Du khách đổ về khu vực Đại Nội Huế xem lễ đổi gác - một hoạt động du lịch mới ở Huế sau đại dịch COVID-19 - Ảnh: NHẬT LINH
Ông NGUYỄN VĂN PHƯƠNG, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nói rằng đây là thời điểm vàng để Huế có thể hoàn thành mục tiêu trên. Bộ Chính trị, Trung ương, Chính phủ... và cả toàn bộ người dân Thừa Thiên Huế đang rất đồng lòng hướng đến mục tiêu xây dựng "giấc mơ Huế" - "Thừa Thiên Huế" trở thành thành phố trực thuộc trung ương với cơ chế, chính sách đặc thù.
"Không thể nào trễ hơn" - ông Phương chia sẻ và cho rằng đây là điều bắt buộc, tỉnh phải theo kịp nghị quyết này.
Du lịch không chỉ là xem - ngắm
* Phải nói rằng Thừa Thiên Huế có một di sản đồ sộ là quần thể di tích cố đô Huế và nhiều di tích danh lam thắng cảnh "không nơi nào có được", là điều kiện hết sức lý tưởng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, lượng khách đến Huế không lớn, chưa tương xứng. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
- Hiện nay cái yếu của Thừa Thiên Huế trong phát triển du lịch đó là thiếu dịch vụ, điểm đến. Các điểm đến ở Huế hiện chỉ mới thỏa mãn nhu cầu khách tham quan, còn các dịch vụ phụ trợ khác để níu chân du khách ở lại thì gần như chưa có.
Tỉnh đang rất muốn đẩy mạnh đầu tư các dịch vụ giải trí, thưởng thức chiều sâu về văn hóa, các điểm di tích phải phong phú thêm các dịch vụ khác chứ không đơn thuần chỉ bán vé vào cổng rồi nhìn ngắm không thôi.
Một điểm nữa là Huế đang thiếu trầm trọng các dịch vụ lưu trú cao cấp. Các khu du lịch, khách sạn 5 sao trên địa bàn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Như vậy làm sao gọi là vùng đất du lịch lớn được! Huế chỉ ở mức độ dưới trung bình khi so với Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam)... mà thôi.
Huế cũng có đường bờ biển dài hơn 100km và có tiềm năng phát triển du lịch vô cùng lớn. Tuy nhiên ngoài một vài dự án du lịch như Laguna Lăng Cô, Ana Madara (Phú Vang)... thì còn lại toàn đang nghiên cứu và đang đầu tư. Hạ tầng giao thông kết nối từ biển về trung tâm thành phố cũng chưa đâu vào đâu cả, cũng toàn đang làm.
Đây cũng là một điều bức bối của tỉnh. Chúng tôi đang cố gắng gói ghém lại một số dự án để đôn đốc làm cho thật nhanh, hình thành các sản phẩm và dịch vụ khác biệt, có điểm nhấn và mang tính dẫn dắt, kết nối cho sự phát triển du lịch tỉnh.
Song song đó, tỉnh sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư quy mô lớn vào lĩnh vực dịch vụ, khách sạn, giải trí, đặc biệt các nhà đầu tư hợp tác với các tập đoàn cung cấp dịch vụ du lịch có thương hiệu quốc tế như Accor, Marriott, Hilton, Hyatt, Sheraton, InterContinental...
Một điểm nữa đó là chiến lược marketing quảng bá du lịch của tỉnh đang thiếu bài bản, thiếu chuyên nghiệp. Hiện nay tỉnh đang làm việc với một chuyên gia hàng đầu về marketing để xây dựng một chiến lược quảng bá dài hơi cho du lịch Huế.
Ông NGUYỄN VĂN PHƯƠNG, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
Sẽ bứt phá bằng công nghiệp
* Còn về phát triển kinh tế - xã hội, thú thực nếu nhìn thẳng thì Huế đang khá hụt hơi so với các địa phương khác. Vậy đâu là chiến lược dài hơi để Huế có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và thu nhập của người dân, từ đó có thể trở thành thành phố trực thuộc trung ương?
- Hiện nay lực cản vĩ mô của Huế đó là chưa thể cân đối ngân sách, tức nguồn thu không bằng nguồn chi và chủ yếu vẫn phải xin ngân sách trung ương. Do vậy chúng tôi phấn đấu đến năm 2025 tỉnh sẽ cân bằng được ngân sách, thu bằng hoặc vượt chi.
Tất nhiên nếu cân bằng ngân sách được thì tỉnh vẫn cần sự hỗ trợ vốn đầu tư công từ trung ương bằng các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu và khả năng ấy khá hiện thực.
Đi kèm với đó chắc chắn nguồn thu ngân sách phải tăng lên trong 3 năm tới. Tỉnh đang kỳ vọng nguồn thu ngân sách từ phía phát triển công nghiệp. Cho đến giờ nguồn thu này vẫn là nguồn thu bền vững, chiếm tỉ trọng lớn nhất và kỳ vọng có sự đột phá nhất.
Nguồn thu du lịch cũng bền vững nhưng lại xếp dưới trong cơ cấu đóng nộp thuế cho ngân sách. Tôi hy vọng một loạt nhà máy đang nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư, đã và đang đầu tư, chuẩn bị đưa vào vận hành trên địa bàn sẽ có những đóng góp đột biến cho ngân sách tỉnh.
Chúng tôi đặt kỳ vọng ở các nhà máy xí nghiệp chứ không phải từ đất, cũng không phải từ du lịch bởi vì đó là một làn sóng trong ngắn hạn. Hiện chúng tôi có 6 khu công nghiệp và tỉnh đang đẩy mạnh đầu tư, kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp này. Sắp tới cũng sẽ có một đô thị loại 3 ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
* Giả sử như khi đã cân đối được ngân sách, tỉnh sẽ làm gì nữa để phát triển, thưa ông?
- Nếu thu được vượt chi thì chúng tôi sẽ mang nguồn dư dôi đó vào đầu tư các dự án trọng điểm, công trình hạ tầng, các tuyến giao thông nối biển với đô thị và đặc biệt là các cây cầu.
Dự kiến trong năm nay, tỉnh sẽ khởi công cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương. Cây cầu này nằm trên tuyến đường vành đai 3 bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (Hương Sơ, TP Huế) dẫn đến Câu Lim, nối trục đường Tự Đức - Thủy Dương.
Về tuyến đường ven biển, tỉnh đã khởi công cầu nối cửa biển Thuận An và đường giao thông ven biển. Đây là hai cây cầu đẹp và hy vọng sẽ trở thành một tác phẩm nghệ thuật, biểu trưng của Huế.
Chúng tôi cũng đang mơ ước tuyến đường từ Thủy Vân chạy về Phú Đa sẽ làm thêm một cây cầu nữa. Nếu còn cơ hội cân đối được ngân sách tốt hơn thì sẽ làm thêm một cây cầu vượt phá Tam Giang, song song và nằm phía bắc cầu Trường Hà.
Nếu làm được các cây cầu này thì chúng ta sẽ kéo biển lại gần với đô thị hơn. Như vậy từ TP Huế, ta sẽ có ba nhánh đường về hướng biển là Thuận An, Hải Dương và Trường Hà. Đây sẽ là những dự án động lực để kéo gần đô thị Huế về phía biển, đúng với tinh thần của nghị quyết 54.
* Xin hỏi cá nhân, ông muốn bản thân mình sẽ để lại dấu ấn gì với Huế trong nhiệm kỳ của mình?
- Tôi nghĩ mình cần phải tạo lập ra một môi trường đầu tư thật tốt cho vùng đất này. Còn thực tế thì tôi nghĩ mình nên làm những công trình mang tính hiệu quả nhất, cấp thiết nhất. Còn làm được bao nhiều thì còn phụ thuộc vào việc thu xếp được nguồn, cân đối được nguồn vồn ngân sách.
Thừa Thiên Huế có được may mắn là các thế hệ lãnh đạo đi trước đã đặt một nền móng khá tốt cho việc phát triển, hướng đến trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Việc xây dựng nền móng này đã diễn ra trong thời gian khá dài và đến một ngày nào đó nó sẽ bùng lên.
Nhưng không thể cứ để Huế âm ỉ và tiềm năng mãi được. Tôi hy vọng trong nhiệm kỳ của mình, với nền móng tốt như thế, với bao nhiêu điều kiện đã được gây dựng thì Huế sẽ có yếu tố bứt phá trong giai đoạn này.
Với những công trình trọng điểm mà tỉnh đang thực hiện sẽ nâng lên một bước về chất để đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Và đặc biệt cố gắng đẩy nhanh, đưa vào hoạt động các dự án của các nhà đầu tư lớn trên địa bàn chứ không chỉ kỳ vọng vào nguồn lực từ phía đầu tư công.
Sẽ nghiên cứu làm điện gió ở đồng bằng
* Có thông tin Huế cũng mong muốn làm điện gió. Cụ thể là như thế nào, thưa ông?
- Điện gió là nguồn lực phát triển kinh tế khá tốt, bền vững và là nguồn năng lượng xanh không tác động nhiều đến môi trường. Tỉnh cũng có cho nghiên cứu thực hiện ở vùng cao A Lưới. Tuy nhiên ở đây lại đối mặt với câu chuyện dính phải rừng đặc dụng nên thôi.
Hiện nay tỉnh đang mong muốn các nhà đầu tư nghiên cứu thêm ở vùng đồng bằng như ven đầm, ven biển, rồi khu vực huyện Phong Điền, các vùng trống người ta đều làm được. Bản thân tôi cũng đi mời chào, đi kêu gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp về điện gió để mời họ về tỉnh nghiên cứu. Nhưng cho đến nay cũng chưa có một kết quả gì.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận