có lẽ sẽ bị thương nặng hơn.
Ngay sau khi bị tai nạn, tôi gọi điện phản ảnh sự việc với Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP, đồng thời gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng khác của TP. Điều khiến tôi bức xúc sau vụ tai nạn là cách giải quyết của tài xế và đơn vị quản lý tuyến xe buýt nói trên - Công ty TNHH một thành viên xe khách Sài Gòn.
Ban đầu, khi chưa trích xuất hình ảnh từ camera thì họ không thừa nhận sự việc, thậm chí tài xế điều khiển chiếc xe buýt khiến tôi bị tai nạn còn nói tôi vu khống. Tài xế này nói do không biết tôi là người khuyết tật, trong khi đó tôi phải dùng nạng hỗ trợ và ngồi ngay hàng ghế đầu, gần tài xế. Chỉ đến khi cơ quan quản lý vào cuộc xem lại hình ảnh từ camera và có sự chỉ đạo của lãnh đạo TP, phía công ty quản lý chiếc xe buýt nói trên mới chính thức xin lỗi tôi.
Tôi là một người thường xuyên đi lại bằng xe buýt. Những vấn đề bất cập, những hình ảnh xấu của xe buýt tôi đều phản ảnh với các cơ quan quản lý.
Tôi rất vui vì lãnh đạo TP đã tiếp nhận và phản hồi các ý kiến của tôi một cách nhanh chóng. Điển hình như vụ miễn vé xe buýt cho người khuyết tật, rồi đến việc phát hiện vé xe buýt giả tôi đều phản ảnh với lãnh đạo TP và được phản hồi rất tích cực. Ngoài việc phản ảnh những tiêu cực của xe buýt, tôi đã từng đề xuất cho một số tài xế xe buýt nhiệt tình giúp đỡ người khuyết tật nhận giải thưởng tấm gương “Người tốt việc tốt” trong lĩnh vực xe buýt.
Rất mong qua sự việc này, lãnh đạo TP vào cuộc quyết liệt hơn để chấn chỉnh, siết chặt lại hoạt động của xe buýt, nhất là cần quan tâm hơn nữa đối với những hành khách khuyết tật.
Nhân đây, tôi cũng xin đề xuất gắn trên tất cả xe buýt hệ thống camera giám sát để hỗ trợ việc quản lý tài xế, tiếp viên xe buýt nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và công tâm hơn trong việc xử lý những tình huống tương tự như tôi gặp phải.
UBND TP.HCM chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh Liên quan đến vụ tai nạn của ông Thuận, mới đây Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã giao Sở Giao thông vận tải TP kiểm tra, chấn chỉnh. Trước đó, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM (trung tâm) đã có buổi làm việc với các bên liên quan. Theo trung tâm, qua trao đổi với các bên và kiểm tra camera trên xe đã xác định được lái xe không mở cửa trước cho hành khách xuống xe trong khi hành khách là người khuyết tật phải sử dụng nạng để hỗ trợ di chuyển. Ý kiến của lái xe không nhìn thấy và không biết hành khách là người khuyết tật là không thỏa đáng vì hành khách ngồi ngay vị trí ghế đầu cửa trên. Qua xem xét, trung tâm đã xử phạt trường hợp này vì vi phạm lỗi không “sắp xếp, tạo điều kiện cho hành khách là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, thương binh và người khuyết tật lên, xuống xe thuận tiện và an toàn”. Phía Công ty TNHH một thành viên xe khách Sài Gòn cũng đã chính thức xin lỗi hành khách Vương Lai Thuận và hỗ trợ 900.000 đồng tiền thuốc cho hành khách. |
* Theo bạn, xe buýt tại các địa phương ở Việt Nam nên khắc phục những điều gì để phục vụ hành khách tốt hơn? Bạn ấn tượng điều gì trong những lần đi xe buýt và muốn chia sẻ cùng mọi người. Hãy chia sẻ cùng TTO qua địa chỉ tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận