01/10/2014 04:00 GMT+7

​Xắn tay xử lý nợ xấu

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - Nợ xấu - chuyện tưởng của riêng hệ thống ngân hàng đang là trở ngại cho phục hồi tăng trưởng kinh tế - vốn liên quan đến miếng cơm manh áo của mọi người.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình từng bộc bạch đã ý thức phải xử lý nợ xấu từ rất lâu, nhưng cho đến nay nợ xấu vẫn còn đó vì bốc chưa đủ thuốc.

Mục tiêu xử lý nợ xấu là biến vốn đóng băng thành vốn sống để tiếp tục cho vay. Các tài sản, dự án bị đóng băng vì nợ nần sẽ trở thành nguồn lực mới cho nền kinh tế. 

Vì sao phải cấp thiết xử lý nợ xấu? Sau gần bốn năm thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu công và tăng trưởng tín dụng, chấp nhận hàng loạt doanh nghiệp phá sản, tăng trưởng kinh tế chậm lại, chúng ta đã có sự ổn định về kinh tế vĩ mô, riêng xử lý nợ xấu lại chậm chạp.

Xử lý nợ xấu có khó quá không? Khó, bởi thiếu nhiều thứ. Có người kêu là không có tiền để xử lý nợ xấu. Chỗ thì nói phải có tiền tươi thóc thật chứ không thể “tay không bắt giặc” như Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đang mua lại nợ xấu nhưng chỉ trả bằng trái phiếu đặc biệt. Có ý kiến đòi tăng thêm quyền, vốn cho VAMC...

Thế nhưng, không ít chuyên gia am hiểu lại khẳng định là không khó. Vấn đề xử lý nợ xấu vốn rất nhạy cảm, vì vậy điều đang thiếu là sự quyết tâm và tinh thần dám làm và chịu trách nhiệm.Trong các lần bàn về giải quyết nợ xấu, nhiều đề xuất đã được đưa ra, kinh nghiệm từ lần xử lý nợ xấu sau khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997 đã được dẫn chứng rất sinh động.

Có chuyên gia khẳng định không thiếu tiền để xử lý nợ xấu. Với cơ chế của VAMC - đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, thông qua điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo có vốn để xử lý nợ xấu.

Nhưng thuốc nào cũng có tác dụng phụ. Đưa tiền ra không nhịp nhàng, có thể lạm phát cao quay lại, khi đó sẽ có người phải chịu trách nhiệm.

Cũng có đề xuất phải giúp ngân hàng tự xử lý nợ xấu, cách hỗ trợ mạnh mẽ nhất đó là đơn giản tối đa thủ tục xử lý tài sản thế chấp, kể cả không qua thủ tục của tòa án như từng làm sau năm 1997. Còn thủ tục như hiện nay, phải mất vài năm ngân hàng mới giải quyết được một món nợ xấu.

Mới đây, còn có đề xuất ngân sách nhà nước tạm ứng một khoản, xem như vốn mồi để xử lý nợ xấu, được hoàn trả dần khi đã giúp xử lý được nợ xấu. Nguồn này có thể lấy từ cổ phần hóa hàng loạt doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình đang thực hiện.

Đề xuất này là táo bạo nhưng không vi phạm nguyên tắc không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu, vì đó chỉ là khoản cho vay có trả của ngân sách nhà nước...

Có lẽ để tạo sự đồng thuận của xã hội trong tìm kiếm các giải pháp mạnh mẽ để xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước phải minh bạch hóa quá trình tái cơ cấu ngân hàng, dứt khoát không để xảy ra bất kỳ trường hợp nào làm mất vốn, tạo thêm nợ xấu.

Không làm được thế, tâm ý lo ngại quản lý không chặt, để xảy ra sai phạm rồi phải tốn kém tiền của xã hội “dọn dẹp nợ xấu” sẽ lan rộng, càng gây bất lợi thêm cho quá trình xử lý nợ xấu.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên