Những phiên chợ cuối tuần tại nhà ga 3A luôn tấp nập khách đến vui chơi và mua sắm - Ảnh: Cẩm Tú |
Đông vui và xôm tụ từ quy mô đến chất lượng như vậy là bởi “chợ” trong khái niệm mới của những người trẻ Sài Gòn không còn là nơi mua rau bán thịt, rôm rả chuyện nhà chuyện xóm như trước, mà đã trở thành khái niệm để chỉ những không gian mới: trẻ trung và sáng tạo.
“Miền đất” đầy cảm hứng
Ghé thăm chợ tem phiếu (nhà ga 3A Tôn Đức Thắng) có cảm giác như vừa đi lạc vào một “miền đất” tươi trẻ và đầy ắp cảm hứng nghệ thuật.
Trên sân khấu nhỏ dựng phía trong cùng của chợ, các bạn trẻ quây quần đứng nghe hát và vỗ tay theo hai ca sĩ vừa đàn, vừa ca với phong cách cực kỳ máu lửa!
Phía ngoài, người đi chợ lại tụ thành những nhóm nhỏ vừa ăn...gà nướng vừa nói chuyện với một họa sĩ nào đó, tiếng cười giòn tan và tiếng máy ảnh chốc chốc lại vang lên...
Không cần phải có những phòng tranh rộng lớn, tranh ở chợ tem phiếu được treo kín trên cửa sổ, dán trên tường, phun lên những tấm gỗ bỏ đi...
Ở quầy hàng bé xíu Lady Noname, chàng chủ tiệm bày bán la liệt những bức ảnh Sài Gòn xưa được anh sưu tầm lại và in lên những miếng gỗ thừa!
Mỗi khi khách ghé xem, việc đầu tiên của anh là say sưa kể lại chuyện anh đã tạo ra những sản phẩm thủ công này như thế nào, mất bao lâu, rằng anh đã yêu mến Sài Gòn ra sao...
Ở đây người ta cũng sẽ dễ dàng nhìn thấy những vỏ bánh xe tải cũ bỏ đi được tái chế thành những chiếc ghế ngồi xinh xắn, sành điệu hoặc trở thành... chậu trồng hoa thơ mộng như thể trước đó chưa từng là đồ phế thải!
Riêng ở chợ bọ chét (không gian ga 0), những phiên chợ hàng tháng còn được biến tấu thành những buổi workshop thú vị với đề tài thay đổi phong phú (workshop sắp diễn ra vào ngày 12-4 là về nghệ thuật thêu, in khắc gỗ...) ngoài việc mua đồ, người ta còn có thể nán lại để xem trình chiếu phim, nghe nhạc sống...
Còn đấu trường sáng tạo - một phiên chợ quy tụ hầu hết giới nghệ sĩ underground (tạm dịch: ngầm) trẻ của Sài Gòn - thì đã “khai trương” phiên chợ đầu tiên vào tháng 12-2014 với hàng loạt hoạt động giao lưu, điêu khắc tượng, vẽ tay, thiết kế quần áo - túi xách... cực kỳ xôm tụ.
Nói về ý tưởng tổ chức những phiên chợ, ông Marcel Battesti - trưởng ban tổ chức chợ tem phiếu - cho biết:
“Chúng tôi thật sự muốn mang đến sân chơi thú vị cho các bạn trẻ vào những ngày cuối tuần và góp phần trở thành một trong những hoạt động giải trí, vui chơi bổ ích cho người Sài Gòn nói chung”.
Họp chợ vì vậy tự nhiên trở thành cái cớ dễ thương để những người ưa chuộng cái đẹp, thích thú với những sản phẩm mang đậm dấu ấn sáng tạo, tập hợp nhau lại để cho ra đời những phiên chợ định kỳ mỗi tuần, mỗi tháng...
Và thế là đến hẹn lại lên, cứ mỗi cuối tuần lại thấy ai đó “thả” trên Facebook của nhau một lời mời mọc nghe thật hấp dẫn: “Xách giỏ” lên và đi chợ nha!
Các bạn trẻ sắm đồ tại các gian hàng của chợ tem phiếu - Ảnh: Cẩm Tú |
Cơ hội để... vui
Trang là một họa sĩ đường phố người Pháp gốc Việt thường được bạn bè trong giới biết đến với nghệ danh Trangontherun (On the run vốn là một hiệu bút vẽ nổi tiếng). Urban art gallery - cửa tiệm bán tranh mới tinh của anh - nằm trong khu vực chợ tem phiếu treo kín tranh vẽ, ảnh chụp... theo nhiều trường phái khác nhau.
“Đa số họ đều là những nghệ sĩ còn rất trẻ. Cũng có người đã có những triển lãm riêng, nhưng tựu trung họ đều muốn tiếp cận với những người trẻ, bởi mối quan tâm của họ giống nhau nên dễ sẻ chia.
Tôi muốn họ có một chỗ để có thể giới thiệu tranh ảnh hay những sáng tạo nghệ thuật của mình một cách thoải mái nhất. Mỗi tuần hoặc vài tuần, chúng tôi sẽ có những chủ đề khác nhau để đổi vị và kích thích nghệ sĩ trẻ sáng tạo” - Trang nói.
Không chỉ có hội họa, tranh ảnh, thời trang... những “người nông dân trong thành phố” - khái niệm chỉ những ai đam mê trồng rau xanh, cây quả, hoa trái ngay tại mảnh vườn nhỏ, sân thượng ở Sài Gòn - cũng đang chờ đợi ngày để được tham gia chợ nông sản (farmers market) sẽ mở cửa lần đầu tiên vào tháng 5 tới đây tại khu vực Nguyễn Văn Hưởng, Q.2. Chợ do những người yêu thích làm bánh và trồng cây dựng nên!
Thu Hường, 27 tuổi, một “khách ruột” thường xuyên đi chợ, kể lại một kỷ niệm đáng nhớ trong đời mình bắt đầu từ những buổi dạo chợ cuối tuần:
“Tôi vốn rất thích được tự tay thực hiện những món đồ nho nhỏ, xinh xinh, tự chế như vòng đeo tay, nhẫn, làm hoa giấy nhưng lại rất ngại lách cách.
Nhiều lần cùng bạn bè dạo chợ cuối tuần sửng sốt vì những món đồ tự chế của các bạn quá đẹp và khéo léo, tôi cứ nghĩ hoài tại sao mình không thể tự làm được?
Thế là “đùng một phát” tôi quyết định nghỉ việc ở công ty bất động sản đang làm, rủ cô bạn thân “khai trương” gian hàng November Art chuyên làm vòng tay hand made và cứ mỗi cuối tuần lại đến bán ở một chợ khác nhau.
Tôi đã học được rất nhiều điều thú vị, bổ ích trong suốt năm tháng “nghỉ làm đi bán” ấy. Tuy bây giờ cửa hàng chúng tôi...đóng cửa rồi (cười) nhưng tôi nghĩ mình đã dám thử một cái gì đó khác đi!” - Hường nói.
Không gian sáng tạo Chợ phiên có mặt ở Sài Gòn khoảng vài năm trở lại đây, mở đầu bằng những phiên chợ về thời trang, đồ dùng mang phong cách cổ điển (vintage), sản phẩm tự làm (hand-made)... Tất cả những gì đặc sắc mà những phiên chợ khác thường không có hoặc rất hiếm gặp thì ở chợ trời Sài Gòn (Saigon flea market) ở khu vực Q.7, 2day Sale ở khu Nguyễn Thái Bình Q.1, chợ phiên cuối tuần (Hello Weekend Market) ở sân vận động Hoa Lư... đều có đủ! Dần dà sự đông vui và thu hút khó chối từ của những phiên chợ cuối tuần nhanh chóng lan tỏa và tạo được hiệu ứng tốt. Một số không gian nghệ thuật trẻ tại Sài Gòn đã dùng khái niệm “chợ phiên” như một từ khóa mới để xây dựng nên một nơi chốn sáng tạo - nơi mà ở đó người mua vừa có thể tung tăng tản bộ ngắm nghía, sắm sửa cho mình những món đồ độc, lạ; vừa có cơ hội giao lưu, tìm hiểu và chuyện trò với những nghệ sĩ trẻ đã tạo ra những sản phẩm đẹp đẽ ấy. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận