03/08/2013 07:29 GMT+7

Website nhạc nội sống "tầm gửi"

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Trong khi các website âm nhạc nước ngoài thu bộn tiền nhờ bán lượt nghe và lượt tải thì các website âm nhạc Việt Nam lại sống khỏe nhờ... lượt xem và quảng cáo.

Một thị trường nhạc số đáng ra sẽ sinh lợi rất lớn nhưng đang bị bóp chết bởi thói quen sử dụng miễn phí.

xj0eMOwO.jpgPhóng to
iTunes đã thu về 2 tỉ đồng sau sáu tháng chính thức bán các ca khúc nhạc Việt

Một bên có nhiều khách hàng, một bên được nghe tải miễn phí, còn nhạc sĩ, ca sĩ khóc dở mếu dở vì album vừa mới giới thiệu, vài giờ sau đã xuất hiện tràn lan trên mạng. Dĩ nhiên, không một đồng tác quyền nào được thu về từ kiểu chia sẻ vô trách nhiệm đó. Hàng tỉ đồng tiền đầu tư bỗng chốc đổ xuống sông xuống biển.

Từ 2 tỉ đồng của iTunes

Trong khi nhiều website âm nhạc trong nước hài lòng với cảnh “xài chùa” nhạc số và thu tiền quảng cáo thì các website nhạc số đa quốc gia đã có cuộc đổ bộ âm thầm vào Việt Nam. Ðầu tiên phải kể đến đại gia iTunes hiện đang giữ hơn 70% thị phần nhạc số thế giới. Việc tham gia thị trường Việt Nam được iTunes xúc tiến từ cuối năm 2011 qua việc đánh tiếng đàm phán về vấn đề quyền tác giả. Ðến tháng 8-2012, thông qua một tổ chức bảo vệ quyền tác giả của Hong Kong, iTunes đã chính thức có mặt tại các nước khu vực Ðông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Philippines...

“Theo thỏa thuận, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) sẽ hưởng 8% doanh thu bán nhạc số Việt Nam của iTunes trong những năm đầu tiên. Dĩ nhiên, VCPMC và iTunes chỉ chia sẻ tiền bản quyền của những tác giả đã ký hợp đồng ủy thác cho VCPMC. Với một số tác giả Việt Nam khác, nếu muốn bán tác phẩm của họ trên trang của mình, iTunes sẽ phải đàm phán và ký hợp đồng riêng” - luật sư Phạm Thanh Thủy (VCPMC) cho biết.

“Trong sáu tháng đầu tiên chính thức ký hợp đồng với VCPMC, số tiền tác quyền iTunes trả cùng bản đối soát là 160 triệu đồng. Ðây là số tiền tác quyền mà các tác giả Việt Nam nhận được qua việc iTunes bán nhạc số. Tính toán từ tỉ lệ chia sẻ là 8% doanh thu cho tác quyền, chúng tôi ước tính doanh thu trong sáu tháng của iTunes khoảng 2 tỉ đồng. 2 tỉ trong nửa năm so với thế giới là quá nhỏ, nhưng so với Việt Nam thì quá bất ngờ” - bà Thủy khẳng định. Với 6-10 USD cho mỗi album được tải về, giá bán của iTunes không hề rẻ. Thế nhưng người mua vẫn sẵn sàng chi tiền. Trong khi đó, với các website trong nước, việc tải nhạc và nghe nhạc vẫn diễn ra miễn phí.

Cũng theo VCPMC, không chỉ iTunes, một số website âm nhạc đa quốc gia cũng đang thỏa thuận vấn đề bản quyền để tham gia thị trường Việt Nam như Deezer.com, Spotify.com... “Các trang web nước ngoài đã đánh tiếng khá lâu. Khúc mắc hiện tại chỉ là tỉ lệ chia tiền tác quyền thôi. Việt Nam tuy là thị trường nhỏ nhưng việc kinh doanh nhạc số đang bỏ ngỏ. Có rất nhiều website muốn tham gia” - bà Phạm Thanh Thủy cho biết.

Đến website nhạc nội sống “tầm gửi” vào quảng cáo

Trong khi đó, cú lội ngược dòng thử nghiệm bán nhạc số chỉ mang về vỏn vẹn 20 triệu đồng, các website âm nhạc cũng không còn mạnh miệng tuyên bố như ngày đầu bắt tay vì công cuộc “nghe có ý thức”. Những phàn nàn của khách hàng “trót” mua nhạc số như: album cũ kỹ không cập nhật, chất lượng không đảm bảo... cũng rơi vào im lặng. MV Corp - đơn vị “đầu tàu” cho công cuộc chiến đấu với nạn nghe tải miễn phí - cũng bỏ cuộc giữa chừng. Những lời than vãn thì nhiều nhưng bắt đầu nhỏ tiếng.

“Siết nghe và tải nhạc, người dùng sẽ bỏ ngay sang dùng các trang tải miễn phí khác. Tiền bán nhạc số chưa được bao nhiêu nhưng thiệt hại từ lượt xem và quảng cáo là nhìn thấy rõ. Bản thân các website cũng không dễ từ bỏ tình trạng sống nhàn, sống khỏe này khi tiền thu từ quảng cáo tính bằng tiền tỉ” - một nguồn tin tiết lộ. Trong khi đó, việc nâng cấp một hệ thống thanh toán trực tuyến, thực hiện các thống kê rõ ràng để ăn chia với các bên lại tốn tiền và tốn thời gian. Chưa kể đến lúc đó, doanh thu lại sẽ bị chia năm xẻ bảy cho phía nhạc sĩ, ca sĩ, bên ghi âm...

Một vài trang web âm nhạc không sống nhờ tiền quảng cáo thì đang âm thầm đo đếm phản ứng của thị trường trước khi chính thức ra mắt và thu phí. Thậm chí, khi đã có trong tay công cụ thanh toán được cho là tiện dụng và hợp lý nhất với người Việt Nam là trừ tiền qua thẻ điện thoại thì những trang này vẫn không khỏi âu lo người dùng sẽ bỏ chạy. “Không thể ngay lập tức thay đổi nhận thức của những người dùng miễn phí. Dự tính ít nhất sẽ mất 2-3 năm nữa. Ban đầu chúng tôi dự tính thu phí tải nhạc nhưng vẫn cho nghe miễn phí. Dần dần sẽ hạn chế quyền nghe bằng cách chỉ nghe trước một đoạn ngắn như cách các trang web nước ngoài hay dùng. Với cách này phải chấp nhận khách hàng ít đi, lãi hưởng lỗ chịu” - giám đốc phụ trách một website âm nhạc cho biết. Xem ra việc sống tầm gửi hay tự lập vẫn còn là câu hỏi khó đối với thị trường nhạc số Việt Nam.

Nhạc sĩ Quốc Trung:

Đa số các trang web âm nhạc vẫn cứ giả vờ...

* Hơn nửa năm khởi xướng việc bán nhạc số trên các trang web âm nhạc, con số thu về tổng cộng là 20 triệu đồng - số tiền mà mọi trang web đều thờ ơ. Ngoài yếu tố khó khăn về dịch vụ thanh toán, theo anh, ý thức tải nhạc và nghe nhạc có trả tiền ở Việt Nam hiện nay đã có chút nào thay đổi chưa?

- Tôi đã hình dung và nói ngay từ khi họ chưa triển khai, việc thu tiền chỉ là động tác hợp thức hóa những việc làm sai trái và tiếp tục việc đó một cách công khai thôi. Việc triển khai lúc đầu luôn gặp phải những khó khăn về mặt kỹ thuật cũng như thói quen, nhưng việc chưa làm triệt để và đồng bộ cho thấy đa số vẫn chỉ làm lấy lệ, làm cho có để đánh lừa dư luận. Sẽ có ai trả tiền và tải nhạc khi vẫn còn những trang chia sẻ miễn phí, ngay cả việc cho nghe miễn phí thì cũng có cần thiết phải tải về làm gì? Tôi nghĩ mọi việc đã quá rõ ràng, chỉ có điều đa số vẫn cứ giả vờ, lừa dối để một năm sau mọi việc trở lại như trước đây thôi.

* Cho đến thời điểm hiện nay, thị trường bán nhạc số vẫn đang bỏ ngỏ. Anh đánh giá như thế nào về triển vọng của nó?

- Bán nhạc số là xu hướng phát triển của thị trường âm nhạc và nó vẫn và đã mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ, nhưng hiện tại lại chảy vào túi những kẻ ăn cướp mà không hề mang lại lợi nhuận nào cho nghệ sĩ - những người sáng tạo và đóng góp vào đời sống âm nhạc. Thị trường nhạc số sẽ phát triển và thay thế nếu làm triệt để và được sự quan tâm đúng mức của mọi thành phần, nhất là các cơ quan chức năng và quản lý.

* Theo anh, để bán được cho chính những người vốn rất quen nghe miễn phí, chúng ta cần có những hành động cụ thể nào?

- Việc đầu tiên cần phải xác định thói quen sai trái đấy xuất phát từ đâu và mang lại lợi ích cho ai. Đa số thính giả cũng hiểu được đó là thói quen sai trái và đang hủy hoại đời sống âm nhạc, vì vậy nếu thực hiện họ sẽ ủng hộ hoặc sẽ phải đi theo. Hành động đầu tiên là cần xác định rõ ràng từ cơ quan quản lý là hành vi kinh doanh đó vi phạm pháp luật và cả đạo đức kinh doanh.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên