Phóng to |
Cầu An Hải dài 173m, rộng 9m, tổng vốn đầu tư trên 33 tỉ đồng, khởi công ngày 22-12-2007, thời gian thi công 15 tháng. Đến nay sau gần bốn năm, nơi đây vẫn còn là một công trường ngổn ngang. Cầu Lò Gốm dài 113m, rộng 9m, tổng mức đầu tư trên 19,2 tỉ đồng, được khởi công từ đầu năm 2010. Theo kế hoạch, cầu sẽ hoàn thành vào tháng 3-2011 nhưng đến nay công trình mới đạt khoảng 62,5% giá trị hợp đồng.
Ông Nguyễn Kim Tâm, xã An Hải, bức xúc: “Chúng tôi chờ cầu đã bốn mùa mưa rồi nhưng vẫn chỉ thấy mấy cái trụ đứng giữa trời. Mỗi khi mưa gió, chúng tôi phải liều mình đi qua cầu gỗ An Hải cũ, dù thân cầu đã mục ruỗng, sập hai lần rồi và không biết sẽ sập tiếp lúc nào”.
Cầu gỗ tạm hai lần bị sập Cầu gỗ An Hải đã sử dụng hơn 12 năm. Mỗi lần qua cầu, người đi xe máy phải trả 8.000 đồng/người/2 lượt, đi bộ phải trả 2.000 đồng/người. Ngày 2-11, nước lớn và gió mạnh gây hổng chân trụ cầu làm sập hơn 50m cầu gỗ An Hải. Rất may là tại vị trí cầu sập không có người và phương tiện giao thông. Trước đó ngày 10-5, cầu này đột ngột bị gãy ba nhịp làm 12 người đang đi xe máy trên cầu rơi xuống đầm Ô Loan, năm người đu bám được vào chân cầu, bảy người chới với giữa dòng được người dân cứu kịp thời. |
Ông Ngô Văn Yêm - phó chủ tịch UBND xã An Hải - cho biết do ngăn dòng để xây cầu, cuộc sống người dân sống dựa vào đầm Ô Loan bị ảnh hưởng vì nước không thoát được, gây khó khăn cho nuôi trồng thủy sản.
Ông Nguyễn Phụng Ngoạn - phó chủ tịch UBND huyện Tuy An - nói: “Việc thi công hai cây cầu kéo dài làm lấn dòng chảy, cản lũ, gia tăng tình trạng ngập lụt mỗi khi mưa lớn. Vào mùa mưa lũ, gần 10.000 hộ dân ở bốn xã An Hải, An Ninh Đông, An Ninh Tây và An Thạch bị cô lập khi nước sông Ngân Sơn có lũ cấp 2. Đã xảy ra trường hợp người dân bị thiệt mạng khi đi lại trong mùa mưa lũ”.
Giải thích về thi công chậm ở cầu An Hải, ông Huỳnh Thạch Lương - giám đốc điều hành dự án cầu An Hải thuộc Công ty CP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình - cho biết do đơn vị thiết kế đánh giá sai khi khảo sát đá nền ở vị trí trụ T2 nên phải điều chỉnh thiết kế. Khi điều chỉnh xong cũng là lúc giá vật tư tăng cao và chính sách tín dụng thắt chặt nên các đơn vị thi công gặp khó khăn về vốn, phải thay đổi đến ba nhà thầu nhưng tiến độ vẫn ì ạch.
Hiện công ty đang xin gia hạn thời điểm thông xe kỹ thuật qua cầu vào tháng 6-2012. Còn theo ông Nguyễn Thành Trí - giám đốc Sở Giao thông vận tải Phú Yên, hai cây cầu bị chậm tiến độ do năng lực quản lý, điều hành của nhà thầu hạn chế, đặc biệt là năng lực tài chính.
“Ở công trình cầu Lò Gốm, có thời điểm đơn vị thi công không có tiền mua vật tư phục vụ thi công tại công trường!”- ông Trí nói.
Ngày 23-11, ông Lê Văn Trúc - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên - cho biết UBND tỉnh đã nhiều lần nhắc nhở Công ty CP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình có giải pháp khắc phục sự cố tại trụ T2 và đẩy nhanh tiến độ thi công cầu An Hải. Nếu đến tháng 6-2012 mà không hoàn thành, UBND tỉnh sẽ đề nghị nhà đầu tư bàn giao lại toàn bộ công trình và tỉnh có phương án hoàn trả khối lượng đã thực hiện cho nhà đầu tư, sau đó chuyển giao công trình cho nhà đầu tư khác có năng lực hơn. Đối với cầu Lò Gốm, UBND tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Bộ Giao thông vận tải thay đổi nhà thầu. Nếu đến tháng 3-2012 công trình vẫn không hoàn thành, UBND tỉnh sẽ đề nghị chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng đối với đơn vị thi công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận