28/04/2012 07:03 GMT+7

Xây tổ ấm, được "tổ lạnh"

THÁI BÌNH
THÁI BÌNH

TT - Không ít phụ nữ than vãn họ càng dày công chăm sóc và “bổ khuyết” cho chồng, con thì càng bị xa lánh hơn và tổ ấm càng thêm... lạnh.

rUDiXC8a.jpgPhóng to

Cần khéo léo vun đắp để luôn giữ lửa cho tổ ấm (ảnh minh họa) - Ảnh: Quân Nam

Điều này xem ra hơi phũ phàng và khó hiểu với người trong cuộc.

Cho yêu thương, nhận xa cách

Gặp chuyên viên tâm lý, chị Nguyễn Tuyết D. (nhà trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) tâm sự suốt đêm không ngủ được vì uất ức. Số là chồng chị cứ mỗi dịp 8-3 là lăng xăng tặng quà, gọi điện, nhắn tin chúc mừng các nữ bạn bè, đồng nghiệp nhưng chưa bao giờ “để ý” đến vợ. Dịp 8-3 vừa rồi, chị chờ mãi “cử chỉ đẹp” của chồng cho đến khi... trời sáng. “Tôi chăm chút cho anh ấy từng miếng ăn giấc ngủ, nhưng ảnh đối xử với tôi quá tệ bạc” - chị nức nở. Chị D. kể sáng nào cũng thức sớm hơn để soạn sẵn cho chồng khăn mặt và khăn tắm, quệt sẵn kem vào bàn chải đánh răng. Chưa hết, tối chủ nhật nào chị cũng ủi quần áo và treo theo thứ tự từ thứ hai tới thứ bảy, chồng cứ thế lấy mặc. Hễ thấy bàn làm việc của anh hơi bừa bộn một chút là chị xắn tay sắp xếp cho ngăn nắp.

"Mỗi khi thấy mình muốn thay đổi ai đó, thử dừng lại một phút để nghĩ xem: nếu mình là người kia, mình cảm thấy thế nào nếu bị “sửa lưng” như thế? Kỳ vọng của mình có hợp với tính cách và mục tiêu của người kia không? Có cần phải hành động ngay lúc này không? Ngoài ra, có thể dùng những câu khẳng định tích cực để giúp họ thay đổi hành vi và khen ngợi khi họ làm được. Hãy kiên nhẫn, cần có thời gian để một hành vi nào đó được thay đổi. Và nhớ nhìn vào những ưu điểm của họ, đồng thời ý thức họ cũng có những giới hạn của riêng họ"

Trish Summerfield

Không chỉ vậy, chị còn “bổ khuyết” để chồng hoàn hảo hơn. Thấy anh nói năng dùng câu, từ chưa chuẩn là chị sửa ngay. Tính anh thẳng thắn, thế là bị chị lưu ý “chẳng biết mềm dẻo sẽ khó thành công”. Chồng lười tắm táp, vợ bèn chê “hôi” để chồng vì tức mà siêng vệ sinh cơ thể hơn. Chị nói thời nay mà tiếng Anh dở ẹc như anh là lạc hậu rồi... “Mấy chuyện xấu đó tôi nhắc mãi mà ảnh hổng chịu sửa, lại còn tỏ ra khó chịu” - chị tâm sự.

Còn chị Thúy H. (Q.3, TP.HCM) lại gặp rắc rối với cô con gái 12 tuổi và con trai 10 tuổi. Chị chê loại nhạc nhí nhố mà các con thường nghe là “rẻ tiền” và khuyên nên nghe nhạc trữ tình, tiền chiến như chị thì bị trẻ phản ứng. Con gái mua chiếc quần jeans lưng hơi trễ một chút mà bị mẹ lên lớp “con gái có đức hạnh phải ăn mặc kín đáo”. Con trai mặc mấy lớp áo sùm sụp, chị nói “gu thẩm mỹ quá tệ” khiến con nhăn mặt.

“Mình nói để con tốt hơn vậy mà con lại xa lánh mẹ” - chị buồn rầu nói. Mà cũng chính vì muốn con tốt hơn nên chị luôn theo sát chúng. Vào phòng con trai, bữa nào thấy mùng mền không tươm tất là chị nhắc ngay trong bữa cơm chiều. Thấy con gái hơi mơ mộng một chút là chị nhắc nhở “không lo học, mai mốt cạp đất mà ăn”. Để các con khắc sâu lời mẹ dạy, chị kể cứ phải nhắc đi nhắc lại những điều chưa tốt đó.

Cùng làm “điều hay” mới

Bà Trish Summerfield - giám đốc chương trình Giá trị cuộc sống, từng có cơ hội lắng nghe tâm sự của những phụ nữ hết mực chăm sóc và chỉnh sửa giúp chồng, con hoàn hảo hơn. Nhưng theo bà, nếu sự chăm sóc được thể hiện đến mức độ người ta cảm thấy như bị tước mất quyền tự lập tối thiểu tất sẽ sinh khó chịu. “Ai cũng muốn được là chính mình. Cho nên có khi cái ta làm tưởng là vì người khác nhưng thật sự không phải thế” - bà Trish nói.

Cũng vậy, việc nỗ lực chỉnh sửa người thân tuy cũng từ thiện ý mà ra nhưng lại là nguyên nhân gây chia rẽ của không ít gia đình. Vì theo bà Trish, muốn chỉnh sửa những gì ta cho là tệ hại của người khác thì phải tập trung vào chúng, điều đó vô tình gây ác cảm khiến việc giao tiếp trở nên khó khăn hơn. Lại nữa, quan niệm chồng phải thế này mới đúng và con phải thế kia mới tốt là của... chính người vợ/mẹ, nói cách khác là chính họ “tự khổ” với quan niệm, suy nghĩ của mình.

Nhưng nếu chồng, con có hành vi thật sự chưa ổn thì sao? Theo bà Trish, bạo lực (thể chất, tinh thần) hoặc những hình thức tương đương chỉ khiến họ miễn cưỡng thay đổi hành vi trong ngắn hạn, vì sự thay đổi bền vững chỉ đến từ thái độ hợp tác. Muốn có hợp tác thì đừng cứ xoáy vào những nhược điểm để kênh giao tiếp luôn thông suốt. Bà Trish nói thêm: “Không gì tệ hại bằng cha mẹ cứ ca cẩm về nhược điểm của nhau và con cái phải gánh chịu bầu không khí căng thẳng trong gia đình”.

So với người lớn, việc thay đổi hành vi của trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, dễ dàng hơn do chưa trở thành thói quen ăn sâu. Nhiều cha mẹ không muốn con phát triển một hành vi xấu nào đó nhưng lại dùng cách nói phủ định hoặc không được phép. Làm thế sẽ khiến trẻ khó hiểu, cảm thấy mất tự tin và không dám thử những điều mới nữa, kết quả là sự thay đổi hành vi hướng đến chuẩn mực tích cực sẽ chậm chạp, khó khăn hơn. Ở lứa tuổi lớn hơn, như tuổi vị thành niên, trẻ khó thay đổi hơn và ở người lớn lại càng khó. Vì vậy, người vợ cần kiên nhẫn hoặc chấp nhận một số hành vi của chồng để có thể về cùng “phe” với nhau. Cần trao đổi thân mật về một hành vi nào đó của chồng, nhưng phải chọn thời điểm thích hợp và với thái độ thiện chí. “Mở đầu câu chuyện bao giờ cũng là những ưu điểm, đức tính tốt ở chồng, sau đó đề nghị một hành vi mới hay ho mà cả hai vợ chồng cần tập trung vào”. Bà Trish lưu ý người vợ cần không chú ý hoặc nhắc nhiều đến hành vi tiêu cực hiện có ở chồng.

THÁI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên