20/08/2020 08:36 GMT+7

Xây dựng Chính phủ số, liêm chính, minh bạch, hành động

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Việc đưa vào vận hành sẽ góp phần thay đổi phương thức quản lý, chuyển từ thủ công, giấy tờ sang dữ liệu số, đảm bảo cập nhật dữ liệu thông tin nhanh chóng, kịp thời, thống nhất, bảo mật.

Xây dựng Chính phủ số, liêm chính, minh bạch, hành động - Ảnh 1.

Thủ tướng và các bộ trưởng bấm nút khai trương hệ thống và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng - Ảnh: Chinhphu.vn

Văn phòng Chính phủ đã tổ chức lễ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng dịch vụ công quốc gia do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với sự tham gia của các phó thủ tướng, bộ ngành và địa phương ngày 19-8.

Đây là hệ thống do VNPT xây dựng, vận hành, bước đầu gồm 7 chuyên mục: tin hằng ngày, vấn đề tiêu điểm, chỉ số quốc tế, thông tin kinh tế - xã hội, thông tin kinh tế - xã hội vùng, địa phương...; 25 kết nối trực tuyến theo thời gian thực... giúp tiết kiệm chi phí khi vận hành 460 tỉ đồng/năm. 

Việc đưa vào vận hành sẽ góp phần thay đổi phương thức quản lý, chuyển từ thủ công, giấy tờ sang dữ liệu số, đảm bảo cập nhật dữ liệu thông tin nhanh chóng, kịp thời, thống nhất, bảo mật.

Đối với Cổng dịch vụ công quốc gia, từ 8 nhóm dịch vụ công được tích hợp, cung cấp ở giai đoạn khai trương tháng 12-2019, đến nay đã có dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000. 

Có 60 triệu lượt truy cập, mỗi ngày tiếp nhận hơn 4.000 hồ sơ trực tuyến, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng 6.722 tỉ đồng/năm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội và là con đường đúng đắn để phát triển một đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu không được cát cứ thông tin, không được làm đẹp số liệu để lấy thành tích, mà cần chính xác, tin cậy, minh bạch, thống nhất. 

Cần đẩy mạnh số hóa liên thông, chia sẻ thông tin hướng tới xây dựng Chính phủ số liêm chính, minh bạch, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tìm kiếm các sản phẩm "Make in Vietnam"

Phát biểu tại họp báo phát động giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam" năm 2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: các doanh nghiệp công nghệ cần xem việc chưa có nhiều sản phẩm công nghệ nội địa là cơ hội để phát triển sản phẩm của mình.

"Thị trường 100 triệu dân của Việt Nam là thế mạnh cạnh tranh quan trọng nhất của doanh nghiệp Việt Nam bởi không ai hiểu người Việt Nam, hiểu nhu cầu Việt Nam hơn người Việt Nam.

Các doanh nghiệp công nghệ số cần chủ động, không trông chờ vào các chính sách, cơ chế mà quan trọng nhất là tập trung nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm, giải pháp đáp ứng được nhu cầu của thị trường 100 triệu dân này" - bộ trưởng nói.

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và truyền thông, giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam 2020" được trao cho 5 hạng mục: giải thưởng Nền tảng số xuất sắc; giải thưởng Sản phẩm số xuất sắc; giải thưởng Giải pháp số xuất sắc; giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số (thành thị - nông thôn, người yếu thế, hạn chế mặt trái của công nghệ số) và giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng.

THANH HÀ

Thủ tướng: không thể vô cảm trước khó khăn của người dân, doanh nghiệp Thủ tướng: không thể vô cảm trước khó khăn của người dân, doanh nghiệp

TTO - Thủ tướng nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách 2021, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, và lưu ý phải giảm chi phí cho doanh nghiệp.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên