26/09/2022 11:04 GMT+7

World Cup 2022: Thời của các đại diện châu Á

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - World Cup 2002 đánh dấu sự trỗi dậy của các đại diện châu Á, và 20 năm sau cơ hội tương tự lại đến.

World Cup 2022: Thời của các đại diện châu Á - Ảnh 1.

Son Heung Min (7) là cầu thủ châu Á hiếm hoi bị bào mòn thể lực ở các giải châu Âu - Ảnh: REUTERS

Loạt trận giao hữu quốc tế đang diễn ra những ngày qua là một trong số những ví dụ cho thấy điều đó, khi hầu hết các đại diện châu Á sẽ góp mặt tại World Cup tới đều thi đấu tốt.

Lợi thế thể lực

Trên sân nhà, Hàn Quốc cầm hòa Costa Rica 2-2 bằng bàn thắng muộn màng nhưng cũng cực kỳ đẹp mắt của Son Heung Min. 

Đó không phải một kết quả quá tốt, nhưng Costa Rica không hề là đối thủ dễ chịu. Nên nhớ đội bóng vùng Bắc Trung Mỹ - Caribbean này từng lọt vào tứ kết World Cup 2014 và là một đối thủ ngang tài với Mỹ, Mexico.

Tương tự, Saudi Arabia cũng giành được một trận hòa trước đại diện có vé dự World Cup là Ecuador, trong khi Nhật đánh bại Mỹ 2-0 và đặc biệt Iran quật ngã Uruguay bằng pha lập công duy nhất của Taremi. Chỉ mình Qatar lạc nhịp trong chuỗi thành tích ấn tượng của các đại diện châu Á khi để thua Canada 0-2.

Tất nhiên một vài kết quả khả quan không nói lên được nhiều điều. Trong những đợt hội quân giữa mùa giải (của các CLB) như thế này, các đội tuyển châu Á thường có nhiều lợi thế hơn những đại diện của châu Âu và Nam Mỹ xét về khía cạnh thể lực.

Nhật Bản là nền bóng đá châu Á có nhiều ngôi sao chơi bóng ở châu Âu nhất hiện nay. Nhưng nói cho cùng, không phải cầu thủ Nhật đang chơi bóng ở châu Âu nào cũng có được vị trí chính thức. 

Điển hình như Minamino - người chỉ mới ra sân 4/10 trận của Monaco mùa giải này. Tương tự là Junya Ito (Reims), Kaoru Mitoma (Brighton) hay Genki Haraguchi (Union Berlin). 

Một số ngôi sao trẻ như Takefusa Kubo, Ritsu Doan thực sự chiếm được chỗ đứng ở các CLB danh giá (Sociedad và Freiburg), nhưng cũng chưa đến trình độ phải cày ải hết trận này đến trận khác.

Tương tự là tuyển Hàn Quốc và Iran. Son Heung Min (Tottenham) hay Taremi (Porto) có thể là ngôi sao không thể thay thế ở CLB của họ, nhưng Hwang Hee-Chan (Wolverhampton), Azmoun (Leverkusen) và Ghoddos (Brentford) tuy cũng rất nổi tiếng nhưng vẫn chỉ là cầu thủ dự bị ở châu Âu. 

Các ngôi sao này vì vậy khi trở về tuyển quốc gia đều có nền tảng thể lực sung sức. Càng đến gần World Cup, lợi thế này sẽ càng rõ rệt.

Càng đến gần World Cup càng lợi thế

Đó là với những ngôi sao chơi bóng ở châu Âu. Các cầu thủ Hàn Quốc, Nhật Bản còn lại (chơi ở giải trong nước) cũng có một lợi thế khác. 

Truyền thống của các nền bóng đá Đông Á là giải vô địch quốc gia kết thúc trong tháng 11, và K-League (Hàn Quốc) cùng J-League (Nhật Bản) cũng không ngoại lệ.

J-League mùa giải năm nay sẽ kết thúc vào ngày 5-11, còn K-League thậm chí sớm hơn một tuần. 

Các cầu thủ Nhật và Hàn chơi ở giải trong nước vì vậy có đến hơn nửa tháng để nghỉ ngơi và hội quân cùng đội tuyển trước thềm World Cup. Trong khi đó, những ngôi sao trở về từ châu Âu chỉ có vỏn vẹn một tuần lễ.

VCK Asian Cup thường diễn ra vào đầu tháng 1, kỳ World Cup năm nay diễn ra với khoảng thời gian gần tương tự (từ cuối tháng 11 đến tháng 12). 

Có thể nói, các đại diện Đông Á sẽ ít bỡ ngỡ hơn những CLB của châu Âu, Nam Mỹ và Bắc Trung Mỹ - Caribbean, đặc biệt khi World Cup 2022 diễn ra tại một quốc gia châu Á.

Thiên thời, địa lợi đều đang dành cơ hội cho các đại diện châu Á. Đừng ngạc nhiên nếu những chiến thắng bất ngờ, như của Nhật và Iran mới đây, sẽ được tái hiện trên đất Qatar sau hai tháng nữa.

Bị đánh giá thấp vì trẻ tuổi

Tính theo đợt hội quân lần này, các đội bóng châu Á vẫn bị đánh giá thấp về mặt giá trị đội hình. Toàn bộ 26 tuyển thủ của Hàn Quốc chỉ được định giá 146 triệu euro, xếp thứ 24/32 đội bóng dự World Cup.

Ngay sau Hàn Quốc là Nhật Bản, với chỉ 130 triệu euro cho toàn bộ 30 tuyển thủ hiện tại. Iran chỉ có giá trị đội hình là 73 triệu, Úc 41 triệu, còn Qatar đứng áp chót với 20,1 triệu euro.

Thứ bậc đó có thể sẽ còn sa sút khi bước vào World Cup, bởi lúc đó các đội tuyển quốc gia từ châu Mỹ, châu Phi sẽ triệu tập đội hình mạnh nhất của họ.

Dù vậy, các đội châu Á lại có độ tuổi trung bình vào loại thấp nhất. Tuổi trung bình của Hàn Quốc, Qatar, Nhật lần lượt là 26,1 tuổi, 26,3 tuổi và 26,4 tuổi.

Nhiều cầu thủ còn trẻ, chưa sang châu Âu chơi bóng nên không được định giá cao trên thị trường chuyển nhượng là điều hiển nhiên.

Bóng đá Việt Nam phải song hành mục tiêu World Cup và Olympic Bóng đá Việt Nam phải song hành mục tiêu World Cup và Olympic

TTO - Với những gì các đội tuyển U19, U23 Việt Nam đã đạt được thời gian qua, liệu đã đến lúc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tính đến mục tiêu có mặt ở Olympic?

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên