Ông Trần Lưu Hải, ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức trung ương, khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ.
Phóng to |
Ông Trần Lưu Hải - Ảnh: Việt Dũng |
Quyết liệt nhưng không đấu đá nhau
* Thưa ông, nhóm giải pháp đầu tiên được đề cập trong nghị quyết trung ương 4 là tự phê bình và phê bình và nêu gương. Việc triển khai nhóm giải pháp này có gì khác với các lần trước đây?
- Ông Trần Lưu Hải: Sau khi trung ương ban hành nghị quyết, Bộ Chính trị sẽ trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện ngay trong năm 2012 với tinh thần thận trọng, có bước đi thích hợp, đồng bộ nhưng khẩn trương, quyết liệt. Những việc có thể làm ngay thì tổ chức thực hiện ngay, những việc cần có thời gian thì chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, xác định rõ thời gian hoàn thành, nhất là các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách. Những việc khó thì thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm. Trong đó, cũng như các nhóm giải pháp khác, việc thực hiện nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình phải trên phương châm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh. Không phải đến nơi rồi khen nhau hoặc làm hình thức, nếu như vậy sẽ không làm chuyển biến được tình hình. Phải hết sức cầu thị để tìm ra được những nguyên nhân trở ngại lâu nay, nhưng cũng nhấn mạnh là không được nóng vội, cực đoan, đây không phải dịp để đấu đá nhau, gây mất đoàn kết.
* Theo nghị quyết, các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành trung ương đều phải tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên. Vậy việc này có được công khai rộng rãi?
- Sẽ tiến hành theo đúng các nguyên tắc của Đảng và công khai trong tập thể, từ tập thể Bộ Chính trị đến cấp ủy Đảng các cấp, các ngành. Bên cạnh nhiều giải pháp cụ thể, nghị quyết lần này đã nêu rõ là nói phải đi đôi với làm, cấp trên phải nêu gương về đạo đức, lối sống bằng hành động thực tế. Như vậy, thông qua hành động thực tế, tôi nghĩ rằng đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân sẽ có sự đánh giá và đó cũng là một trong những cách thức công khai, minh bạch tốt nhất.
Quy hoạch các chức danh chủ chốt
* Để tổ chức thực hiện nghị quyết trung ương 4, tới đây Ban Tổ chức trung ương sẽ triển khai những công việc cụ thể nào?
- Từ đầu năm, ban đã được cấp có thẩm quyền giao chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu nhiều đề án quan trọng, trước hết là chỉ thị, kế hoạch về việc tổ chức thực hiện nghị quyết.
Bên cạnh đó là nhiều đề án khác như: quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ; trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy để cơ quan, đơn vị mình trực tiếp phụ trách xảy ra tham nhũng lãng phí; xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ..., phối hợp với một số cơ quan khác để tham mưu xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước; đề án “Nhận xét, đánh giá các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng”...
Nhiều nội dung trong các đề án nêu trên liên quan trực tiếp đến các quy định hiện hành về công tác tổ chức, cán bộ của Đảng và của Nhà nước, vì vậy chúng tôi phải tiến hành rà soát lại các quy định có liên quan xem nội dung nào lạc hậu, nội dung nào cần bổ sung, hoàn thiện và phù hợp với yêu cầu của nghị quyết.
* Lộ trình thực hiện các đề án nêu trên như thế nào?
- Tất cả đề án đều có thời gian rõ ràng, ví dụ chỉ thị, kế hoạch của Bộ Chính trị về việc tổ chức thực hiện nghị quyết trung ương 4 sẽ ban hành trong quý 1-2012; một số quy định cụ thể có liên quan khác cũng sẽ được nghiên cứu, ban hành trong năm 2012...
Thay thế cán bộ tín nhiệm thấp
* Nghị quyết trung ương 4 có đề cập vấn đề những người không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp cần được sắp xếp phù hợp, có cơ chế để kịp thời thay thế không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Nội dung này sẽ được thực hiện thế nào?
- Hiện Ban Tổ chức trung ương và các cơ quan khác đang xây dựng các đề án có liên quan để triển khai nội dung này, ví dụ: đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia; hướng dẫn để sớm thực hiện quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ; quy định việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể... Tinh thần là cán bộ được bổ nhiệm không phải sẽ yên vị trong suốt thời gian đó. Nếu cán bộ nào hai năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ xem xét, cho thôi giữ chức vụ hoặc bố trí công việc khác phù hợp với cán bộ đó.
* Theo ông Phan Diễn (nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên thường trực Ban Bí thư), trong công tác cán bộ của ta lâu nay vẫn có chuyện chỉ cần anh không phạm khuyết điểm, sai lầm lớn và chưa đến tuổi về hưu thì rất khó thay thế?
- Chính vì vậy nên phải xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ, theo đó có thể anh không vi phạm khuyết điểm nhưng hiệu quả công việc thấp, uy tín thấp thì cho thôi giữ chức vụ dựa trên việc đánh giá cán bộ đó.
* Nhưng làm sao để đánh giá được cán bộ?
- Để đánh giá cán bộ thì phải có tiêu chí với nguyên tắc số một là dựa trên khối lượng hoàn thành cũng như hiệu quả công việc của cán bộ đó, xem có thật sự tốt không; thứ hai là sự tín nhiệm trong tập thể cấp ủy, trong cơ quan và trong nhân dân. Đó là hai thước đo chủ yếu, ngoài ra còn nhiều tiêu chí khác cũng đang được triển khai nghiên cứu bổ sung cho phù hợp theo tinh thần nghị quyết trung ương 4.
* Theo nghị quyết trung ương 4, quy trình tiến hành công tác nhân sự sẽ được thực hiện theo hướng những người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đây có phải là một bước để tiến tới có tranh cử trong Đảng?
- Nghị quyết trung ương 4 có đề cập nội dung này và đây là nội dung hết sức quan trọng, theo đó cán bộ, đảng viên trước khi được đề bạt vào các vị trí sẽ trình bày đề án những công việc của mình phải làm nếu được đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí đó - cũng gần như tranh cử.
* Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu nói nghị quyết xây dựng Đảng lần này phải quyết tâm giải quyết đến nơi đến chốn, nếu không sẽ làm mất lòng tin không chỉ của người dân mà ngay trong Đảng, như vậy là kỳ vọng rất lớn? - Trước hết cần khẳng định rằng trải qua hơn 80 mùa xuân từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước giành được nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc. Đến nay chúng ta có một đội ngũ cán bộ, đảng viên có những bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt. Đảng luôn gắn bó với nhân dân và được nhân dân tin yêu. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển đi lên cũng không tránh khỏi những hạn chế, yếu kém, thậm chí là sai lầm cần được khắc phục để củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó, như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Hội nghị trung ương 4 lần này cũng hành động theo tinh thần đó, đã thẳng thắn thảo luận và đề ra ba vấn đề cấp bách. Trong đó, vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất là kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Ðảng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận