13/04/2022 14:33 GMT+7

WHO: Phụ nữ dưới 21 tuổi tiêm 1 liều HPV hiệu quả bằng 3 liều

CHẤN PHONG
CHẤN PHONG

TTO - Theo khuyến nghị mới nhất của WHO, trẻ em gái và nữ giới trong độ tuổi từ 9-20 chỉ cần tiêm 1 mũi vắc xin HPV là đã có thể ngừa được ung thư cổ tử cung. Điều này mở ra cơ hội cho nhiều phụ nữ ở các quốc gia đang phát triển và thu nhập thấp.

WHO: Phụ nữ dưới 21 tuổi tiêm 1 liều HPV hiệu quả bằng 3 liều - Ảnh 1.

Khuyến nghị tiêm 1 liều vắc xin HPV sẽ giúp có thêm nhiều phụ nữ và trẻ em gái được tiêm vắc xin - Ảnh: AFP

Ngày 12-4, các chuyên gia tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến nghị mới về việc tiêm vắc xin ngừa HPV, một loại virus gây ung thư cổ tử cung, lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. 

Theo Nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO (SAGE), có các bằng chứng cho thấy 1 liều vắc xin HPV với trẻ em gái và phụ nữ dưới 21 tuổi có hiệu quả tương đương phác đồ 2 hoặc 3 liều ở nhóm tuổi cao hơn.

SAGE kết luận một mũi tiêm ở nhóm dưới 21 tuổi vẫn mang lại sự bảo vệ vững chắc chống lại HPV.

"Khuyến nghị này cho phép thêm nhiều trẻ em gái và phụ nữ được tiêm chủng, giúp họ ngăn ngừa ung thư cổ tử cung", AFP dẫn thông cáo của SAGE.

Theo đó, SAGE khuyến nghị trẻ em gái trong độ tuổi từ 9-14 và nữ giới 15-20 tuổi cần tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin; nữ giới trên 21 tuổi tiêm 2 mũi cách nhau 6 tháng, riêng những người suy giảm miễn dịch tiêm 3 mũi nếu đủ điều kiện.

Các khuyến nghị mới thay thế hướng dẫn cũ về việc tiêm 2 mũi vắc xin cho trẻ em gái từ 9-14 tuổi và 3 mũi cho nữ giới từ 15 tuổi trở lên.

AFP dẫn lời trợ lý tổng giám đốc WHO Nono Simelela khẳng định việc loại bỏ ung thư cổ tử cung "là có thể thực hiện được".

"Khuyến nghị 1 liều duy nhất này có khả năng đưa chúng ta nhanh hơn đến mục tiêu có 90% trẻ em gái được tiêm chủng vào năm 15 tuổi vào năm 2030", bà Simelela bày tỏ lạc quan.

Công tác tiêm phòng vắc xin ngừa HPV trên toàn cầu còn chậm và chưa bắt kịp mục tiêu đặt ra do những thách thức về nguồn cung và chi phí tiêm.

SAGE tin rằng tình hình cung ứng vắc xin sẽ được cải thiện trong ngắn hạn và trung hạn. Nhóm đề nghị các bé gái từ 9 đến 14 tuổi nên là đối tượng tiêm chủng chính, sau đó mới đến nhóm phụ nữ trẻ và những người đã bỏ lỡ mũi tiêm đầu tiên.

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ trên toàn cầu. Theo AFP, khoảng 340.000 phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung vào năm 2020. Tuy nhiên, căn bệnh thường được ví như "kẻ giết người thầm lặng" này hoàn toàn có thể phòng ngừa được nhờ vắc xin HPV.

Vaccine HPV - chìa khóa Vaccine HPV - chìa khóa 'xóa sổ' ung thư cổ tử cung

Một nghiên cứu khoa học công bố ngày 20-2 đã chỉ ra việc tiêm phòng vaccine HPV mới có thể giúp loại bỏ hầu hết bệnh ung thư cổ tử cung ở một số nước có thu nhập cao trong 3 thập kỷ tới, ở phần lớn các quốc gia trên thế giới tính đến cuối thế kỷ.

CHẤN PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên