23/04/2019 09:25 GMT+7

Xây trái phép rộ lên ở làng đại học 'treo'

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Cơn sốt đất ở miền Trung thời gian qua đã làm gia tăng tình trạng xây nhà trái phép tại khu vực quy hoạch làng ĐH Đà Nẵng ở phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam).

Xây trái phép rộ lên ở làng đại học treo - Ảnh 1.

Nhà xây trái phép trên đất quy hoạch làng đại học Đà Nẵng - Ảnh: TR.TRUNG

Suốt hơn 20 năm bị quy hoạch "treo", làng ĐH Đà Nẵng có khoảng 400 ngôi nhà xây dựng trái phép. Thời gian gần đây, người dân kết hợp sửa chữa các ngôi nhà này cũng như tăng cường xây nhà trái phép để mua bán sang tay vì giá đất lên cao.

Quây tôn bên ngoài, gấp rút xây bên trong

Dự án làng ĐH Đà Nẵng ở vùng giáp ranh của P.Hòa Quý (Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) và P.Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) được công bố quy hoạch năm 1997. Từ khi bị quy hoạch "treo", điện, nước, đường sá trong khu vực này không được đầu tư nữa.

Theo quy định, trong khu vực không được xây mới nhà cửa, không được tách thửa đổi sổ đỏ...

Khi đi sâu vào các ngôi làng bên trong khu vực này, không khó để nhận ra những ngôi nhà vừa được xây mới. Trong vai khách tìm mua nhà, chúng tôi gặp bà V.H. - một người gốc Nam Định, sống trong ngôi nhà không giấy tờ ở khối phố Câu Hà được 10 năm nay. Bà H. dẫn chúng tôi đến khu đất có diện tích hơn 130m2 rồi hô giá 450 triệu đồng.

"Cái này giống nhà tôi, đất người ta khai hoang không giấy tờ chi. Tôi mua cùng lúc với nhà đang ở, nếu chú mua thì hai bên ký vào rồi đến nhờ ông bán đất cho tôi ký làm chứng. Bỏ thêm 160 triệu tôi làm cho cái "chuồng cu" và ở cho có" - bà H. gợi ý.

Sát vách nhà bà H. là một khu vực được quây tôn kín cao hơn 3m. Bà H. cho biết tháng trước có người mua miếng đất này và hiện nay người ta đang xây dựng nhà trong đó. "Việc quây tôn là để che mắt các cơ quan chức năng, còn việc xây dựng chỉ làm vào ban đêm" - bà H. cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ khu vực này đều là đất khai hoang của người địa phương. Chưa một ai được cấp sổ đỏ hay chứng nhận bằng giấy tờ hợp pháp.

Trước đây đất này là nơi canh tác, được người dân địa phương bán lại cho những người từ nơi khác đến với những tờ giấy viết tay không qua công chứng. Thực tế cho thấy ngoài những ngôi nhà đã được hoàn thành, khu vực này có hơn 20 ngôi nhà đang được sửa chữa hoặc xây mới.

Việc xây dựng diễn ra lén lút dưới sự che chắn của những bụi tre, vườn chuối trong các hẻm sâu. Ở khu vực dễ nhận thấy thì người dân sử dụng tôn để che chắn rồi đổ cát, gạch xây phía trong.

Ông L.B., một người dân địa phương, cho biết: "Do ở đây gần trung tâm mà giá rẻ gấp mấy lần thị trường. Người ta cứ nghĩ mua ngôi nhà hiện diện trên đất và vào ở thật thì dẫu không có sổ đỏ, sau này có chỉnh trang hay giải tỏa ở đây thì vẫn được lợi nên càng đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà trái phép".

Khó quản hết?

Trao đổi về việc này, ông Phan Văn Huyến, chủ tịch UBND P.Điện Ngọc, cho biết qua hơn 20 năm dự án "treo", qua năm đời chủ tịch phường, khu vực trên có hơn 400 ngôi nhà xây trái phép. 

"Nhiệm kỳ nào, việc quản lý vùng quy hoạch dự án này cũng được xem như "nhiệm vụ chính trị", nên phường thành lập luôn tổ chuyên trách quản lý vấn đề xây dựng trái phép. Từ năm 2010 tình trạng xây dựng nhà trái phép ít xảy ra, nhưng gần đây lại bắt đầu manh nha vì nhiều lý do".

Ông Huyến cho rằng khi Thủ tướng công bố sẽ chấm dứt quy hoạch "treo" ở làng ĐH Đà Nẵng, tâm lý của người dân muốn được làm lại nhà kiên cố để ổn định cuộc sống sau thời gian dài mòn mỏi chờ đợi.

"Cả nước có dự án nào mà "treo" hơn 20 năm như ở đây không? 20 năm thì nhà cửa còn gì, phải cho người ta sửa. Chúng tôi cũng phải "nới" cho người ta xây lại trụ kiên cố, xây công trình phụ để ở chứ mùa mưa bão yên tâm sao được.

Nhưng vừa qua cũng phát sinh nhiều vấn đề. Nhiều người xin sửa nhà nhưng lại đi xây mới. Giá đất lên, những căn phòng trọ xây trái phép trước đây làm lên nhà cấp 4, chúng tôi cũng lập biên bản nhiều trường hợp xây dựng trái phép" - ông Huyến nói.

Ngoài ra, theo ông Huyến, giá đất lên cao cũng khiến việc xây dựng trái phép rộ lên. Nhiều người từ nơi khác có nhu cầu ở thật sự đổ xô về đây đánh liều mua nhà không giấy tờ khiến nạn xây nhà trái phép bùng phát.

Theo ông Huyến, với diện tích 2.200ha của phường, nhưng chỉ có hai cán bộ chuyên trách và một phó chủ tịch phường quản lý hoạt động xây dựng nên khó tránh khỏi tình trạng xây dựng trái phép.

"Để xử lý vấn đề này, phường tự cân đối ngân sách hợp đồng thêm hai người để thành lập tổ quản lý năm người. Anh em làm cả ngày cuối tuần nhưng người ta xây dựng nửa đêm thì cũng khó mà quán xuyến hết được" - ông Huyến nói.

Ông cho biết thời gian tới ngoài việc siết quản lý hoạt động xây dựng, phường sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không mua những ngôi nhà xây dựng trái phép, tránh "tiền mất tật mang".

Phát hiện 19 trường hợp xây trái phép

Theo bà Đoàn Thị Trang - cán bộ chuyên trách địa chính - xây dựng P.Điện Ngọc, từ đầu năm đến nay đã phát hiện và lập biên bản 19 trường hợp xây dựng trái phép. Hiện ngoài tổ chuyên trách của phường còn được tăng cường một cán bộ chuyên trách từ thị xã Điện Bàn để tăng giám sát hoạt động xây dựng ở đây.

Vụ làm đầm tôm phá rừng phòng hộ: dỡ nhà xây trái phép Vụ làm đầm tôm phá rừng phòng hộ: dỡ nhà xây trái phép

TTO - Chính quyền địa phương yêu cầu đơn vị làm dự án nuôi tôm xâm lấn rừng phòng hộ ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) tháo dỡ nhà xây trái phép, trồng lại số cây đã bị chặt phá.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên