06/06/2004 17:45 GMT+7

Xác định vị trí Hoàng thành Thăng Long: Khó nhưng lý thú

Theo NLĐ - ND
Theo NLĐ - ND

Hội thảo “Vị trí, quy mô Hoàng thành Thăng Long qua hệ thống bản đồ và tư liệu khảo cổ học” do Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 3-6 tại Hà Nội đã trở nên rất sôi nổi với nhiều ý kiến khác nhau...

EIbPIOaZ.jpgPhóng to
Hoàng thành Thăng Long: Ðầy bí ẩn dưới lòng đất
Hội thảo “Vị trí, quy mô Hoàng thành Thăng Long qua hệ thống bản đồ và tư liệu khảo cổ học” do Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 3-6 tại Hà Nội đã trở nên rất sôi nổi với nhiều ý kiến khác nhau...

Xác định vị trí Hoàng thành Thăng Long: còn nhiều tranh cãi

GS Bùi Thiết, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về bản đồ, người đã tìm được 10 tấm bản đồ Thăng Long thời Lê khẳng định, ngoài một số ghi chép không mấy rõ ràng của thư tịch thì may mắn thay là chúng ta còn lại một hệ thống bản đồ, nói chính xác là họa đồ, vẽ về thành Thăng Long trước thế kỷ 19 mà chủ yếu là thành Thăng Long thời Lê từ cuối thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 18.

TheoGS Bùi Thiết, việc xác định thành Thăng Long và Hoàng thành Thăng Long đã rõ, nhưng chưa rõ đến mức có thể cho phép vẽ lại chính xác kích thước vòng thành một cách dễ dàng.

Ông cho rằng, điều có thể xác định được là trục Bắc-Nam ở chính giữa Hoàng thành, đại thể là tường phía bắc gần trùng với đường Phan Đình Phùng, tường phía nam gần trùng với phố Nguyễn Thái Học. Riêng hai phía đông- tây thì rất khó xác định.

Không nghiên cứu trên bản đồ mà dựa vào những kết luận khảo cổ học, TS Tống Trung Tín, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho rằng, những di tích, di vật khai quật được tại khu vực tòa nhà Ba Đình đã cho phép hình dung phần nào vị trí, quy mô và diện mạo Hoàng thành Thăng Long dưới thời Lý, Trần- Lê, thành Hà Nội thời Nguyễn.

Nếu quan niệm Hoàng thành Thăng Long là vòng thành trong được vẽ trên bản đồ thời Lê thì sẽ ở khoảng chừng phía bắc là đường Phan Đình Phùng, phía nam là đường Trần Phú, phía tây là đường Ông Ích Khiêm, phía đông là phố Thuốc Bắc.

Quy mô đó ước khoảng 140 ha dưới thời Lê. Trước đó, thời Lý-Trần thì có thể xê dịch hơn hoặc kém diện tích đó một chút. Đến đời Nguyễn thì thu nhỏ lại khoảng 100 ha.

GS Trần Quốc Vượng thì lại cho rằng, quy mô Lý- Trần- Lê khoảng 400 ha, phía Đông là khoảng phố Lãn Ông, Tây ở khoảng phố Ngọc Hà, Nam ở khoảng chợ Cửa Nam-Hàng Đẫy (Nguyễn Thái Học), Bắc ở khoảng tiếp gần đường Quán Thánh.

Điện Kính Thiên hiện nay không phải là Kính Thiên?

Theo Việt sử lược (thế kỷ 14) thì năm 1010, bình đồ Hoàng thành Thăng Long được vua Lý Thái Tổ xây dựng như sau: chính giữa là điện Càn Nguyên (sau đổi thành điện Thiên An, sau nữa vua Lê Thái Tổ đổi thành điện Kính Thiên); phía đông có điện Tập Hiền và cửa Phi Long, phía tây là điện Giảng Vũ và cửa Đan Phượng, phía Nam là Cao Điện, thềm Long Trì...

Điện Kính Thiên tồn tại đến thế kỷ 18 thì bị phá hủy cùng số phận của thành Thăng Long. Theo GS Bùi Thiết, lâu nay, nhiều ngưỡi vẫn nói về một tòa điện Kính Thiên trong thành Hà Nội. Theo chính sử thì đây là tòa chính điện của Thăng Long 1805, không gọi là Kính Thiên, bởi vì Hà Nội lúc đó không có vua nên không thể là Kính Thiên được.

Hơn nữa, vị trí của tòa chính điện này không nằm vào vị trí của điện Kính Thiên của Thăng Long cũ. Nhiều sách báo hiện nay vẫn viết đó là điện Kính Thiên, có lẽ là do hiểu nhầm từ xuất xứ ở tấm bản đồ Hà Nội năm 1873 được biên vẽ vào năm 1910.

Ở bản đồ này, lúc nay chữ Thăng Long đã bị vua Gia Long đổi Hán tự từ Rồng lên thành Hưng thịnh, thế nhưng trong bản đồ vẫn ghi là Rồng lên. Chú thích của điện chính này được ghi bằng chữ quốc ngữ là điện Kính Thiên và tiếng Pháp là Palais du Roi (cung điện của Vua). Và vì thế, có sự hiểu nhầm đến tận nay.

Có thể là điện Giảng Võ, Lạc Trường cung hay điện Ngọc Hà

Với diện tích khai quật lên đến 18.000m2, cuộc khai quật khảo cổ học ở Hoàng thành Thăng Long hiện nay được coi là có quy mô lớn nhất ở Việt Nam và cũng vào loại lớn nhất ở Đông - Nam Á hiện nay.

Theo TS Tống Trung Tín, do sử cũ ghi lại ở khu vực phía tây điện Kính Thiên xây dựng dày đặc các cung điện, lầu gác nên những dấu vết ở đây có thể là dấu tích của các cung điện và lầu gác của Hoàng thành Thăng Long xưa. Đây có thể là Trường Lạc Cung thời Lê (cung hoàng hậu của vua Lê Thánh Tông).

Trong khi đó, GS Trần Quốc Vượng khẳng định, nếu lấy điện Kính Thiên làm chuẩn thì vị trí đối xứng với điện Tập Hiền là khu khai quật. Chính vì “tả văn hữu võ” nên khu vực khai quật rất có thể là điện Giảng Võ xưa. Hoặc là không chỉ là điện Giảng Võ mà còn là nhiều cung khác nữa.

GS Bùi Thiết thì cho rằng, nếu xác định theo bản đồ Hà Nội 1870 thì nằm trong lô đất này gồm có các kiến trúc Dinh Đề đốc Chánh lãnh binh, Phó chánh binh; kho Tọa Bắc và khoa Đạn. Nếu căn cứ vào bản đồ Thăng Long từ trước thế kỷ 19 thì đây ứng với trục chính tâm Hoàng Thành Thăng Long, đây hoặc là điện Chí Kính, hoặc là điện Ngọc Hà.

Các cung điện này đều thuộc về Thăng Long đời Lê, còn dấu tích thời Trần và Lý trước đó thì lại là một vấn đề khác vô cùng lý thú. Theo GS Bùi Thiết, muốn xác định nó là gì trước thế kỷ 15, quả là khó vô cùng.

Theo NLĐ - ND
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên