29/06/2011 11:19 GMT+7

Xây đường trên cao: đập bỏ cầu vượt?

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Nếu Hà Nội xây dựng đường trên cao dọc tuyến vành đai 2 (Cầu Giấy - Láng - Trường Chinh - Minh Khai - cầu Vĩnh Tuy), có khả năng phải đập bỏ các cầu vượt tại ngã tư Vọng, ngã tư Sở và cầu vượt Mai Dịch.

Các cầu vượt này đã đưa vào sử dụng trong vài năm gần đây.

x7vKOdlK.jpgPhóng to
Cầu vượt ngã tư Sở

Đó là ý kiến của PGS. TS Nguyễn Quang Đạo (Đại học Xây dựng) tại hội thảo về một số giải pháp xây dựng hệ thống giao thông thông minh tại Việt Nam do Đại học Xây dựng tổ chức vừa qua.

Theo TS Đạo: "3 cầu vượt đã có trên tuyến này sẽ rất khó trong việc kết nối giao thông khi xây đường trên cao, nếu xây đường vượt qua cầu vượt này thì tốn kém nhưng nối tiếp vào cầu cũng không được. Nhiều nhận định cho rằng phá các cầu vượt để làm lại khi xây dựng đường trên cao thì tiết kiệm hơn là làm đường tránh cầu vượt".

Theo ông Đạo, việc không coi trọng tiến trình quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết thường duyệt trước quy hoạch chung đô thị sẽ dẫn đến những tồn tại khó sửa chữa, có thể phải phá đi làm lại các công trình đã xây dựng từ trước khi xây dựng công trình mới.

Tuy nhiên, một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, việc xây đường trên cao nếu có giải pháp khả thi thì cũng không cần phải đập bỏ cầu vượt đang tồn tại. Ở nước ngoài các ngã tư 3-4 tầng đường giao nhau là chuyện bình thường. Vấn đề quan trọng là khả năng kết nối và yếu tố cảnh quan của đường trên cao.

PGS Nguyễn Quang Toản - nguyên chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ, ĐH Giao thông Vận tải - cho rằng việc một nút giao thông có nhiều tầng không phải là điều phức tạp.

Theo quy hoạch thì nút giao Thanh Xuân (cắt đường vành đai 3 với đường Nguyễn Trãi) ở Hà Nội cũng sẽ được tổ chức giao thông bốn tầng gồm hầm cơ giới chạy dọc đường Nguyễn Trãi, thứ hai là giao bằng giữa đường Nguyễn Trãi và đường vành đai 3, tầng thứ 3 là vành đai 3 giai đoạn 2 (đường trên cao từ Pháp Vân đến Mai Dịch), cuối cùng là tuyến đường sắt trên cao Hà Nội - Hà Đông. Và trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang xây dựng vẫn có những nút giao 3 tầng.

Với giải pháp đường trên cao vượt cầu vượt sẽ tốn kém, ông Toản cho rằng “Bản thân xây dựng đường trên cao đã tốn rồi nhưng nâng trụ thêm 7m để vượt qua cầu vượt cũng không phải là tốn kém lắm. Nhưng nếu xây đường trên cao hay cầu vượt mà so với giải phóng mặt bằng mở rộng đường thì còn rẻ hơn. Bởi vì chi phí đền bù cả trăm triệu đồng mỗi m2 đất trong khi mỗi m đường trên cao rẻ hơn nhiều. Còn việc kết nối và cảnh quan là chuyện muôn thuở, khi làm phải nghĩ giải pháp để nó thông thoáng và kết nối được giao thông”.

“Điều này các nước làm từ nhiều năm trước đây. Nhưng trong 7 tỷ USD Hà Nội cần thì ngân sách, vốn vay dự kiến chỉ chiếm 1 tỷ USD còn 6 tỷ USD nữa “đang đi câu”. Nếu kéo giãn dân cư ra ngoài thì sẽ phụ thuộc ai đầu tư vào chỗ nào và lấy được đất nào, tương ứng giá nào nên có chuyển dân cư từ nội đô ra vành đai có thể phụ thuộc nhà đầu tư” – ông Toản băn khoăn.

"Không được coi việc xây đường trên cao là giải pháp chữa cháy", ông Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường Việt Nam - khuyến cáo như vậy khi nói về chủ trương xây dựng đường trên cao mà Hà Nội đang dự kiến xây dựng để giải quyết ùn tắc giao thông hiện nay.

Ông Long cho rằng phát triển hạ tầng giao thông cần gắn với phát triển hạ tầng đô thị thì mới làm nên bộ mặt một đô thị văn minh, hiện đại, tránh gây phản cảm xã hội. Việc giảm số lần đập đi để xây lại hay không là phục thuộc vào chính sách, vào tầm nhìn.

Theo Kế hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô 2011 – 2015 được Sở GTVT trình UBND TP Hà Nội đến năm 2015, Hà Nội sẽ xây dựng 6 tuyến đường trên cao với tổng kinh phí ước tính khoảng 50.000 tỷ đồng gồm: đường vành đai 3 đoạn từ cầu Thăng Long – Mai Dịch và đoạn Mai Dịch – Linh Đàm (đang được Bộ GTVT triển khai), đường vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy – ngã tư Vọng và ngã tư Vọng – Cầu Giấy, trục giao thông Kim Giang – Lê Trọng Tấn – ga Gà Nội (làm đường trên cao từ đường vành đai 2 đến vành đai 3,5), trục Phú Đô – Xuân La (làm đường trên cao từ vành đai 2 đến đại lộ Thăng Long). Tổng kinh phí cho các tuyến đường này khoảng 50.000 tỷ đồng.

Tuyến đường trên cao đầu tiên đang được thi công ở Hà Nội là đường vành đai 3 giai đoạn 2 dài gần 9km, từ bắc hồ Linh Đàm tới Mai Dịch ngay trên mặt bằng của đường vành đai 3 hiện tại. Hiện các nhà thầu đang xây dựng cầu cạn trên dải phân cách rộng 28m giữa đường vành đai 3 hiện nay để hình thành tuyến đường ở độ cao 8m có bốn làn xe cơ giới chạy với vận tốc 100km/giờ. Khi hoàn thành tuyến đường này sẽ kết nối với cầu cạn Pháp Vân đến cầu Thanh Trì.

Tuyến đường trên cao thứ hai đang được Công ty cổ phần Vincom đề xuất là từ cầu Vĩnh Tuy đến ngã tư Sở thuộc tuyến vành đai 2 theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Đề xuất này đã được Hà Nội và Chính phủ chấp thuận. Đại diện Vincom cho biết, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo doanh nghiệp này đẩy nhanh công tác chuẩn bị dự án để có thể khởi công dự án xây dựng đường trên cao này vào đầu tháng 10-2011. Tuyến đường Vincom đề xuất sẽ đi qua hai cầu vượt ngã tư Vọng và ngã tư Sở.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên