07/09/2021 08:22 GMT+7

Xây dựng tương lai Việt Nam - EU

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Chuyến công du châu Âu dài 1 tuần của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mang ý nghĩa quan trọng cho tương lai hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).

Xây dựng tương lai Việt Nam - EU - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Áo - Ảnh: TTXVN

Ngày 6-9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Áo, tổ chức ở thủ đô Vienna của nước Cộng hòa Áo. 

Đây là một phần nội dung trong chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ ngày 5 tới 11-9, với những sự kiện quan trọng như Hội nghị các chủ tịch quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Áo, thăm và làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan.

Thúc đẩy vai trò của nghị viện

Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt từ Việt Nam sang châu Âu từ sau Đại hội Đảng XIII tới nay, và sau 2 năm gián đoạn vì những tác động của đại dịch COVID-19. Chuyến đi này góp phần cụ thể hóa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam.

Hội nghị WCSP5 là hoạt động nghị viện đa phương cấp cao nhất do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) phối hợp với Liên Hiệp Quốc tổ chức theo cơ chế 5 năm một lần. Chương trình nghị sự của WCSP5 tập trung vào những nội dung thời sự, cấp thiết và bao trùm trên toàn cầu.

Năm nay, 144 vị chủ tịch quốc hội và 30 phó chủ tịch quốc hội các nước thảo luận về chủ đề "Sự dẫn dắt nghị viện vì hợp tác đa phương hiệu quả hơn nhằm mang lại hòa bình, phát triển bền vững cho người dân và trái đất".

Các phiên thảo luận chung lần này nhấn vào bình đẳng giới, giảm thiểu tác động và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19... và tăng cường vai trò của nghị viện đối với hoạt động của Liên Hiệp Quốc.

Tại Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có các cuộc tiếp xúc song phương với một số trưởng đoàn và chủ tịch nghị viện một số quốc gia, đối tác quan trọng, một số tổ chức quốc tế và các tổ chức thuộc hệ thống Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Vienna.

Sau các hoạt động ở Áo, Chủ tịch Quốc hội sẽ tập trung vào chương trình làm việc với EP, Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Phần Lan, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác nghị viện với EP cũng như các quốc gia này, đồng thời tranh thủ xây dựng quan hệ ở cấp lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam với các nước, thúc đẩy phát triển quan hệ với các chính đảng, mở rộng đối ngoại nhân dân.

Xây dựng tương lai Việt Nam - EU - Ảnh 2.

Vắc xin và EVIPA

Đối với Việt Nam, chuyến đi của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này cũng là thời điểm triển khai chiến lược ngoại giao vắc xin của Đảng và Nhà nước.

Tại Hội nghị WCSP5, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ, đóng góp các ý kiến, đề xuất của Việt Nam góp phần vào công cuộc phòng chống, kiểm soát và đẩy lùi đại dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Đoàn công tác của Việt Nam lần này cũng chú trọng trao đổi, vận động các quốc gia và đối tác tài trợ vắc xin, trang thiết bị y tế và thuốc điều trị COVID-19 cho Việt Nam.

TTXVN cũng cho biết Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu các đại sứ Việt Nam tại châu Âu đẩy mạnh ngoại giao vắc xin. Ông đã gặp 6 đại sứ gồm đại sứ Việt Nam tại Czech Thái Xuân Dũng, đại sứ Việt Nam tại Slovakia Nguyễn Tuấn, đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thị Bích Thảo, đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng, đại sứ Việt Nam tại Áo kiêm nhiệm Slovenia Nguyễn Trung Kiên và đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ.

Cho đến nay, châu Âu đang là khu vực viện trợ vắc xin hàng đầu cho Việt Nam. Hôm 3-9, Đức quyết định viện trợ khoảng 2,5 triệu liều vắc xin AstraZeneca cho Việt Nam. Trước đó, hàng loạt quốc gia châu Âu đã gửi tặng Việt Nam số lượng vắc xin tổng cộng trên 2,6 triệu liều, chưa kể số lượng đã cam kết chuyển giao sắp tới.

Phân tích về việc châu Âu đang viện trợ vắc xin đáng kể cho Việt Nam, báo chí Đức vừa qua đề cập tới yếu tố tình cảm cũng như bản chất mối quan hệ hợp tác đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và châu Âu, đặc biệt EU.

Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU tại Đông Nam Á và cũng là quốc gia có Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) với EU.

Trong thỏa thuận hợp tác trên, hiện nay EP đã thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) nhưng còn cần phê chuẩn của nghị viện các nước thành viên. Đây cũng là yếu tố phản ánh tầm quan trọng trong chuyến đi của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này cũng như việc thúc đẩy mối quan hệ nghị viện nói riêng.

Áo, Bỉ và Phần Lan - các địa điểm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghé thăm trong chuyến công du này - cũng là các quốc gia chưa thông qua EVIPA. Do đó, bên cạnh quan hệ thương mại giữa hai bên đang phát triển tốt đẹp, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này còn thể hiện thiện chí của Việt Nam trong tăng cường hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với EU và 27 nước thành viên.

Động thái này nhằm hoàn thiện và phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai bên, thể hiện sự nỗ lực của Việt Nam cùng các nước và cộng đồng doanh nghiệp duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, tìm giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn tồn tại.

‘Hợp tác với Việt Nam là tiếp cận với thị trường có 1,3 tỉ dân’ ‘Hợp tác với Việt Nam là tiếp cận với thị trường có 1,3 tỉ dân’

TTO - Chia sẻ với doanh nghiệp Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng hợp tác với Việt Nam đồng nghĩa tiếp cận 650 triệu dân ở khu vực ASEAN, và 800 triệu dân của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên