13/12/2015 18:45 GMT+7

Xài tiền dân đúng chỗ mới phải đạo làm quan

M.NHIÊN tổng hợp
M.NHIÊN tổng hợp

TTO - Đó là bình luận của rất nhiều bạn đọc xung quanh câu trả lời của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu khi cho rằng cho cán bộ đi “học tập kinh nghiệm” tại Nam Phi là “phải đạo”.

Như đã thông tin, bất chấp khốn khó về ngân sách, trong thời gian từ ngày 5-9 đến 13-9-2015 hàng loạt quan chức tỉnh Quảng Nam ở thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” đã được ông Đinh Văn Thu -  phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ký quyết định cho sang tận Nam Phi học tập kinh nghiệm.

Điều đáng nói là trong danh sách 26 người đi học tập Nam Phi của Quảng Nam lần này có ba phu nhân của các quan chức, 15 người đã và sắp về hưu, số còn lại hầu như không tái cử ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2015-2020 vì... hết tuổi!

Đến khi những trái khoáy này được dư luận lên tiếng phản ứng thì trong bài trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tuổi Trẻ, ông Đinh Văn Thu lại cho rằng Cho cán bộ đi “học tập kinh nghiệm” tại Nam Phi là “phải đạo”.

Cho rằng đây cách nói bao biện nhằm đối phó dư luận, rất nhiều bạn đọc đã đồng loạt lên tiếng phản ứng. 

"Phải đạo" thì khỏi cần bàn. Chuyện đền ơn đáp nghĩa là đạo lý. Cái cần bàn cứ huỵch toẹt là đi nghỉ dưỡng cho các quan thì không ai nói. Các vị đã sử dụng chiêu bài học tập để tiêu tiền nên người dân mới phản ứng. Tỉnh nghèo mà xài sang đó là chuyện mới đáng bàn. Đền ơn bằng một suất du hí học tập đó là đạo lý chăng?

Bạn đọc Dương Văn Tuấn

Bạn đọc Anh Quang lập luận: "Phải chi Quảng Nam có sự phát triển vượt bậc xuất phát từ những vị lãnh đạo đi trên thì có lẽ chuyến đi "học tập kinh nghiệm" chắc người ta còn thông cảm. Chứ đằng này Quảng Nam hoàn toàn sống bằng tiền ngân sách, bây giờ tỉnh lại thâm hụt đến mấy nghìn tỉ... Càng nói càng thấy buồn nhưng không nói thì thấy khó chịu"!

Gay gắt hơn, bạn đọc Quach Tuan Khai cho rằng đây là cách trả lời ngụy biện khi viết: "Quảng Nam là một trong những tỉnh nghèo ở miền Trung, người dân còn phải đến tỉnh khác kiếm sống mà các ông tổ chức đi nước ngoài gọi là học kinh nghiệm. Học được gì qua các chuyến đi này? Trong số đó có bao nhiêu người hiểu ngoại ngữ".

Đi vào phân tích cụ thể, bạn đọc Phạm Đắc Thắng viết: "Tôi thấy ông Thu trả lời phỏng vấn lại lấy trách nhiệm tập thể lý giải, vậy trách nhiệm cá nhân đang ở đâu? Nếu mãi như thế thì đất nước khó phát triển được. Nước mình còn nghèo lắm, dân mình còn khổ lắm, kinh phí chuyến đi có thể xây được bao nhiêu nhà tình thương, bao nhiêu bữa ăn cho người nghèo, nợ công quốc gia đang lớn dần... hãy từ bỏ thói quen nhiệm kỳ từ những việc như thế!".

Về chữ "đạo" mà ông Thu đề cập trong phần trả lời phỏng vấn, nhiều bạn đọc luận rằng rất thiếu thuyết phục, chỉ phục vụ cho nhu cầu một bộ phận nào đó, hoàn toàn khác việc đền ơn đáp nghĩa mà người Việt Nam hay làm. 

Cùng suy nghĩ này, Tongson phân tích: "Cái "đạo" của ông chủ tịch tỉnh Quảng Nam nói nó khác nghĩa với chữ "đạo" của các bậc thánh hiền xưa kia đã nói! Theo tôi, phải "đạo" phải là những hành động đúng luật trên cơ sở vì lợi ích chung toàn xã hội, chứ không nên phải "đạo" là lấy tiền nhà nước cho một số cán bộ đi chơi rồi cho là phải "đạo"!

Bàn thêm về chữ "đạo" mà ông chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề cập, bạn đọc Đức Tâm góp ý: "Còn bao nhiêu việc "phải đạo" cần làm sao không thấy ông chủ tịch tỉnh quan tâm hiến kế như giúp người nghèo, làm nhà tình nghĩa, cán bộ cơ sở thôn, xã phụ cấp hằng tháng chưa đủ tiền đổ xăng để đi làm...".

Quy kết lại chuỗi sự kiện từ lúc ký quyết định cho cán bộ đi “học tập kinh nghiệm” đến khi trả lời phỏng vấn của ông chủ tịch tỉnh, bạn đọc Hoang Quy nhận xét: "Hoàn toàn không “phải đạo” với nhân dân, với đất nước, thưa ông Đinh Văn Thu. Ở nước ngoài, trả lời như thế này thì chắc không xong rồi".

M.NHIÊN tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên