24/02/2012 07:57 GMT+7

Xáo trộn bất ngờ

PHẠM PHƯƠNG - HƯƠNG GIANG
PHẠM PHƯƠNG - HƯƠNG GIANG

TT - Nhiều gương mặt mới lọt vào top 10 trong khi các quán quân, á quân của những năm cũ lại tụt hạng. Đó là những thay đổi trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2011 công bố ngày 23-2 tại Hà Nội.

uYtaytVU.jpgPhóng to
Các doanh nghiệp VN xuất khẩu hàng sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Ảnh: Hồng Thảo

Khác biệt lớn nhất giữa chỉ số 2011 so với các năm trước là sự thay đổi rõ rệt về xếp hạng giữa các tỉnh.

Thứ bậc đảo lộn

Lần đầu tiên từ khi công bố chỉ số PCI, Bình Dương và Đà Nẵng đều không nằm ở vị trí cao nhất, thay vào đó hai tỉnh miền Bắc là Lào Cai và Bắc Ninh vươn lên hai vị trí đầu bảng xếp hạng. Sự gia tăng thứ hạng của hai địa phương này không nằm ngoài dự kiến vì cả hai đều chưa bao giờ xếp dưới vị trí 20 và đã dành nhiều công sức trong việc cải thiện điều hành.

Riêng Lào Cai đứng đầu bốn chỉ số thành phần: gia nhập thị trường, tính năng động của chính quyền, minh bạch, chi phí thời gian. Ngược lại, Bình Dương giảm điểm trong các chỉ số về tính năng động, tiếp cận đất đai và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Còn Đà Nẵng điểm số sụt giảm mạnh trong các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Hai ngạc nhiên khác là Hà Tĩnh và Bình Phước đã gia nhập nhóm 10 địa phương đứng đầu sau khi ban hành một số quy định và thành lập tổ công tác của tỉnh nhằm cải thiện các lĩnh vực điều hành. Nhận định về thay đổi này, ông Trần Hữu Huỳnh, trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), nói điểm nổi bật của Hà Tĩnh là sự nhất trí giữa tỉnh ủy và chính quyền.

“Đó là điểm chúng tôi thấy rõ. Ngoài ra có thể có sự lây truyền cảm hứng từ chính quyền sang doanh nghiệp” - ông Huỳnh nói. Ông cũng phân tích trường hợp của Bình Dương: “Một tỉnh như Bình Dương bị tụt hạng là dự đoán được. Bình Dương từng đi đầu trong thu hút đầu tư nhưng phải đánh đổi bằng môi trường và nhiều thứ khác. Cách đây ba năm, chúng tôi đã cảnh báo về điều này. Đây vốn là một tỉnh nhiều dân nhập cư, và bỗng nhiên chuyển đổi từ một tỉnh nông nghiệp trở thành tỉnh phát triển công nghiệp. Vậy chính sách của trung ương với tỉnh về biên chế, con người, đào tạo thế nào... cũng có vai trò rất quan trọng trong tính cạnh tranh của tỉnh”.

Trong top 10 có nhiều tỉnh thuộc Đông Nam bộ như Bình Phước, Đồng Nai... Điều này thể hiện chất lượng điều hành đồng đều của khu vực. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cũng có bước cải tiến đáng chú ý (lần lượt nhảy từ vị trí 43 và 23 năm 2010 lên 36 và 20 năm 2011). Đứng cuối là Cao Bằng (xếp hạng của tỉnh này tính từ năm 2007 đến nay là 62, 60, 63, 52 và 63). Theo phân tích của ông Đậu Anh Tuấn - phó ban pháp chế VCCI, chỉ số PCI của Cao Bằng tuy có tăng so với chính mình nhưng mức tăng lại không bằng những địa phương khác nên Cao Bằng tiếp tục về chót.

Ông Tuấn đặt vấn đề: Liệu sự chuyển đổi nhân sự rộng khắp trong năm 2010 (27 tỉnh, thành phố thay đổi lãnh đạo cấp bí thư, chủ tịch tỉnh) có phải là yếu tố quan trọng và quyết định tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong xếp hạng PCI 2011? Năm 2010 là năm đầu tiên có thay đổi nhân sự lớn trên quy mô rộng và ông Tuấn cho rằng đây là câu hỏi lý thú cần tiếp tục nghiên cứu.

Nhìn vào bảng PCI qua các năm, thấy rõ xu hướng hội tụ: năm 2006, PCI của tỉnh thấp nhất là 36, cao nhất là 77 điểm; năm 2011 điểm thấp nhất là 50 và cao nhất là 73. Sự tụt hậu của các tỉnh đứng cuối bảng ở những năm đầu xếp hạng đã không xảy ra, ngược lại nhiều nơi đã bắt kịp trong khi các tỉnh nhóm đầu thì có xu hướng chững lại.

Tham nhũng lớn tăng?

Phần lớn doanh nghiệp được hỏi tỏ ra kém lạc quan về triển vọng tăng trưởng so với các năm trước. Mức độ lạc quan của doanh nghiệp tư nhân giảm, đặc biệt là loại hình có quy mô nhỏ nhất càng giảm mạnh vì đây là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất khi giá cả đầu vào gia tăng và tiếp cận tín dụng khó khăn hơn. Theo khảo sát PCI, doanh nghiệp tư nhân ít có cơ hội tiếp cận tín dụng của ngân hàng thương mại hơn so với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.

Cũng theo báo cáo PCI, tình trạng tham nhũng nhỏ dưới dạng lót tay cho cán bộ cơ quan hành chính địa phương đã có cải thiện đáng ngạc nhiên. Năm 2006, 70% doanh nghiệp ở các tỉnh có điểm PCI trung bình cho rằng phải trả nhiều chi phí không chính thức. Tỉ lệ trên giảm xuống 52% trong năm 2011.

Đồng thời, tỉ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% tổng thu nhập để chi trả chi phí không chính thức đã giảm từ 13% năm 2006 xuống còn 7% năm 2011. Những diễn biến này, theo các tác giả của báo cáo PCI, là rất đáng ngạc nhiên và quan trọng, phản ánh phần nào những nỗ lực không ngừng nhằm hạn chế tham nhũng sau thời điểm ban hành Luật chống tham nhũng năm 2008.

Tuy vậy, kết quả điều tra về chỉ số chi phí không chính thức trong PCI cảnh báo rằng mặc dù tham nhũng nhỏ có biểu hiện giảm nhưng tham nhũng ở quy mô lớn hơn (ví dụ: hành vi “lại quả” khi ký kết hợp đồng mua sắm công hoặc các thỏa thuận đất đai béo bở) dường như lại tăng theo thời gian. Có 56% doanh nghiệp tham gia đấu thầu các dự án của Nhà nước cho biết việc chi trả hoa hồng là phổ biến so với mức 41% của năm trước. Báo cáo PCI cho rằng tham nhũng lớn góp phần làm tăng sự bất công giữa một nhóm ít người có quan hệ tốt với chính quyền và phần còn lại của đất nước, đồng thời ảnh hưởng tới niềm tin vào bộ máy nhà nước.

Ông Đậu Anh Tuấn nhận định chỉ cần tăng một điểm minh bạch sẽ tăng lượng doanh nghiệp trên bình quân đầu người, lợi nhuận doanh nghiệp thu được. “Quan trọng hơn, tính minh bạch làm môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh, trong đó những doanh nghiệp làm ăn tốt, có ý tưởng tốt, chiến lược tốt sẽ thắng chứ không phải doanh nghiệp quen biết tốt” - ông Tuấn nói.

Xếp hạng PCI của một số tỉnh, TP qua các năm

Tỉnh, TP<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Xếp hạng PCI 2010 và 2011

Lào Cai

2 - 1

Bắc Ninh

6 - 2

Hà Tĩnh

37 - 7

Bình Phước

36 - 8

Bình Dương

5 - 10

Ðà Nẵng

1 - 5

Hà Nội

43 - 36

TP.HCM

23 - 20

Ông Võ Kim Cự (chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh):

Nhà đầu tư có thể gọi thẳng cho bí thư, chủ tịch

Chúng tôi cố gắng đột phá ở khâu hỗ trợ giải phóng mặt bằng và đáp ứng hạ tầng kinh tế - xã hội như đường giao thông, trường học, bệnh viện, nhà hàng, thậm chí là taxi. Phải ưu tiên quyền lợi nhà đầu tư rồi đến dân và chính quyền là thứ hai, thứ ba. Chúng tôi rất mừng các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đông, đến cùng một lúc. Rất vất vả nhưng phải quyết tâm để làm doanh nghiệp hài lòng.

Trên thực tế vẫn còn chỗ này chỗ kia có vấn đề, nhưng tổng thể phải đảm bảo. Ví dụ quy định năm ngày là dứt khoát năm ngày, không để sang ngày thứ 7, thứ 8. Số điện thoại của bí thư, chủ tịch là công khai, cho phép nhà đầu tư trực tiếp gọi điện. Chúng tôi cũng chủ trương giảm chi phí không minh bạch. Nhà đầu tư rất sợ cái này. Hai là giảm thời gian làm thủ tục, đáng lẽ đi ba lần thì nay đi một lần là xong.

PHẠM PHƯƠNG - HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên