Phóng to |
Ngày 2-12, tàu Trường Sa 04 nhận được tín hiệu cấp cứu của tàu cá QNg 96355TS. Tàu này bị chết máy từ ngày 1-12 và di chuyển được đến đảo Sơn Ca thì không thể tiếp tục hành trình. Khi gặp nạn, trên tàu có 12 ngư dân, tàu do anh Nguyễn Văn Tuấn (ngụ tại xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng. Ngay lập tức, tàu Trường Sa 04 đã cử ba cán bộ kỹ thuật sang sửa chữa cho tàu cá.
Tín hiệu cấp cứu từ trong cơn bão
Sau khi sửa xong, tàu cá đi được một đoạn và tiếp tục bị hư hỏng. Lần này các cán bộ, chiến sĩ kỹ thuật của tàu Trường Sa 04 không thể khắc phục vì không có phương tiện vật tư thay thế. Tàu cá Quảng Ngãi phải quay về phía đông nam đảo Sơn Ca, neo cách đảo 1 hải lý. “Lúc 16g ngày 5-12 chúng tôi phát hiện một tàu cá phát tín hiệu cấp cứu, bị hỏng máy tại rìa đông nam đảo Sơn Ca (cách tàu Trường Sa 04 7 hải lý). Tình hình rất nguy cấp và khẩn trương vì dự báo chỉ còn một giờ nữa bão số 9 bắt đầu tràn vào phía đông bắc biển Đông, tàu cá có thể bị trôi dạt, mắc cạn lên đảo” - thuyền trưởng tàu Trường Sa 04, đại úy Vũ Văn Long cho biết.
Các cán bộ và chiến sĩ tàu Trường Sa 04 phải chạy đua từng giây từng phút vì bão đang tiến vào rất gần, thời tiết cực kỳ phức tạp. “Chúng tôi phải thường xuyên cơ động, giữ khoảng cách từ 100-200m để giữ an toàn cho tàu cá” - thiếu tá Nguyễn Đình Lịch, hải đội trưởng hải đội 1, cho hay. 18g, tàu Trường Sa 04 bắt đầu tiếp cận tàu cá. Nhưng gay go nhất là mớm nước của tàu Trường Sa 04 sâu còn ghe cá nông nên rất khó khăn cho việc tiếp cận. Nếu không cẩn thận, tàu Trường Sa 04 có thể bị mắc cạn. “Chúng tôi phải hết sức cẩn thận, tính toán làm sao để đưa dây đến tàu cá mà không gây nguy hiểm cho cả hai tàu” - đại úy Vũ Văn Long kể. Đúng lúc chuẩn bị làm dây kéo tiếp cận thì dông gió kéo đến. Sau ba giờ, khoảng 21g tàu Trường Sa 04 đã kéo tàu cá ra khu vực an toàn. Khi đó sóng gió đã lên cấp 6. Biển động mạnh.
Hành trình 856km trên biển
Tàu cá được buộc sau lái của tàu Trường Sa 04 để lai dắt về Vũng Tàu. “Quãng đường lai dắt quá dài, 476 hải lý, tương đương 856km, chọn phương án lai kéo đảm bảo an toàn cũng là một vấn đề - thiếu tá Lịch cho biết - Trên đường về thời tiết phức tạp, gió mùa đông bắc cấp 6 và mưa dông liên tục. Chúng tôi phải chọn vận tốc phù hợp, đi lựa sóng để không gây nguy hiểm cho tàu cá và 12 thuyền viên. Chiếc tàu cá đã có tuổi đời 20 năm nên rất dễ bị vỡ. Chúng tôi liên tục cắt cử cán bộ, chiến sĩ theo dõi tàu cá. Cứ 1-2 giờ, tàu Trường Sa 04 lại liên lạc qua bộ đàm để kịp thời theo dõi tình hình của tàu cá. Khi thấy nguy hiểm, bất cứ lúc nào chúng tôi lại kiểm tra liên lạc chứ không cứ cứng nhắc 1-2 giờ mới gọi một lần. Nhất là vào đêm tối, nhiều nguy hiểm, rủi ro tiềm ẩn, Trường Sa 04 phải dùng rađa để theo dõi tàu cá”.
Đại úy Vũ Văn Long cho biết thêm: “Trên hải trình về đất liền, để đảm bảo an toàn cho ngư dân, tàu Trường Sa 04 đã cho bảy người sang tàu cùng ăn ở, sinh hoạt với bộ đội, chỉ để lại năm người trực tàu cá, làm nhiệm vụ trực giữ dây kéo”.
Thuyền trưởng tàu cá Nguyễn Văn Tuấn xúc động nói: “Có lực lượng hải quân trên biển và gần gũi với ngư dân là chúng tôi rất yên tâm bám biển, theo đàn cá để làm ăn và góp phần công sức để khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận