01/04/2017 20:41 GMT+7

Xâm hại trẻ em là tội ác, im lặng cũng là tội ác

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - “Khi biết một vụ lạm dụng tình dục trẻ em xảy ra, bạn sẽ chọn cách nào: lên tiếng trên phương tiện truyền thông cá nhân, hay im lặng, hay chúng ta có cách nào khác?”.

Các em nhỏ trong chiếc áo trắng in thông điệp Đừng im lặng - Chúng con cần được bảo vệ của chiến dịch - Ảnh: CAO MINH MẪN - CHANH
Các em nhỏ trong chiếc áo trắng in thông điệp Đừng im lặng - Chúng con cần được bảo vệ - Ảnh: CAO MINH MẪN - CHANH


Đó là câu hỏi trên của TS Bùi Trân Phượng - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen - với các sinh viên trường đại học này giữa buổi tọa đàm “Safe Haven” ngày 31-3. 

Một số bạn giơ tay biểu quyết cho việc lên tiếng lập tức, một số tương đương cho biết mình chọn cách im lặng để tránh tổn thương nạn nhân, vài người khác lại đề nghị lên tiếng ẩn danh...

Trước đó, các bạn đã được nghe luật sư kể câu chuyện nghẹt thở về những em bé bị xâm hại với độ tuổi ngày càng nhỏ và hậu quả ngày càng lớn, những nan giải trong thu thập chứng cứ và lời khẳng định mạnh mẽ: “Xâm hại trẻ em là tội ác. Im lặng cũng là tội ác vì sẽ tạo điều kiện cho những vụ tiếp theo”.

Chuyên viên tâm lý thì kể về những ám ảnh dai dẳng, có trường hợp kéo dài mấy mươi năm, khi một cô bé bị xâm hại ở tuổi mẫu giáo và mang ký ức kinh khiếp, sợ hãi tới tận tuổi trưởng thành.

“Lên tiếng là một phản ứng lành mạnh đầy xúc cảm. Im lặng cũng là một lựa chọn đầy thông hiểu. Lên tiếng ẩn danh cũng phù hợp trong nhiều trường hợp. Tôi hài lòng về sự trưởng thành của các bạn, lựa chọn của chúng ta đặt ưu tiên hàng đầu là bảo vệ nạn nhân” - cô Bùi Trân Phượng nhấn mạnh.

Chưa bao giờ nạn xâm hại tình dục trẻ em được công luận tập trung chú ý như những ngày này. Các nhóm giảng viên dạy kỹ năng phòng chống xâm hại không kịp xếp lịch theo đặt hàng của các trường tiểu học, trung học và cả mẫu giáo.

Các cuộc hội thảo, tọa đàm, trò chuyện trực tiếp, trực tuyến liên tục được tổ chức ở trường học, tòa soạn báo, không gian văn hóa công cộng.

Các chuyên viên tâm lý, bác sĩ, luật sư, những người hoạt động xã hội mảng bảo vệ trẻ em được tham vấn liên tục. Các vụ điều tra về xâm hại trẻ, sau thời gian dài giậm chân tại chỗ, nay mỗi ngày đều được nhận chỉ đạo từ các cấp cao.

Tiến trình điều tra, phương pháp điều tra đang có hi vọng tiến bộ hơn, hiệu quả hơn từ việc Quốc hội xem xét sửa luật...

 “Thủ phạm xâm hại tình dục có thể là bất kỳ ai”, lời khẳng định nghiêm khắc của tất cả các chuyên gia như một yêu cầu với tất cả mọi người: không chỉ trang bị hiểu biết để cảnh giác, bảo vệ trẻ em, lên án thủ phạm mà còn phải nâng cao ý thức với chính bản thân mình.

“Mục đích cuối cùng là chặt gốc rễ để không còn thủ phạm, không có nạn nhân” - luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em, nhấn mạnh. Và cách mà bà muốn mọi người chọn cùng mình là lên tiếng, quyết liệt đến cùng trong những vụ việc cụ thể và mạnh mẽ cảnh báo trong tuyên truyền về hành vi phạm tội.

Trong những buổi huấn luyện kỹ năng, chúng tôi thấy các em học sinh sau phút hào hứng là hiểu biết. Trong những buổi tư vấn, các phụ huynh sau lúc lo lắng, bất an là quyết tâm, sẵn sàng hành động.

Buổi tọa đàm này, các bạn sinh viên chăm chú lắng nghe, ghi chép, ghi hình, thảo luận cách lựa chọn phản ứng tốt nhất, yêu cầu thêm những trao đổi chuyên sâu...

Nạn xâm hại tình dục trẻ em không phải mới xảy ra, nhưng sau đợt tấn công và phòng chống đầy quyết tâm này, có cơ sở để hi vọng rằng nó sẽ không còn tái diễn với tần suất dày đặc “cứ 8 giờ lại xuất hiện thêm một nạn nhân” nữa.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên